Đường Hồ Chí Minh trên biển: Nhìn từ góc độ nghệ thuật quân sự “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh”

*Đại tá, TS Vũ Tang Bồng

HQVN -

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển là nhân tố quan trọng huy động được sức mạnh cả nước vào sự nghiệp kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai cũng nhận thức rõ điều đó nên từ rất sớm chúng đã coi việc ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chính sách xâm lược của chúng.

Chính từ tư duy và hành động của cả hai phía đã khiến cho hai tuyến chi viện chiến lược- Đường Hồ Chí Minh trên bộ và Đường Hồ Chí Minh trên biển - thực sự trở thành những chiến trường tổng hợp, nơi đọ sức quyết liệt, thường xuyên, không ngừng nghỉ suốt 16 năm (với Đường Hồ Chí Minh trên bộ) và 14 năm (với Đường Hồ Chí Minh trên biển) giữa một bên là không quân, hải quân, bộ binh của Mỹ, ngụy tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn dai dẳng, ác liệt nhất bằng các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất và một bên là quân dân ta tiến hành cuộc chiến đấu chống ngăn chặn với trí tuệ mẫn cán, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua mọi hy sinh, mọi gian nan thử thách, phát huy cao độ trí thông minh, sáng tạo nhằm thực hiện bằng được nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến.

Tuy đều nhằm mục đích đưa lực lượng và vũ khí, trang bị (VKTB) vào các chiến trường, trong khi các lực lượng của ta trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên bộ trực tiếp đương đầu với địch (trừ giai đoạn đầu), hành động theo tinh thần “Mở đường mà tiến; Đánh địch mà đi”, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, thì các lực lượng ta trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển lại hành động với tinh thần “Bí mật, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”, “Biết địch, nắm chắc địch nhưng không trực tiếp diệt địch mà tìm mọi cách tránh địch” để phục vụ cho yêu cầu đánh thắng địch, thực hiện “Lai vô ảnh, khứ vô tung” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong Lễ thành lập Đội ngày 22/12/1944.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển (gồm cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu Không số, quân dân trên các bến xuất phát và các bến tiếp nhận) đã không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Tổ quốc, làm nên một bản hùng ca bất tử; lập nên một kỳ công chiến lược trong lịch sử dân tộc mà còn vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nghệ thuật quân sự (NTQS) chiến tranh nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sức mạnh, từ yếu trở thành mạnh nhằm “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh”; theo đúng quy luật “Mạnh được, yếu thua” trong quân sự.

Đội tiếp nhận hàng đón đồng chí Hồ Đức Thắng, Chính trị viên tàu gỗ Phương Đông 3 tại bến Cà Mau, tháng 11/1963. Ảnh: TL

Nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới chúng ta thấy một số nhà tư tưởng quân sự cũng đã từng đề cập đến “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh”. Một số nhà chỉ huy quân sự cũng đã vận dụng có kết quả trong một số trận đánh nổi tiếng. Song nhìn chung “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh” vẫn được các nhà tư tưởng quân sự, các chỉ huy quân sự các thời đại cho là một khái niệm đặc biệt, một tư tưởng quân sự, một NTQS ít có khả năng thực hiện được. Khái niệm “Nhỏ thắng lớn, yếu thắng mạnh” muốn nói đến sự so sánh tương quan lực lượng của cả hai phía đối địch nhau (diện tích, dân số, tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học công nghệ, quân số, quy mô sử dụng lực lượng trong tác chiến…). “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh” trước hết là nói về toàn bộ cuộc chiến tranh, là nói về chiến lược.

Có thể khẳng định nghệ thuật “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh” trong tổ chức, hoạt động vận tải quân sự của Đường Hồ Chí Minh trên biển bắt nguồn một cách lô gíc từ đặc điểm tình hình địch - ta, từ yêu cầu giải quyết mâu thuẫn gay gắt của quan hệ địch-ta trong các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước nói chung, trong tổ chức và hoạt động vận tải đường biển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng. NTQS để yếu trở thành mạnh, theo đúng quy luật “Mạnh được yếu thua” trong quân sự chỉ có thể trở thành một tất yếu khách quan; chỉ có thể trở thành hiện thực ở một dân tộc anh hùng có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt như dân tộc Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên thắng lợi của tuyến vận tải chi viện chiến lược – Đường Hồ Chí Minh trên biển là do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy; cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 (sau gọi là Đoàn 125) đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, NTQS “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh” của chiến tranh nhân dân Việt Nam vào mọi hoạt động. Cụ thể là:

  1. Phải nắm chắc mọi âm mưu, thủ đoạn của địch hòng ngăn chặn trên biển, triệt phá bến xuất phát và tiếp nhận của ta; đồng thời cũng phải nắm chắc đặc điểm địa hình, thời tiết, tình hình lực lượng và khả năng của ta. Trên cơ sở đó kịp thời đề ra các phương án đối phó và hoạt động thích hợp, có hiệu quả trên từng vùng biển, từng khu vực, từng địa phương.
  2. Dựa chắc vào dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển. Chỉ có trên cơ sở đó mới có thể xây dựng và phát huy hình thức vận tải quân sự đa phương thức, đa phương tiện trên từng vùng biển, ở từng khu vực, từng bến xuất phát và bến tiếp nhận.
  3. Mọi cấp, mọi con tàu, mọi bến bãi, mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vận tải và lực lượng bảo vệ các bến bãi đều phải quán triệt sâu sắc, phát huy cao độ tư tưởng cách mạng tiến công; dũng cảm, kiên quyết, táo bạo, bất ngờ, khôn khéo, mưu trí, sáng tạo trong tổ chức vận chuyển chi viện chiến trường.
  4. Kết hợp thế trận vận tải đường biển đa phương thức, đa phương tiện để phát huy sức mạnh tổng hợp. Kết hợp sức mạnh của con người với sức mạnh của phương tiện được trang bị; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp sức mạnh tư tưởng với sức mạnh tổ chức; kết hợp sức mạnh tập thể với cá nhân trên các con tàu Không số, trên các bến xuất phát và tiếp nhận. Để có thể làm được điều này cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đóng vai trò quyết định.
  5. Tổ chức xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển tinh gọn, có chất lượng. Sớm dự kiến, xây dựng các biện pháp xử lý tình huống nhằm đối phó thắng lợi với các thủ đoạn ngăn chặn của địch trên biển, trên từng khu vực, từng bến tiếp nhận. Trong đó lấy lực lượng vận tải trên biển (các con tàu Không số) là trung tâm. Mọi lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển đều lấy nhiệm vụ bảo đảm cho các tàu Không số vận chuyển thắng lợi là mục đích, mục tiêu hành động của mình.
  6. Hết sức coi trọng công tác nghi binh, ngụy trang, phòng tránh; không trực tiếp đánh địch mà tìm mọi cách tránh địch để phục vụ cho nhiệm vụ đánh thắng địch (trừ trường hợp bị địch phát hiện phải đánh trả địch rồi hủy tàu nhằm bảo vệ bí mật cho phương thức vận chuyển của ta).

Từ thực tiễn hoạt động của tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta thấy trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà nòng cốt là Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn phải “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh”, lấy kém hiện đại đánh thắng hiện đại với những nhân tố, điều kiện mới.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày nay khác với 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ta không còn nguồn viện trợ từ các nước anh em, phải tự lực hoàn toàn. Trong khi đối tượng tác chiến mới của quân dân ta có lực lượng mạnh, có tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật cao, VKTB nhiều, hiện đại, có âm mưu, hành động ngang ngược, nham hiểm, bất chấp luật pháp quốc tế. Đó là khó khăn ta phải đương đầu, phải vượt qua.

Tuy nhiên sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó có sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quân dân ta ngày nay lại có những nhân tố thuận lợi mới. Đó là công cuộc chuẩn bị cho đất nước, chuẩn bị cho nhân dân, cho cả hệ thống chính trị, cho các LLVT trong đó có Hải quân đã được đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại, được thể chế hóa trong các kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đường lối, chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh ngày càng được cụ thể hóa, ngày càng được thực hiện có hiệu quả trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc ở tất cả các cấp, các ngành. Khoa học quân sự, NTQS của chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển. Cơ sở hạ tầng của quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc (giao thông, bưu điện, viễn thông, điện tử, tin học…) ngày càng được quan tâm, ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại.

Sơ đồ các tuyến đi của Đường Hồ Chí Minh trên biển

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày nay có những đặc điểm và điều kiện mới, với những biến động hết sức nhanh chóng, khó lường. Nhưng dù nó diễn ra theo khả năng nào thì tư tưởng và NTQS “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và trong hoạt động của tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn có ý nghĩa chủ đạo, vẫn là quy luật sống còn của dân tộc ta.

Nhằm thực hiện thành công NTQS đặc sắc đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang phát huy hơn nữa tinh thần và ý chí của Đường Hồ Chí Minh trên biển trong xây dựng Quân chủng Hải quân tinh, gọn, mạnh (trong đó có lực lượng vận tải), quân số và trang bị thích hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Quân chủng Hải quân cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục, huấn luyện và nuôi quân bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân ngày càng có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Phải luyện tập cho bộ đội đánh giỏi bằng mọi thứ VKTB có trong tay; thành thạo tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa Hải quân với lực lượng khác, đặc biệt là trong các chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cùng với đó, cần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, đảo ngày càng rộng khắp, ngày càng vững chắc, thiết thực. Toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân cả nước cần nhận thức rõ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa: Rằng, sức mạnh chiến đấu của Hải quân trước hết là từ đất liền, từ lòng dân cả nước. Trong chuẩn bị các phương án tác chiến cần luôn nắm vững và thể hiện được NTQS của chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Vận dụng sáng tạo NTQS “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy yếu thắng mạnh” trong lịch sử xây dựng, chiến đấu của Quân chủng Hải quân nói chung, của các lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng là một yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc hiện nay cũng như mai sau.

Muốn vận dụng sáng tạo, có hiệu quả NTQS đó đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải phát huy hơn nữa lòng yêu nước, yêu biển, đảo, thường xuyên trau dồi kiến thức quân sự, đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ huy phải vừa có trí vừa có dũng, tâm huyết, sâu sát, nắm vững thực tiễn; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn