Gian nan hành trình “tìm con”
HQVN -
Hiếm muộn, vô sinh xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội hiện đại. Căn bệnh này kéo theo nhiều hệ lụy cả về kinh tế, tinh thần lẫn hạnh phúc gia đình, gắn kết xã hội. Sự hỗ trợ của cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp, người thân là một trong những biện pháp tháo gỡ bớt gánh nặng cho những cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Hằng năm, Quỹ Hiếm muộn của Quân đội đã hỗ trợ hàng trăm gia đình hiếm muộn, giúp cho quân nhân có cơ hội tiếp cận với những phương pháp điều trị tiên tiến.
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Quân chủng đến thăm gia đình Đại úy N.V.S, Cục Kỹ thuật Hải quân-một trong những gia đình có kết quả mĩ mãn của hành trình tìm kiếm đứa con do bệnh vô sinh hiếm muộn. Bế 2 con trên tay, anh S không giấu được xúc động “Chạy chữa nhiều năm, nhiều lần mất hết cả hy vọng. Nhưng rồi trời thương, chúng tôi đã có 2 thiên thần bù đắp cho bao mệt mỏi, đau khổ đã qua”.
Kết hôn từ năm 2015, hai bên gia đình không hỗ trợ được gì nhiều nên vợ chồng anh S đề ra kế hoạch là dành dụm khoảng một năm rồi sinh con cho đỡ eo hẹp về kinh tế. Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Năm 1, năm 2, bạn bè, đồng nghiệp đã con bồng con bế, còn với vợ chồng anh, đứa con vẫn là niềm mơ ước. Ròng rã bao năm, hết đông rồi lại tây y, từ bệnh viện tư cho đến bệnh viện công, ai chỉ đâu là đi đó. Kinh tế gia đình dồn hết cho việc “kiếm con”. Những khoản tiền tiết kiệm, tiền dành dụm từ ngày cưới cứ thế ra đi theo từng đợt chạy chữa. Đến năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Hiếm muộn, vợ chồng Đại úy S quyết định cấy phôi, may mắn thay, 2 công chúa ra đời trong sự vui mừng của gia đình hai bên.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Quân chủng Hải quân sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021
Thiếu tá T.H.T ở Vùng 2 thường xuyên thực hiện nhiệm vụ trên biển, mỗi năm đi phép, đi tranh thủ về nhà được vài lần. “Khó khăn nhất là vợ chồng ở xa nhau. Anh nhà em thường xuyên đi biển, tàu có về bờ thì cũng ít khi có thời gian về thăm vợ. Nhìn người ta đi khám hiếm muộn có đôi, có cặp, em lúc nào cũng chỉ một mình, tủi thân lắm nhưng phải tự động viên mình không được bỏ cuộc”-chị L, vợ Thiếu tá T chia sẻ. Sự kiên trì của vợ, sự cố gắng của chồng cùng sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ Hiếm muộn cũng đến ngày cho quả ngọt. Bé V.A ra đời khỏe mạnh đã lấp đầy khoảng trống trong tổ ấm của anh chị.
Trên đây là 2 trong số nhiều gia đình quân nhân bị vô sinh, hiếm muộn ở Quân chủng Hải quân đã điều trị thành công. Thực tế cho thấy, việc điều trị hiếm muộn là một hành trình dài, tốn kém cả về vật chất lẫn tinh thần, muốn thành công không chỉ cần sự quyết tâm của người trong cuộc mà còn cần sự ủng hộ của gia đình, người thân, cơ quan, đơn vị.
Khi đọc hồ sơ của hàng trăm gia đình hiếm muộn từ các đơn vị gửi về, chúng tôi nhận thấy có một điểm chung giữa các cặp vợ chồng hiếm muộn là ai cũng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và áp lực về tinh thần nặng nề. Ngoài ra, cũng như gia đình Thiếu tá T, đặc thù của bộ đội Hải quân là thường xuyên phải công tác dài ngày trên biển, đảo, nhà giàn, thậm chí ở đất liền nhưng có khi cả năm về với gia đình được vài ba đợt, thời gian để vợ chồng gần nhau không nhiều. Do đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan, đơn vị trong hành trình chữa trị hiếm muộn, vô sinh của quân nhân là rất cần thiết. Nhiều gia đình sau khi được đơn vị ưu tiên cho nghỉ phép, nghỉ tranh thủ hoặc luân chuyển công tác để có thời gian gần gia đình, quá trình chữa trị đã mang lại kết quả tốt.
Thời gian qua, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Ảnh: Phúc Vinh
Đồng hành với các gia đình trong hành trình tìm con, mỗi năm, Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em Quân chủng có 2 đợt đề xuất trên xét duyệt hỗ trợ tài chính cho gia đình quân nhân điều trị vô sinh hiếm muộn.
Đã có 161 trường hợp được hỗ trợ với tổng số tiền là 8 tỷ đồng. Mỗi lần hỗ trợ tối đa là 50 triệu đồng/gia đình. Trung tá Nguyễn Xuân Quý, Trợ lý Phòng Quân y, Cục Hậu cần chia sẻ: “Số tiền tuy không nhiều so với chi phí thực tế nhưng đây là sự quan tâm của cơ quan, đơn vị đối với những hoàn cảnh hiếm muộn, góp phần động viên và đồng hành cùng họ vượt qua khó khăn”.
Trong 3 năm (2019-2021), Quân chủng có 350 gia đình điều trị vô sinh hiếm muộn, trong đó tỉ lệ thành công chiếm 58%. Tuy nhiên, thực tế, con số này có thể còn lớn hơn, lí do được Trung tá Nguyễn Xuân Quý giải thích: “Một số trường hợp còn giấu bệnh, không đi khám hoặc khám ở các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện không đủ điều kiện chữa trị và không nằm trong danh mục các bệnh viện được Bộ Y tế công nhận hỗ trợ”.
Bên cạnh một số đơn vị làm rất tốt công tác động viên, quan tâm, hỗ trợ quân nhân trong điều trị vô sinh, hiếm muộn thì vẫn còn lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị nắm bắt chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, chế độ chưa kịp thời dẫn đến việc làm hồ sơ đề xuất hỗ trợ chậm so với thời gian quy định.
5 năm, 7 năm, 10 năm là hành trình đằng đẵng với nhiều cung bậc cảm xúc, hy vọng, thất vọng rồi lại hy vọng. Cho dù quãng đường có xa, có khó khăn, vất vả nhưng từ khi có tiếng cười con trẻ, tổ ấm của những gia đình như Thiếu tá T, Đại úy S trở nên ấm áp, hạnh phúc hơn. Giờ đây, những đứa con ra đời, không chỉ là quả ngọt của tình yêu của vợ chồng mà còn là niềm hy vọng, tình yêu thương, sẻ chia của gia đình hai bên nội ngoại, của đồng chí, đồng đội.
Bài, ảnh: Xuân Hương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 602: 145 lượt tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 170: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )