“Đưa biển, đảo” về gần Bình Phước

HQVN -

Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm cách xa bờ biển hàng trăm ki lô mét. Những năm gần đây, cùng với cả nước, nhân dân Bình Phước đã và đang hướng về biển, đảo với nhiều hoạt động thiết thực. Công tác tuyên truyền được tăng cường sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm “đưa biển, đảo” về gần hơn với người dân Bình Phước.

Hướng về biển, đảo

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; định hướng phối hợp tuyên truyền về biển, đảo gắn với quốc phòng-an ninh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch cùng nhiều văn bản liên quan; kịp thời định hướng dư luận về tình hình biển, đảo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tháng 5-2016, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lớp tập huấn về công tác tuyên truyền biển, đảo cho đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; cán bộ phòng văn hóa và thông tin, đài truyền thanh các huyện, thị xã; các báo cáo viên và phóng viên, biên tập viên cơ quan báo trên địa bàn tỉnh. Cũng tại thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Bình Phước tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử về pháp lý”…

 Các đại biểu cắt băng khánh thành Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử pháp lý". Ảnh: TT

Cả hệ thống chính trị và nhất là các cơ quan báo chí của tỉnh Bình Phước luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo. Năm 2015, Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Bình Phước ký kết Quy chế phối hợp công tác tuyên truyền biển, đảo với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Đài đã mở mục “Hướng về biển, đảo quê hương” phát trong chương trình thời sự phát thanh và truyền hình; tổ chức tọa đàm mời lãnh đạo cơ quan tuyên giáo, những nhà khoa học, các tổ chức chính trị-xã hội để nêu lên ý kiến, quan điểm và chứng cứ khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; tuyên truyền chủ trương và nỗ lực giải quyết tình hình Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Đài PT-TH Bình Phước đã tổ chức đêm nhạc “Hướng về biển Đông” nhằm động viên và quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo. Đến nay, Đài vẫn duy trì đều đặn chương trình “Biển, đảo quê hương” trên sóng phát thanh tần số 89,4 MHz và sóng truyền hình kênh BPTV1. Chương trình đã phản ánh kịp thời những diễn biến về tình hình Biển Đông cũng như đời sống của các lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng, ngư dân, giúp nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu sâu hơn về tình hình biển, đảo.

Báo Bình Phước cũng thường xuyên duy trì chuyên mục “Biển-đảo Việt Nam”, phản ánh sâu sắc về tình hình các vùng biển, đảo Tổ quốc. Từ nhiều năm nay, Báo Bình Phước vẫn duy trì chuyên mục này trên số báo ra ngày thứ Hai hằng tuần. Sau đó, chuyên mục này được phát lại trên Báo Bình Phước điện tử (Binhphuoc Online). Binhphuoc Online còn đăng tải những bài viết có chất lượng về biển, đảo, Hải quân nhân dân Việt Nam có nguồn từ các báo khác. Để có được những thước phim, hình ảnh sống động, những bài viết về cuộc sống của những người đang ngày đêm bám biển, cơ quan Đài và Báo đã cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên đi tác nghiệp dài ngày trên quần đảo Trường Sa, Côn Đảo... Những hoạt động đó đã giúp người dân Bình Phước hiểu toàn diện hơn về cuộc sống cũng như nghị lực và ý chí phi thường của quân và dân trên các vùng biển, đảo Tổ quốc. Thông qua các tác phẩm báo chí, biển, đảo cũng như được “kéo về” gần hơn với người dân Bình Phước.

Con em Bình Phước ở Trường Sa

Hiện nay đã có khá nhiều con em của nhân dân Bình Phước là cán bộ, chiến sĩ đã và đang làm việc trên các vùng biển, đảo, nhất tại tại quần đảo Trường Sa. Đó là bác sĩ Phí Ngọc Dương sinh năm 1987, là con trai út của một gia đình tại phường Long Thủy, thị xã Phước Long, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế Trường Sa; Thượng úy Trương Tấn Thành sinh năm 1991, là người con của thôn 6, xã Đường 10, huyện Bù Đăng, hiện là sĩ quan pháo binh đảo Sinh Tồn; Thiếu úy Bùi Lê Quang sinh năm 1996, quê ở TP.Đồng Xoài hiện là thủy thủ Tàu quân y 561… Anh Phí Ngọc Dương cho biết: “Tôi rất tự hào khi tỉnh Bình Phước đóng góp cho đất nước gần 40 thanh niên tham gia công tác tại các đảo. Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ Bình Phước tiếp tục có trách nhiệm cao hơn để cùng chung sức giữ gìn biển, đảo Tổ quốc”.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: NV

Các phong trào hoạt động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả hướng về biển, đảo cùng với những người con của tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo là những tác nhân tích cực “đưa biển, đảo” về gần hơn với Bình Phước. “Biển, đảo” ngày nay đã trở thành cụm từ thân thương gợi nhớ về những vùng lãnh hải thiêng liêng. Ở nơi đó có những con người luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, gian khổ, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Biển cả có nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách, luôn cần sự đóng góp ngày càng lớn của đất liền. Hướng về biển, đảo quê hương với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa đang trở thành hoạt động thường xuyên của cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng. Các phong trào hướng về biển, đảo vẫn tiếp tục lan tỏa sâu rộng, mang theo tấm lòng của hàng triệu con tim, tạo nhịp cầu để người dân đất liền đến với biển, đảo quê hương.

                                                                                       Đức Hồng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn