Giảng đường giữa ngàn khơi sóng

HQ Online -

Trên hải trình đến Singapore, đoàn công tác trên Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn đã chỉ đạo, tổ chức huấn luyện đúng, đủ các khoa mục cho học viên Khóa 64, Tiểu đoàn 3, Học viện Hải quân. Đây là những học viên tiêu biểu năm cuối, được Học viện Hải quân lựa chọn đi đối ngoại quốc phòng kết hợp huấn luyện đường dài trên biển lần này.

Vận dụng tốt kiến thức vào thực tế

Thực hành đi ca là nội dung được học viên hào hứng thực hiện. Từng người vận dụng kiến thức được trang bị ở giảng đường vào thực tế đi biển. Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn chia làm 3 ca liên tục để điều động tàu trên biển. Mỗi ca ngoài cán bộ của tàu, luôn có giảng viên hướng dẫn cho học viên trên cương vị trưởng ngành hàng hải, trưởng ngành máy và bộ phận trực canh quan sát điều động tàu đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn.

Trưởng đoàn công tác và các đại biểu theo dõi huấn luyện

Đại tá Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng khoa Hàng hải, Học viện Hải quân chia sẻ: Sau khi có kế hoạch của trên, chỉ huy khoa đã quán triệt, triển khai cho học viên chuyên ngành làm tốt công chuẩn bị, thực hiện huấn luyện bổ sung. Tại bến, học viên xây dựng kế hoạch đi biển, chọn đường đi có lợi trên cơ sở lý thuyết đã được học, từ đó so sánh với kế hoạch của tàu đã được thủ trưởng Học viện phê duyệt để học tập, bổ sung kiến thức. Hải trình đến Singapore, các khoa đã thực hiện được 2/3 nội dung huấn luyện, đạt kết quả tốt.

Một buổi bàn giao ca hàng hải ban đêm trên Tàu 286

Thực hiện phương châm “chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, những năm qua Học viện Hải quân đã đẩy mạnh huấn luyện đi biển đường dài kết hợp với đối ngoại quốc phòng. Mỗi chuyến đi, giảng viên có thêm nhiều kinh nghiệm, còn học viên thì thêm trưởng thành về mọi mặt.

Thượng úy Trần Phúc Hoàng là Giảng viên Khoa Cơ điện, Học viện Hải quân. Năm 2019 anh là học viên năm cuối tham gia đoàn công tác trên Tàu 286 thăm Singapore và Indonesia. Khóa huấn luyện giúp anh hoàn thành thực tập cuối khóa và bảo vệ luận văn tốt nghiệp đạt loại giỏi. Năm nay, Trần Phúc Hoàng với cương vị mới, anh đi ca máy cùng lớp học viên Khóa 64. Ngoài kiến thức chuyên môn, anh còn truyền thụ kinh nghiệm cho học viên bằng cách cầm tay chỉ việc ngay tại buồng máy của tàu.

Thượng úy Nguyễn Phúc Hoàng cho biết: Mỗi lần rèn qua thực tế là một lần học tập bổ ích. Trong môi trường đặc thù dưới khoang máy đòi hỏi người khai thác sử dụng luôn tinh tường, khi có tình huống xảy ra phải xử trí tốt trang bị dự phòng, sau đó khôi phục ngay trang bị chính.

Tàu hành quân trên biển cần có sự hiệp đồng chặt chẽ của từng ngành, vị trí. Đối với học viên đi biển đường dài lần đầu, họ còn học được thêm kỹ năng mềm. Ở chuyến công tác này, 2 ngày đầu hành trình, khi sóng to, gió lớn, nỗ lực của từng người càng thấy rõ. Người có sức khỏe tốt sẵn sàng đảm nhiệm thêm phần việc của đồng đội mình. Trong gian khó, tình đồng chí đồng đội càng tỏa sáng. Những điều này chúng tôi thấy rất rõ qua sự thể hiện của cán bộ, nhân viên tàu cũng như từng thành viên đoàn công tác.

Luyện tập “chống cướp biển” nhanh, chính xác

Nếu như huấn luyện các khoa mục hàng hải, máy tàu, thông tin, trực quan sát… học viên chia nhóm theo chuyên ngành, làm bài tập giảng viên giao thì khi tàu huấn luyện nội dung bảng bố trí “chống cướp biển” đòi hỏi mỗi vị trí phải hiệp đồng chặt chẽ, hành động nhanh, khẩn trương, chính xác. Từng người tham gia vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức vào xử trí tình huống.

 

Học viên chuyên ngành thông tin huấn luyện cờ tay

Bài tập với tình huống giả định đặt ra, ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam-Malaysia, vào buổi sáng sớm, lúc này mặt trời mới ló rạng, màn sương mù vẫn che khuất tầm nhìn. Tổ quan sát trên Tàu 286 phát hiện ở phía xa có mục tiêu khả nghi đeo bám theo tàu. Ban chỉ huy Tàu 286 hội ý khẩn cấp. Mỗi lúc mục tiêu càng bộc lộ rõ ý đồ của một nhóm cướp biển. Chúng đi trên xuồng cao tốc, có trang bị vũ khí, lướt nhanh trên mặt biển.

Lợi dụng mật độ phương tiện qua lại khu vực biển giáp ranh, chúng tiến gần về phía tàu ta. Thuyền trưởng Tàu 286 báo động toàn tàu luyện tập “chống cướp biển”. Tiếng còi tàu hú vang cả vùng biển rộng lớn. Các tổ trên Tàu 286 cơ động về vị trí chiến đấu. Trên đài chỉ huy liên tục phát lời cảnh báo (cả tiếng Việt và tiếng Anh) về phía bọn cướp biển, nhằm vận động chúng từ bỏ ý đồ để được hưởng khoan hồng. Tuy nhiên chúng vẫn liều lĩnh áp sát mạn tàu để thực hiện đột nhập. Các tổ công tác trên tàu hiệp đồng chặt chẽ, kiên quyết ngăn chặn. Chỉ trong thời gian rất ngắn, vòi rồng và vũ khí trên tàu được phát huy, nhóm cướp biển bị bắt gọn, hạ vũ khí. Buổi luyện tập kết thúc, tàu tiếp tục hải trình theo kế hoạch...

Huấn luyện súng máy 12,7mm cho học viên

Đại úy Đoàn Tử Nguyên Ngọc, Thuyền trưởng Tàu 286 cho biết: Thông qua luyện tập bảng bố trí chiến đấu “chống cướp biển” đã rèn luyện khả năng hiệp đồng chặt chẽ toàn tàu, ứng phó và xử trí đúng đối sách với những tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Đồng thời luyện tập cũng là một lần tàu biểu dương lực lượng, động viên tinh thần bộ đội sau nhiều giờ hành quân liên tục trên biển.

Là người theo dõi, chỉ đạo luyện tập, Đại tá Trương Đăng Thuần, Chánh văn phòng Học viện Hải quân chia sẻ: Kíp tàu thực hiện huấn luyện bổ sung bảng bố trí chiến đấu “chống cướp biển” chặt chẽ, nội dung triển khai toàn diện, đúng ý định, đạt yêu cầu đề ra.

Hải trình đến Singapre của đoàn công tác trên Tàu buồm 286 vẫn đang tiếp tục. Những kết quả đạt được là tiền đề để cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên tiếp tục thi đua giành được nhiều kết quả tốt hơn nữa. Hoạt động thăm, giao lưu sắp tới sẽ được đoàn công tác tổ chức bài bản, chu đáo, trọng thị nhằm lan tỏa hình ảnh Hải quân nhân dân Việt Nam đến với hải quân và nhân dân nước bạn.

Bài, ảnh: Vũ Hưởng, Minh Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn