Danh nhân đất Việt tuổi Hợi

HQVN -

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người sinh năm Hợi không thiếu những bậc hiền tài lỗi lạc, kinh bang tế thế, tài hoa xuất chúng...

LÝ THÁNH TÔNG (1023-1072): Tên húy Lý Nhật Tôn, sinh năm Quý Hợi 1023, tại Thăng Long, là con trưởng vua Lý Thái Tông. Ông có tư chất thông minh, sớm "tinh thông kinh truyện, hiểu âm luật, lại càng giỏi về võ lược". Năm 1054, vua Lý Thái Tông mất, ông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Lý Thánh Tông, trở thành vị vua thứ ba nhà Lý.

Tượng đồng Vua Lý Thánh Tông

Trong 18 năm ở ngôi, vua thi hành chính sách đối nội, đối ngoại mềm dẻo, được lòng dân nhưng cũng không kém phần quyết đoán, táo bạo, góp phần phát triển vương triều Lý. Sử thần Ngô Sỹ Liên viết: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt". Vua để lại dấu ấn đặc biệt ở ba việc lớn: Khẳng định quốc hiệu Đại Việt; xây dựng Văn Miếu và mở rộng bờ cõi.

Sau khi lên ngôi, vua đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt với ý thức tự tôn dân tộc, nước ta là nước lớn, đứng ngang hàng với phương Bắc. Quốc hiệu Đại Việt tồn tại 723 năm, suốt các triều đại Lý, Hậu Lê, Mạc, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Tây Sơn, 3 năm đầu nhà Nguyễn, chỉ bị gián đoạn thời nhà Hồ và thuộc Minh (1400-1427).

Thời Lý, Phật giáo là quốc giáo. Tuy nhiên, vua nhận thấy Phật giáo còn thiếu những tư tưởng cần thiết về xây dựng đất nước, kiến lập triều đại, trị quốc an dân… Vì vậy năm 1070, vua cho xây Văn Miếu để thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối và Thất thập nhị hiền. Sự kiện này đánh dấu Nho giáo gia nhập đời sống chính trị xã hội nước ta và là bước đổi mới về tư tưởng trị quốc của vua.

Vua chú trọng củng cố quân đội, giữ yên bờ cõi, chống lại sự đe dọa của các thế lực bên ngoài. Một mặt ông cứng rắn với nhà Tống ở phía Bắc, mặt khác chủ trương "bình Chiêm" ở phía Nam. Năm 1069, vua hạ chiếu thân chinh đánh Chiêm Thành và giành thắng lợi, mở rộng bờ cõi xuống ba châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh (nay là một phần Quảng Bình, Quảng Trị), làm cho Đại Việt ngày càng phát triển lớn mạnh, bền vững.

NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585): Tên húy Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi 1491 tại Hải Phòng, nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam Thế kỷ 16.

Du khách viếng thăm Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Thừa hưởng truyền thống gia đình hiếu học, gia giáo kỷ cương nên thủa nhỏ ông rất thông minh lại chăm chỉ học hành. Khi lớn lên, nhà Hậu Lê rơi vào khủng hoảng nên ông không ra ứng thí sớm. Năm 1535, dưới thời vua Mạc Thái Tông, ông mới đi thi và đậu ngay Trạng Nguyên khi đã ngoài 40 tuổi. Sau đó ông trải qua nhiều chức vụ trong triều Mạc. Năm 1540 Mạc Thái Tông đột ngột qua đời, ông mất đi chỗ dựa cho những hoài bão trị quốc của mình. Triều chính chia bè kết phái, ông dâng sớ trị tội 18 lộng thần song không được chấp thuận. Năm 1542 ông xin về quê trí sĩ. Năm 1544, vua Mạc lại phong cho ông tước  Trình Tuyền Hầu, rồi Trình Quốc Công, do vậy dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Gần 20 năm ông không ra ở hẳn kinh sư nhưng vẫn đảm nhiệm nhiều việc triều chính, "vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông".

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo chiến lược và tiên tri kì tài. Ông từng ra lời sấm nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế”. Nhà Mạc nghe theo, sau khi thất thủ ở Thăng Long chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp và tồn tại được ba đời. Ông lại khuyên Trịnh Kiểm "Giữ chùa thờ Phật được ăn oản", tìm tông thất nhà Lê lập làm vua. Nhà Trịnh làm theo và từ đó nối đời cầm quyền nhưng danh nghĩa vẫn phò Lê. Còn với Nguyễn Hoàng, ông khuyên: "Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân". Nhờ đó, năm 1568 Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm vào trấn thủ Thuận Hóa rồi xây dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn ở phương Nam. Ông cũng là người sớm có "tư duy hướng biển", trong bài Cự Ngao Đới Sơn, ông khuyên hậu thế phải giữ lấy Biển Đông để đất nước muôn đời thái bình, thịnh trị: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình".

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hóa lớn. Thành tựu văn hóa, giáo dục thời Mạc không thể không nhắc tới công lao của ông. Ông để lại nhiều tác phẩm giá trị, gồm hàng trăm bài thơ cùng rất nhiều văn bia, sấm Trạng còn lưu truyền trong dân gian. Ông còn là một người thầy vĩ đại, học trò của ông nhiều người trở thành những nhân vật nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ…

VÕ NGUYÊN GIÁP (1911-2013): Sinh năm Tân Hợi 1911 tại Quảng Bình, nhà quân sự chính trị lỗi lạc, nhà khoa học uyên thâm, Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh của Quân đội ta. Cùng với Trần Quốc Tuấn, ông là người Việt Nam thứ hai được thế giới vinh danh trong số 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đoàn đặc công 126 (năm 1967)

Năm 14 tuổi, ông vào học trường Quốc học Huế và bắt đầu hoạt động cách mạng. Nhờ tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, ông tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, bãi khóa. Năm 1927, ông gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, ông tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng. Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, ông tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, tổ chức xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22-12-1944, nhận chỉ thị từ lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội ta. Trên các cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Tư lệnh Giải phóng quân... ông có đóng góp quan trọng vào thắng lợi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau đó, ông từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Năm 1948, ông được phong Đại tướng, Tổng Tư lệnh khi mới 37 tuổi.

Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu". Ông lãnh đạo Quân đội lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 1975, ông là Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Ông cũng là người góp phần hình thành và phát triển học thuyết quân sự-đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn ghi nhớ, tự hào về ông, người chỉ huy, Tổng Tư lệnh tài ba xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, suy tôn ông làm "Người anh cả của Quân đội".

VĂN CAO (1923-1995): Sinh năm Quý Hợi 1923 tại Hải Phòng nhưng quê gốc ở Nam Định một nghệ sĩ tài hoa thiên bẩm với những tác phẩm âm nhạc, thơ ca, hội họa đi cùng năm tháng, làm rung động lòng người.

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao 

Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật khá sớm. Đầu tiên ông xuất hiện ở làng văn nghệ bằng những vở kịch và truyện ngắn, sau đó sáng tác thơ và viết nhạc. Ông viết bài hát đầu tay "Buồn tàn thu" năm 1939 và sau đó là một loạt ca khúc trữ tình có giai điệu ngọt ngào sâu lắng và ca từ đạt đến độ hoàn mĩ: "Thiên thai", "Bến xuân", "Suối mơ"... Năm 1944, ông tham gia Việt Minh và sáng tác các ca khúc cách mạng trong đó có "Tiến quân ca", sau này trở thành quốc ca Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được kết nạp Đảng, tiếp tục sáng tác các bài nổi tiếng như "Làng tôi", "Trường ca sông Lô", "Ngày mùa"… Ngoài nhạc trữ tình, ông còn là tác giả của những hành khúc hùng tráng như "Gò Đống Đa", "Thăng Long"... Năm 1976, ông viết tác phẩm cuối cùng "Mùa xuân đầu tiên". Điều đặc biệt, nhiều ca khúc của Văn Cao đã dự báo chính xác các tiến triển lịch sử. Chẳng hạn, ông sáng tác hành khúc "Không quân Việt Nam", "Hải quân Việt Nam" năm 1945 khi mà cả hai lực lượng này chưa được thành lập. Hay ông viết "Tiến về Hà Nội" năm 1949 thì đúng 5 năm sau, "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về" giải phóng thủ đô.

Độc giả còn biết đến Văn Cao qua những vần thơ về quê hương và cuộc sống của người dân nghèo... Và nói đến Văn Cao, không thể không nhắc đến những tác phẩm hội họa sắc sảo. Nhiều bức sơn dầu của ông như "Cô gái dậy thì", "Sám hối"... khiến giới mĩ thuật phải thán phục về bút pháp và màu sắc thể hiện.

Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa, tên của ông được đặt cho các con phố lớn ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Hải Phòng - nơi ông sinh ra và lớn lên, đưa ông đến với nền tân nhạc nước nhà.

Kao Dân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn