Điểm tựa cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận

HQVN -

Sau một thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, mới đây, Viện Y học Hải quân đã chính thức đưa vào vận hành thêm 6 máy chạy thận nhân tạo thế hệ mới góp phần đem lại niềm vui và sự hài lòng cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn TP. Hải Phòng.

 

Khác với các khoa, phòng khác của Viện Y học Hải quân, dù đông bệnh nhân nhưng hàng ngày ở bộ phận Thận nhân tạo thuộc Khoa cấp cứu thường khá yên tĩnh. Đa phần bệnh nhân đều khẽ nhắm mắt, nằm nghỉ trên giường bệnh trong lúc lọc máu. Trong phòng chỉ còn lại tiếng máy móc hoạt động, báo các thông số. Ngoài hành lang, vài bệnh nhân ngồi chờ đến lượt.

Đã nhiều lần đến hỗ trợ Viện Y học Hải quân nhưng lần nào Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thận-Tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện Bạch Mai và cộng sự cũng cẩn thận kiểm tra từng khâu của quy trình lọc máu. Ông nhận xét: Hệ thống xử lý nước RO tự động phục vụ chạy thận nhân tạo ở đây là lọc 2 lần, giúp tăng sự an toàn lên gấp đôi. Chúng tôi kiểm tra thực tế về sinh hóa, lý hóa và vi sinh vật đều có kết quả rất tốt. Các máy chạy thận đều được Viện Trang thiết bị và công trình y tế của Bộ Y tế kiểm định đạt yêu cầu. Vì thế, Viện Y học Hải quân hoàn toàn có thể tiến hành lọc máu cho bệnh nhân an toàn và hiệu quả.

“Việc Viện Y học Hải quân đưa thêm máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho người bệnh được chữa trị ngay tại địa phương, không những giảm chi phí cho Nhà nước mà còn giảm chi phí cho chính người bệnh”-Tiến sĩ Dũng nói thêm.

Bộ phận Thận nhân tạo, Khoa cấp cứu, Viện Y học Hải quân chăm sóc bệnh nhân

Được biết, 6 máy chạy thận nhân tạo mà Viện Y học Hải quân đưa vào hoạt động đợt này được Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần cấp mới nhằm phục vụ nhu cầu điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Những chiếc máy này thuộc thế hệ mới, tích hợp nhiều chức năng hiện đại, với hiệu suất và độ chính xác cao hơn các dòng máy truyền thống trước đây.

Trong 1 năm qua, từ khi nhận được chủ trương cấp máy thận nhân tạo mới, Viện Y học Hải quân đã tích cực làm công tác chuẩn bị, từ kiểm định máy, xét nghiệm nước và đặc biệt là công tác nhân sự. Hai bác sĩ về thận nhân tạo hiện nay đều được đào tạo ở Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, các điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các khoa và gửi đi đào tạo nâng cao tay nghề tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Tiệp.

Hiện trên địa bàn TP. Hải Phòng chỉ có 7 bệnh viện có đơn vị thận nhân tạo với hơn 1 nghìn bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối đang phải lọc máu. Tuy nhiên, các đơn vị này đều trong tình trạng hoạt động quá tải.

Bệnh nhân Chu Đình D, 42 tuổi ở phường Tràng Cát, quận Hải An cho biết: Mắc bệnh này rồi mới thấu được nỗi khổ đủ đường của những người bị suy thận mạn tính. Bệnh này phải chạy thận suốt đời, chi phí rất tốn kém. Cùng với đó, các cơ sở chạy thận đều quá tải, nhiều người bệnh phải chờ đợi được xếp lịch lọc máu ở bệnh viện công hoặc chấp nhận tốn kém nhiều thì đến các bệnh viện tư nhân. Tôi thấy mình thật may mắn khi được điều trị ở đây vừa được bảo hiểm hỗ trợ theo quy định vừa được sắp xếp đúng lịch.

Còn bệnh nhân Bùi Thị H, 64 tuổi, ở đường Lê Lai, quận Ngô quyền có thâm niên chạy thận 13 năm chia sẻ: Tôi bị bệnh tăng huyết áp và suy thận độ 4, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Trước đây, tôi chạy thận ở Bệnh viện Việt Tiệp. Từ khi Viện Y học Hải quân có máy chạy thận nhân tạo là tôi về đây điều trị. Các y, bác sĩ ở đây rất tình cảm, trách nhiệm nên tôi hoàn toàn yên tâm. Gắn bó đến giờ cũng ngót 8 năm rồi.

Quan sát các y, bác sĩ chăm sóc, tư vấn chu đáo cho bệnh nhân như người nhà, chúng tôi thêm hiểu phương châm hành động “An toàn-Hiệu quả-Lan tỏa niềm tin”. Đại úy Phạm Văn Kiên, Trưởng bộ phận Thận nhân tạo của Viện Y học Hải quân tâm sự: Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình với mong muốn bệnh nhân có tâm lý thoải mái và yên tâm điều trị lâu dài để có hiệu quả tối ưu nhất; giúp họ vơi bớt đi nỗi đau, lạc quan để tiếp tục sống và cống hiến cho xã hội.

Đại tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Luyến, Giám đốc Viện Y học Hải quân tiết lộ: Thời gian tới, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Viện, trong đó có đơn vị thận nhân tạo. Viện sẽ tách đơn vị thận nhân tạo từ Khoa cấp cứu ra thành khoa riêng. Nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng tăng. Hiện tại, chúng tôi tổ chức chạy 2 ca/ngày; tới đây tăng thành 3 ca. Dự kiến đến cuối năm nay, Viện được cấp thêm 14 máy, nâng tổng số máy thận nhân tạo lên thành 28. Như vậy sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu bệnh nhân là quân nhân và nhân dân thành phố Cảng.

Những điều mà thủ trưởng Viện Y học chia sẻ ở trên thể hiện quyết tâm của cán bộ, nhân viên và sự nỗ lực của đơn vị thận nhân tạo trong việc áp dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5-10 triệu người. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một gia tăng. Ước tính đến năm 2030, khoảng 5,2 triệu người mắc bệnh thận cần được chạy thận nhân tạo. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, 26 nghìn người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8 nghìn ca mắc mới mỗi năm.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn