End Sweep (Nhát quét cuối cùng). Phần 2: Những thảm họa dành cho đội quân rà phá

HQVN -

Kế hoạch ban đầu cho End Sweep (Nhát quét cuối cùng) được gọi là Đội hình canh gác (Formation Sentry) I và II. Chúng đã được hoàn thành vào năm 1972 nhưng chưa sẵn sàng bởi quyết định của Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.

Formation Sentry I được đổi thành Formation Sentry II do sự cố của tàu USS Warrington vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/1972. Trong khi tiến hành oanh tạc vùng biển Việt Nam cách Đồng Hới 10-20 dặm về phía Đông Bắc, tàu USS Warrington đã bị hư hại do gặp phải thủy lôi của chính họ.

Sự cố này đã khiến Tham mưu trưởng liên quân Mỹ khẳng định rằng tàu quét mìn đại dương (MSO) đặc biệt không phù hợp với các hoạt động rà quét mìn ở khu vực này vì quá nguy hiểm.

Hải quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó gặp phải tình trạng chung là thiếu kinh phí đào tạo và thiết bị. Vì vậy, từ năm 1970, Hải quân Hoa Kỳ đã quan tâm đến việc quét mìn bằng trực thăng do chi phí thấp. Hơn nữa, tính đến năm 1972, 172 tàu quét mìn đại dương của Hoa Kỳ đều có tuổi đời từ 13-19 năm, 13 chiếc không hoạt động nữa. Chỉ có 14 chiếc được nâng cấp bằng cách thay thế các động cơ mới.

 

Tàu USS Inchon (LPH-12) huy động trực thăng rà quét thủy lôi phía ngoài cảng Hải Phòng, 20/6/1973. Ảnh: Tư liệu Hoa Kỳ

Các bãi thủy lôi, bom từ trường ngoài khơi Hải Phòng cũng quá nông so với MSO nên khả năng duy nhất mà MSO có để triển khai là thợ lặn. Ngay từ đầu, phía Hoa Kỳ đã không có hải đồ về khu vực ngoài khơi cảng Hải Phòng, không có dữ liệu để dự đoán chính xác những tổn thất thiết bị có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp, thiếu cán bộ chuyên trách và thiếu đào tạo (cả trong cấp sĩ quan và quân nhân).

Ngay từ đầu, lực lượng rà quét đã không thực hiện hiệu quả như mong muốn bởi khi tiến hành rà quét, họ mới biết rằng hầu hết thủy lôi, bom từ trường của họ đã bị kích nổ, phá hủy từ trước một cách dễ dàng bởi các lực lượng rà phá của miền Bắc Việt Nam.

Các loại thủy lôi, bom từ trường mà họ thả xuống được kích hoạt bởi ảnh hưởng của từ tính, âm thanh hoặc kết hợp cả 2. Phần lớn các vũ khí này được lập trình để tự hủy hoặc độ nhạy của chúng đã bị thay đổi sau một thời gian “nằm ngủ” nên thiết bị rà quét tối tân của họ cũng không thể phát hiện ra.

Thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường phổ biến của Hoa Kỳ là xe trượt phóng từ MK-105. Xe do Tập đoàn Edo sản xuất. Xe được trực thăng kéo với tốc độ 25 hải lý/giờ trên mặt nước. 12 giờ 40 phút ngày 9/3/1973, xe trượt phóng từ đã kích nổ một quả thủy lôi. Thủy lôi nằm ở mép luồng ngoài giữa phao số 6 và phao số 8. Căn cứ vào vị trí nổ và chiều cao của cột nước (hơn 70m), Hải quân Hoa Kỳ xác định đó là thủy lôi MK-52-2. Đây là vụ nổ thủy lôi duy nhất được ghi lại bằng camera gắn trên trực thăng và là quả thủy lôi duy nhất được kích nổ trong cả chiến dịch.

Ngày 17/3, Tàu USS Enhance đã bị cháy phòng máy khi đang làm nhiệm vụ hỗ trợ cho một đơn vị Delta rà quét trên vùng biển Hòn Gai, Quảng Ninh. Lửa nhanh chóng phát ra từ buồng máy phía trước trong khi USS Enhance đang neo đậu phía ngoài luồng nhánh cách bờ khoảng một hải lý. Trực thăng cứu hộ và Tàu USS Safeguard đã được điều động đến đến để hỗ trợ dập cháy. Do tàu Enhance bị hư hại nhiều nên Tàu USS Chowannoc đã phải kéo về Vịnh Subic để sửa chữa.

 

Vụ nổ thủy lôi duy nhất được ghi lại trong cả chiến dịch End Sweep. Ảnh: Tư liệu Hoa Kỳ

Cùng ngày hôm đó, một trực thăng HM-12 CH-53D khi đang rà quét bằng ống từ (MOP) trên vùng biển Hòn Gai đã bị rơi cánh quạt đuôi. Những người trên trực thăng đã nhảy ra trước khi trực thăng rơi. Nhiều người bị thương nặng. Phải 6 ngày sau, trực thăng mới được trục vớt ở độ sâu 18m. Ngay sau đó, tất cả những chiếc trực thăng CH-53 của Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã phải hạ cánh để kiểm tra.

Ngày 25/3, một chiếc xe trượt phóng từ MK-105 đã va phải một chiếc xuồng gỗ trên biển. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng chiếc xe trượt đó đã không hoạt động được.

Một trực thăng CH-53S khác vào ngày 2/4 cũng rơi cánh quạt đuôi khi đang kéo theo xe trượt phóng từ MK-105 trên luồng chính vào cảng Hải Phòng. Một trực thăng CH-46 trên Tàu New Orleans đã cứu được những người gặp nạn. Chuẩn Đô đốc McCauley cho thu hồi trực thăng rơi và ngừng bay tất cả những chiếc CH-53 của Lực lượng Đặc nhiệm 58. Một cuộc kiểm tra toàn diện đã diễn ra và vấn đề đã được giải quyết nhưng việc kiểm tra rotor đuôi máy bay được yêu cầu kiểm tra liên tục sau mỗi 10 giờ bay.

Ngày 24/4, Tàu USS Force bị cháy ở buồng máy phía sau khi cách đảo Guam 770 dặm về phía Tây. Tàu này rời Lực lượng Đặc nhiệm 58 ngày 12/4 về Subic lấy dầu rồi đi Guam để đại tu định kỳ. Tàu bị chìm, các thủy thủ được một tàu buôn Na Uy cứu nạn.

Ngày 17/6 Tàu USS Esteem bị cháy trong buồng máy chính. Ngày 2/7 một trực thăng CH-53 lại bị rơi. Ngày 4/7 Phi công James Timothy O’Neill, 20 tuổi thiệt mạng do vô ý vướng vào phần đuôi trực thăng CH-53 chuẩn bị cất cánh trên boong máy bay của Tàu USS Ogden.

End Sweep là chiến dịch huy động lực lượng rà phá bom mìn lớn nhất thế giới tính đến thời điểm đó. Chiến dịch kết thúc với chi phí 20.394.000 USD, cao hơn nhiều so với hoạt động tương tự của Hải quân Hoa Kỳ. 3 trực thăng bị rơi, 3 tàu bị cháy, một phi công thiệt mạng trong tai nạn “phi chiến đấu”. Đúng như lời của Chuẩn Đô đốc McCauley, chỉ huy Chiến đoàn Bộ binh số 7, Hạm đội 7: Một chiến dịch tốn kém nhưng tẻ nhạt và vô nghĩa.

Minh Đức (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn