ĐT Việt Nam – ĐT Philippines: Nơi giấc mơ bắt đầu

HQ Online -

Ngày 16/11 tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ mở màn vòng loại thứ hai World Cup 2026 bằng trận làm khách trên sân của Philippines. Giấc mơ vươn tầm thế giới của bóng đá nước nhà sẽ chính thức bắt đầu.

1. Tham dự một kỳ World Cup là ước mơ ấp ủ qua nhiều thế hệ những người làm bóng đá Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ chúng ta nói đến mục tiêu đầy tham vọng đó bằng sự tự tin lớn như lúc này. Bởi sau 5 năm (2018-2022) gặt hái nhiều thành công cả ở tầm châu lục lẫn khu vực dưới thời HLV Park Hangseo, với những bước phát triển khá vững chắc và liên tục từ danh hiệu Á quân U23 châu Á, bán kết Asiad, tứ kết Asian Cup, vô địch AFF Cup, HCV Sea Games, rồi lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, đã cho phép VFF nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn.

HLV Troussier chỉ đạo các học trò trên sân tập. Ảnh: Báo Thanh Niên

Thêm nữa, công tác đào tạo trẻ vài năm qua cũng đạt được những bước tiến nhất định. Các lứa cầu thủ trẻ được chăm bẵm tốt hơn, có điều kiện cọ xát ở nhiều giải đấu chất lượng, thường xuyên góp mặt tại các vòng chung kết bóng đá trẻ châu lục, tạo ra một nền tảng đủ tốt để bóng đá Việt Nam mơ lớn. Đặc biệt, ước mơ tưởng như xa vời bỗng trở nên gần hơn bao giờ hết khi FIFA nâng số đội dự World Cup 2026 từ 32 lên 48. Châu Á sẽ được phân bổ 8,5 suất thay vì 4,5 suất như trước đây, mở ra cơ hội cho các nền bóng đá đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chưa biết thành bại ra sao, nhưng dám đặt mục tiêu bước ra sân chơi thế giới đã cho thấy khát vọng, bản lĩnh và tư duy đột phá của VFF. Dù con đường phía trước là cực kỳ gian nan, nhưng thử hỏi, lúc này thời cơ tới mà không dám nghĩ dám làm, không dám đương đầu khó khăn để vượt lên, thì đến bao giờ? Mà kể cả có thất bại đi chăng nữa thì người hâm mộ cũng không nên quá thất vọng, vì bóng đá cần nền tảng và tính liên tục, đẳng cấp World Cup không thể hình thành trong một vài năm, một vài giải đấu mà cần phải tích lũy qua nhiều lứa cầu thủ. Nhìn ở khía cạnh tích cực hơn thì thất bại luôn có giá trị của nó, ấy là kinh nghiệm, là bài học cho việc hoạch định tương lai bóng đá Việt Nam, khả dĩ nhất là tầm nhìn World Cup 2030.

2. Hướng tới World Cup 2026, VFF đã ký hợp đồng 3 năm với HLV đẳng cấp World Cup - Troussier. “Phù thủy trắng” người Pháp, sau giai đoạn thành công khi dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản (1998-2002), được đánh giá cao ở chiến lược đào tạo và khả năng truyền cảm hứng cho các cầu thủ vượt qua giới hạn bản thân, điều được cho là khá phù hợp với nền bóng đá đang phát triển chuyên nghiệp nhưng còn nhiều khiếm khuyết ở Việt Nam. VFF kỳ vọng ông Troussier có thể đem những kiến thức và kinh nghiệm khi làm việc ở Nhật Bản giúp bóng đá Việt Nam vươn tầm.

Các cầu thủ tuyển Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho trận gặp Philippines. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Thời gian qua, VFF và HLV Troussier khá kiên định với chiến lược đề ra, đó là không đặt nặng thành tích trước mắt, ưu tiên trẻ hóa gắn với xây dựng triết lý chơi bóng mới nhằm tối ưu hóa sức mạnh cầu thủ để đi đường dài. Điển hình là việc mạnh dạn lấy Sea Games 2023, U23 Đông Nam Á 2023, vòng loại U23 châu Á 2024 và Asiad 19 làm sân chơi rèn giũa lứa cầu thủ cho mục tiêu World Cup. Tiếp đó, hàng loạt trận giao hữu chất lượng được tổ chức với độ khó tăng dần, từ Syria, Palestine, đến Trung Quốc, Uzebekistan, Hàn Quốc, đã tạo cơ hội cho tuyển Việt Nam cọ xát, học hỏi, thích nghi.

Cách làm của ông Troussier với bóng đá Việt Nam hiện tại được các chuyên gia nhìn nhận là khá giống với giai đoạn ông dẫn dắt Nhật Bản, tuy nhiên có thành công hay không thì cần thời gian trả lời. Vì nền tảng bóng đá Việt Nam có sự chênh lệch lớn với Nhật Bản, nhất là về đào tạo trẻ, hệ thống các giải đấu, chất lượng giải vô địch quốc gia - vốn được ví là nền móng và bệ đỡ của các đội tuyển. Hơn 8 tháng ngồi vào ghế HLV trưởng, ông Troussier đã xới tung các lứa cầu thủ để đào tạo, tuyển chọn những gương mặt tốt nhất, phù hợp nhất và từng bước truyền đạt triết lý chơi tấn công kiểm soát bóng. Còn khá nhiều âu lo về tính hiệu quả của lối chơi này, song có lẽ cần phải kiên nhẫn, vì suy cho cùng, chẳng có thành công nào đến dễ dàng và ngay tức thì.

3. Với việc nằm ở bảng đấu gồm Iraq, Indonesia, Philippines, cơ hội để Việt Nam vượt qua vòng loại thứ hai là khá sáng sủa. Thách thức cực đại với ông Troussier và các học trò sẽ tới ở vòng loại cuối cùng. Ngay cả khi châu Á có 8,5 suất dự World Cup 2026 thì cơ hội cho tuyển Việt Nam cũng không nhiều. Bởi 5 vé gần như chắc chắn sẽ thuộc về 5 đội hàng đầu gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia. Việt Nam sẽ cạnh tranh 3,5 vé còn lại với UAE, Qatar, Iraq, Uzebekistan, Trung Quốc, Oman, Syria, Lebanon, Bahrain, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Những đội này, về sức mạnh, cũng từ ngang ngửa đến trên cơ Việt Nam.

Sau loạt trận giao hữu bộc lộ nhiều vấn đề, từ giới hạn đẳng cấp cầu thủ cho đến cách vận hành chiến thuật, ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 sắp khởi tranh, tuyển Việt Nam sẽ không còn chỗ cho những thử nghiệm. Điều cần làm lúc này là phải hoàn thiện ngay bộ khung và các cầu thủ cần nhanh chóng thấm nhuần triết lý chơi bóng mới của HLV trưởng. Quá trình thi đấu, ngoài việc áp dụng đấu pháp linh hoạt cho từng trận để bảo đảm kết quả thuận lợi, tuyển Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện đội hình và lối chơi, để càng đá càng trưởng thành, đáp ứng với độ khó tăng dần. Và cuối cùng, không thể thiếu trong các trận đấu bóng đá, là cần một chút may mắn để thành công.

 “Vạn sự khởi đầu nan”, giành 3 điểm trước Philippines trong trận mở màn ngày 16/11 gần như là mệnh lệnh với ông Troussier và các học trò. Người hâm mộ mong chờ một chiến thắng cùng một lối chơi được định hình rõ ràng, qua đó tạo ra cú hích tinh thần cho hành trình dài biến giấc mơ lớn trở thành hiện thực.

 Kao Dân

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn