“Đặc công Cộng sản” ở chiến trường Cửa Việt qua góc nhìn từ “phía bên kia”

HQVN -

Một thắng lợi trọn vẹn phải là thắng lợi được công nhận đa chiều. Chiến công của Đặc công Hải quân trên chiến trường Quảng Trị là một chiến công như vậy. Tìm hiểu một số tư liệu từ những người bên kia chiến tuyến, đọng lại trong chúng tôi chỉ là những câu “kinh hoàng”, “không sao hiểu được”… và cả sự kính nể Đặc công Hải quân trong thâm tâm họ.

Dòng sông dày đặc mìn trôi

Đóng quân tại Cửa Việt từ năm 1970-1972, ông Nguyễn Đình Hoàng, nguyên sĩ quan chính quyền Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã tả về sự ác liệt của chiến trường ngày ấy (1).

… Một lần, chúng tôi đang dùng cơm thì nghe tiếng nổ khá lớn từ cửa biển. Chúng tôi chạy ra ngoài còn thấy cột nước chưa rơi xuống hết. Mọi người đoán trái mìn mạnh bằng trái bom 250 cân Anh. Một trái khác đẩy chiếc LCU (tàu đổ bộ của Mỹ) ghếch nửa thân lên một cù lao nên không chìm nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn đều bị thương.

Tàu chở dầu cho Hải quân Mỹ AOG-56 (Nô-xiu-bi) 

Chúng tôi được các chuyên viên của Hải quân Mỹ-Việt trình bày về 2 loại mìn chính đang được địch (Đặc công 126) sử dụng. Mìn từ không nhiều, thường được gắn vào các tàu sắt hoặc bánh lái các Yabota (một loại thuyền gỗ), các chiến đỉnh vỏ composite (tàu chiến đấu loại nhỏ) trong đêm. Loại thứ hai là mìn kích nổ. Cách đề phòng là thường xuyên ném khối nổ T4 hoặc lựu đạn MK2. Họ khuyến cáo khi di chuyển chân vịt, các chiến đỉnh không chạy quá 500 vòng/phút để luồng nước không đủ áp lực làm mìn nổ.

Một ngày tháng 4-1971, khi chiến đỉnh đang vượt ngã ba Dương Xuân về căn cứ thì cách tôi khoảng 500 mét là một LCVP (xuồng đổ bộ bộ binh) đang di chuyển ngược rất nhanh. Tôi gọi về Trung tâm Hải quân hỏi “con cá nào của Giang đoàn (đơn vị tác chiến bảo vệ đường sông) bộ muốn chết sao mà chạy mau dữ vậy?”. Nhưng không kịp nữa! Trước mắt tôi, một cột nước hất tung chiếc LCVP lên, mìn nổ. Một khoảnh khắc chết lặng trên mặt sông mờ nhạt. Tôi báo về Trung tâm và hướng chiến đỉnh đến gần vị trí nổ. Tất cả 5 nhân viên trên tàu đều tử nạn. Buổi chiều, Chỉ huy trưởng Giang đoàn thanh tra quân phong, quân kỷ. 5 quân nhân này đều tóc dài và được lệnh phải cắt tóc trình diện vào sáng mai. Họ vội vàng đi Đông Hà và tai nạn xẩy ra.

Tình trạng đánh mìn gia tăng. Nhiều nhân viên Giang đoàn bị thương. Mỗi buổi sáng, các chị em trong trại gia binh xuống tận cầu tàu lưu luyến tiễn đưa các chiến binh của Giang, Duyên đoàn (đơn vị tác chiến bảo vệ bờ biển) ra trận, biểu lộ nỗi âu lo của họ. Dòng sông dày đặc mìn trôi/Tàu đem nỗi chết gọi mời tàu đi/Bến sông nuốt lệ thầm thì/Người đi… chẳng biết người đi có về?

Trong một cơ may, Duyên đoàn bắt được 2 đặc công thủy khi họ kéo mìn dọc theo bờ biển bị nước cuốn trôi sang bờ Nam phải lẩn trốn trong bụi rậm. Đây là bộ đội đặc công chính quy vì họ nói hoàn toàn tiếng Bắc. Giam giữ một tuần tại Duyên đoàn, tù binh được An ninh Tiểu khu đến nhận… Riêng với các chàng lính Hải quân trong đơn vị, các cậu ngày nào cũng gặp sĩ quan an ninh và sĩ quan trực để xin đón 2 chàng đặc công đi ăn và nói chuyện. Đương nhiên, chúng tôi, sau khi thỉnh ý Chỉ huy trưởng liền cho phép các cậu đến phòng giam nhận tù binh với lời dặn dò phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh. Suốt cả tuần như thế, hết cậu này tới cậu khác thay nhau kéo tù binh xuống câu lạc bộ rồi tụ nhau ăn uống tán dóc với họ như những người bạn…

“Sự kiện kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng”

Theo tướng Oét-mo-len: "Chiến trường Nam Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào sự tiếp tế bằng đường biển". Các tàu chở xăng dầu cho Hải quân Mỹ hồi đó gồm 6 chiếc: AOG-1, AOG-7, AOG-8, AOG-9, AOG-11, AOG-56 (Nô-xiu-bi). Nhiệm vụ của các tàu này là cấp nhiên liệu cho các đơn vị Mỹ trong chiến thuật Khu đoàn I; 5 tỉnh phía Bắc của miền Nam từ sông Bến Hải đến Sa Huỳnh. Trung bình, 6 tàu này đã cấp hơn 15 triệu gallon nhiên liệu (hơn 56 triệu lít)/9 tháng. Tàu Nô-xiu-bi đã cấp kỷ lục là 20 triệu gallon (gần 76 triệu lít ) trong năm 1968.

Đặc công Hải quân liên kết thủy lôi đánh tàu địch ở chiến trường Cửa Việt, Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu

Ghi nhận về sự thiệt hại của tàu Nô-xiu-bi do Đặc công Hải quân đánh hỏng vào đêm 9-9-1969, trang lịch sử An toàn Hàng hải Eaglespeak (2) chỉ viết:

“… 21 giờ 37, hai lính gác là Pau-Grin-wich, Sam-Prô-phi cùng đại úy Clare-thuyền trưởng phát hiện ra 2 người nhái Hải quân Việt cộng ở cách tàu Nô-xiu-bi khoảng 90-135 mét. Cả 3 nổ súng và ném lựu đạn về phía họ. Sau đó, tàu nhổ neo rời khỏi vị trí.

22 giờ 15, tàu neo cách bờ biển Cửa Việt hơn 1 cây số để đội thợ lặn kiểm tra thân tàu. 23 giờ 30, các thợ lặn thông báo do trời tối và biển động, họ chỉ có thể kiểm tra phía đuôi tàu nhưng không phát hiện gì. Còn lại chờ đến sáng sẽ kiểm tra toàn diện. Đội đoán rằng nếu tàu bị gắn mìn thì chỉ là mìn BPM-2 nạp chất nổ TNT 64-1b và thời gian chờ nổ là 6 giờ sau khi điểm hỏa. Với thông báo không khả quan ấy, thuyền trưởng Clare lệnh cho tàu ra xa bờ biển hơn và neo trong đêm.

2 giờ 1 phút, quả mìn phát nổ. Người nhái Việt cộng đã không gài mìn ở phần đuôi tàu, nơi gần khoang máy hay khoang dầu-những nơi gây thương vong lớn. Quả mìn được đặt ở bên trái khoang hàng khô-khu vực này tương đối an toàn. Vụ nổ đã tạo ra một lỗ lớn trên thân tàu làm gãy đường ống cứu hỏa. Kho vũ khí số 2 bị ngập 1,8 mét nước. Trước khi thiệt hại được kiểm kê, tàu triển khai khắc phục nước tràn vào khoang tàu bằng cách dùng áo phao bịt lỗ thủng, sau đó gia cố lại ống cứu hỏa và kho vũ khí số 2”…

Ông Trần Quang Khải (Người cầm bức ảnh): "Cảnh giới chiếc tàu này thuộc loại đặc biệt...". Ảnh: Minh Đức

Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với 2 ông Trần Quang Khải và Trần Văn Hỗ trong tổ 3 người trực tiếp đánh tàu Nô-xiu-bi ngày đó thì hậu quả không hẳn là vậy. Ông Khải cho biết: “Khi vào đến bờ, chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn và nhiều tiếng nổ nhỏ sau đó. Chúng tôi vừa nấp vừa xem con tàu nghiêng dần, lửa cháy ngùn ngụt hàng tiếng đồng hồ, làm sao có thể chỉ gãy ống cứu hỏa?”…

Sau giải phóng miền Nam 1975, hồi tôi (ông Trần Quang Khải) học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, một phóng viên mang một tờ báo tìm tôi và kể về những thông tin trên báo chí sau trận đó. 2 ngày sau, đã có trên 70 tờ báo các nước đưa tin, trong đó có cả báo Mỹ. Họ không gọi là trận đánh. Báo Sài Gòn hôm ấy đã đưa dòng tít “Sự kiện kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng”.

Tôi đọc bài viết trên báo Sài Gòn ngày ấy của Hồ Biền-Đội trưởng Đội người nhái Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Bài báo viết về thiên tài và sự rèn luyện công phu của người nhái Việt Nam Cộng hòa. Ở cuối bài, ông Hồ Biền hy vọng muốn gặp 3 người trong tổ đánh tàu Nô-xiu-bi chỉ để hỏi “Bằng cách nào mà họ đánh được tàu đó”, còn nếu không được gặp 3 người thì “xin gặp 1 người thôi cũng được”. Tôi thì đang bận học và bận nhiều thứ nên cũng không liên lạc với ông ấy nữa…

Nguyễn Toàn

(1)Lọc từ http://www.denhihocap.com/ds2012/cvnhu.html

(2) Lọc từ http://www.eaglespeak.us/2009/02/sunday-ship-history.html

3 ngày sau vụ đánh tàu, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh-Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa triệu Hồ Biền lên, yêu cầu cho người nhái ra tàu để vớt xác lính Mỹ chết ở bên trong… Đội người nhái đi rồi về tay không với lý do biển động, thời tiết xấu, vùng biển có cá mập….

Đề đốc Lâm Ngươn Tánh cảnh cáo: Cảnh giới chiếc tàu này thuộc loại đặc biệt, luôn có hàng trung đội gác ở trên tàu; có ném lựu đạn, bắn đạn cầm canh. Vòng ngoài có người nhái lùng sục, đèn pha chiếu sáng thấy từng con cá, camera 24/24… Trời đang bão lụt thì không thể có một Đặc công Cộng sản đột nhập được. Chỉ có thể là bọn bay làm phản. Tao sẽ cho bỏ tù bọn bay không cần xét xử (Lời thuật của ông Trần Quang Khải về bài viết của ông Hồ Biền).

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn