Cục Kỹ thuật Hải quân 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành

Đại tá Ngô Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân

HQVN -

Ngày 6-5-1970, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 87/QĐ-QP thành lập Cục Kỹ thuật trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Kỹ thuật Hải quân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu và chỉ đạo công tác kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và xây dựng ngành Kỹ thuật Quân chủng chính quy, hiện đại, đáp ứng với sự phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi Quân chủng Hải quân được thành lập (7-5-1955), mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, song ngành Kỹ thuật Hải quân đã khẩn trương xây dựng lực lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức đóng mới ca nô vũ trang; tiếp nhận, sửa chữa, cải hoán, bảo đảm kỹ thuật cho tàu thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) góp phần quan trọng để Quân chủng làm nên chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964; bảo đảm VKTBKT để trên quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ và hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngành Kỹ thuật Hải quân còn hiệp đồng với các lực lượng nghiên cứu sản xuất, cải tiến các thiết bị rà phá thủy lôi làm thất bại chiến dịch phong tỏa của đế quốc Mỹ; bảo đảm tốt vũ khí, trang bị cho lực lượng đặc công Hải quân chiến đấu trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng 336 tàu thuyền của địch ở chiến trường Cửa Việt-Đông Hà.

Đại tá Đỗ Quốc Ân, Cục trưởng Cục Kỹ thuật kiểm tra công tác kỹ thuật tại Vùng 3 Hải quân. Ảnh: PV

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Cục Kỹ thuật đã chủ động, kịp thời thành lập các đội cơ động bảo đảm kỹ thuật cho hơn 500 lượt tàu thuyền của Quân chủng chở các lực lượng kịp thời ra mặt trận chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật, phương tiện cho các lực lượng tham gia chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy thành tích và những kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật trong những năm tháng chiến tranh, trong giai đoạn (1975-2010), Cục Kỹ thuật đã chủ động củng cố, kiện toàn lực lượng, bảo đảm trang bị, kỹ thuật cho Quân chủng; tiếp quản, làm chủ các cơ sở bảo đảm kỹ thuật sau chiến tranh; đóng mới tàu, xuồng; bảo đảm VKTBKT cho Trường Sa; tiếp nhận, vận chuyển một khối lượng lớn VKTBKT từ các kho phía Bắc, cấp phát cho các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo phía Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.

Qua từng thời kỳ, Cục Kỹ thuật luôn triển khai và duy trì tốt phong trào “Giữ tốt, dùng bền”, “Kho, Trạm tốt”; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; từng bước đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật cho các Nhà máy, Xí nghiệp, Kho, Trạm, Trung tâm đo lường... góp phần bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, chất lượng tàu, xe, VKTBKT cho các nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong giai đoạn Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, Cục Kỹ thuật đã tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác kỹ thuật, nhất là trong đầu tư mua sắm, đóng mới tàu thuyền, máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ VKTBKT cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ nhất là các cuộc diễn tập thực binh, bắn tên lửa khẳng định sức mạnh chiến đấu và khả năng làm chủ VKTBKT mới, hiện đại của các đơn vị Hải quân.

Cục Kỹ thuật còn bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển, đối ngoại quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn trên biển; phòng chống thiên tai...

Ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo năm 2020 giữa Cục Kỹ thuật với Ban Tuyên giáo 5 tỉnh phía Bắc. Ảnh: Chu Dũng

Để phát huy hiệu quả VKTBKT mới, hiện đại, Cục Kỹ thuật đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ làm chủ vũ khí trang bị mới, coi trọng công tác huấn luyện chuyển giao, huấn luyện làm chủ, tăng cường huấn luyện thực binh, huấn luyện biển xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp, tuân thủ nghiêm qui tắc an toàn, kỷ luật cao và tính chuyên nghiệp trong vận hành, khai thác VKTBKT; triển khai thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ, củng cố, xây dựng các cơ sở bảo đảm kỹ thuật mới, hiện đại, trọng tâm là Dự án Nhà máy X52; tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành; hướng mạnh về cơ sở; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và 2 đột phá của ngành Kỹ thuật Hải quân là “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”.

Cục Kỹ thuật đã chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo với các địa phương như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Yên, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Từ năm 2007 đến nay Cục Kỹ thuật đã tổ chức 350 buổi tuyên truyền biển, đảo cho hơn 52 nghìn lượt cán bộ, nhân dân các địa phương; hỗ trợ xây dựng các công trình văn hóa, tưởng niệm, dân sinh, nhà tình nghĩa, phòng học vi tính, tặng quà các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động Cục Kỹ thuật đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, kỷ luật; chủ động, sáng tạo; khắc phục khó khăn; làm chủ, trưởng thành”.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho Quân chủng trong giai đoạn mới, Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật xác định các chủ trương, biện pháp trọng tâm như sau:

 Trước hết là quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên, xây dựng Cục Kỹ thuật Hải quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu; chủ động bám sát thực tiễn để tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác bảo đảm kỹ thuật theo lộ trình xây dựng Hải quân NDVN hiện đại; phát huy vai trò của khoa học công nghệ là nền tảng và động lực để xây dựng Cục “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xây dựng Đảng bộ Cục TSVM. Đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí, trang bị và sản xuất, nội địa hóa một số vật tư kỹ thuật đặc chủng; thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan kỹ thuật và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, kỷ luật nghiêm, có tác phong làm việc “Chính quy, khoa học, chuyên nghiệp”. Tiếp tục thực tốt các mục tiêu của Cuộc vận động "Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông" và 2 đột phá về "Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT", xây dựng Ngành Kỹ thuật và Cục Kỹ thuật Hải quân chính quy, hiện đại, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

Cục Kỹ thuật Hải quân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân trong Cục được các cấp khen thưởng, trong đó có 2 tập thể, 3 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân1 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động, 11 cán bộ được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn