Cục Hậu cần Hải quân 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1959-2019)

Lực lượng tiền thân của Cục Hậu cần Hải quân (1955 - 1963)

HQ Online -

Thực hiện Nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ bể, ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 284/NQ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể (tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam) trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh với nhiệm vụ: Giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển nằm trong đội hình của các Quân khu; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi giao cho các liên khu. 

Lực lượng của Cục Phòng thủ bờ bể lúc đầu còn nhỏ bé, mới có 2 đơn vị là Trường Huấn luyện bờ bể (nay là Học viện Hải quân) và Xưởng 46 (nay là Nhà máy X46). Cùng với sự ra đời của Cục Phòng thủ bờ bể, tổ chức tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam, ngành Hậu cần Hải quân cũng đồng thời được tổ chức với tên gọi là Bộ phận Hậu cần Cục Phòng thủ bờ bể.

Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của lực lượng Phòng thủ bờ bể, bám sát nhiệm vụ phục vụ bảo đảm, Bộ phận Hậu cần đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở hậu cần, kỹ thuật như cầu cảng, doanh trại, kho xăng dầu, kho vũ khí, kho vật tư... ở các khu vực Hải Phòng, Bãi Cháy, Cửa Hội, Sông Gianh... Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vật tư, trang thiết bị, nhân lực Bộ phận Hậu cần đã thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Tổng cục Hậu cần. Vì vậy, lực lượng tuy ít, khối lượng công việc nhiều, phương tiện trang bị hạn chế, địa bàn xây dựng rộng, hạng mục công trình đa dạng, phức tạp, song do biết tận dụng và phát huy sự chi viện của cấp trên và các địa phương nên đã đảm bảo kịp thời, đầy đủ cho các lực lượng thi công hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng trong thời gian này, Bộ phận Hậu cần tiếp tục quan hệ chặt chẽ với các Cục có liên quan trực thuộc Tổng cục Hậu cần. Tổng cục Hậu cần vừa nghiên cứu, vừa tổ chức thực hiện, vừa chuẩn bị trước một bước cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài như: vấn đề trang phục của Hải quân, chế độ ăn của các lực lượng trên bờ, trên tàu, trên đảo, nghiên cứu định mức vật tư, nhiên liệu bảo đảm cho tàu hoạt động và cử cán bộ đi học các ngành chuyên môn trong và ngoài nước.

Bước sang năm 1959, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển trong tình hình mới, Ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 320/NĐ-A thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể. Theo Quyết định trên, lực lượng Cục Hải quân có bước phát triển mới. Cơ quan Cục Hải quân gồm 5 phòng: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần, Phòng Công binh và Phòng Đo đạc biển. Khối đơn vị có: Trường Hải quân, Đoàn 130, Đoàn 135, Tiểu đoàn Công trình 145 và Xưởng X46. Ngày 24-1-1959, đánh dấu mốc phát triển của Cục Hải quân từ nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của các lực lượng Hải quân; đồng thời ngày 24-1-1959 trở thành Ngày truyền thống của các cơ quan Quân chủng, trong đó có Cục Hậu cần Hải quân.

Song song với việc kiện toàn cán bộ hậu cần, cơ quan hậu cần, tổ chức Đảng trong Cục Hải quân cũng có bước phát triển, củng cố, kiện toàn. Ngày 20-4-1959, Tổng Quân uỷ ra Quyết định sô 33/QP thành lập Đảng bộ Cục Hải quân. Ngày 1-6-1959, Đảng uỷ Cục Hải quân ra Quyết định số 546/ĐU thành lập liên chi bộ cơ quan Cục Hải quân, trong đó có Chi bộ Phòng Hậu cần. Chi bộ có nhiệm vụ lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, công tác chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan; tuỳ theo sự cần thiết, lãnh đạo mọi nhiệm vụ công tác của cơ quan được Đảng uỷ Cục uỷ quyền.

Để lãnh đạo ngành hậu cần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 3-7-1961, Đảng ủy Cục Hải quân ra Quyết định số 211/HQ-A1 thành lập Đảng bộ Phòng Hậu cần gồm: chi bộ cơ quan Phòng Hậu cần, Đảng bộ Xưởng X46, chi bộ Vận tải và chi bộ Kho K125. Đảng bộ Phòng Hậu cần là cơ quan lãnh đạo giữa 2 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ Phòng Hậu cần có nhiệm vụ: lãnh đạo toàn diện các mặt công tác trong Phòng Hậu cần và các đơn vị, xí nghiệp trực thuộc, kể cả công tác chuyên môn, công tác đảng, công tác chính trị theo chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ, Thủ trưởng Cục, Tổng cục Hậu cần và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Phòng Hậu cần.

Các Ban phụ trách các mặt công tác trực thuộc Phòng Hậu cần được hình thành là: Ban Tham mưu kế hoạch; Ban Tài vụ; Ban Quân nhu; Ban Quân giới; Ban Quân y; Ban Xăng dầu; Ban Quản lý tàu (tu tạo); Ban Chính trị; Ban Doanh trại. Mỗi ban được biên chế từ 3 đến 5 đồng chí. Các đơn vị trực thuộc Phòng Hậu cần lúc này gồm: Đại đội vận tải (C5), Xưởng X46 và hệ thống kho.

Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1963, hệ thống kho của Hải quân được tổ chức tập trung thành 2 kho lớn: K125 ở An Lão, thành phố Hải Phòng và kho quân khí ở Kha Lâm, thị xã Kiến An. Việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hậu cần trong thời kỳ này chủ yếu là phát triển hệ thống cầu cảng, bến bãi, kho tàng, vừa xây dựng, vừa sửa chữa nhà cửa các cơ sở của Pháp để lại làm nơi ăn, ở, trú đậu tàu thuyền, phục vụ các căn cứ và khu tuần phòng. Cán bộ, nhân viên trong Phòng Hậu cần vừa phục vụ, vừa học để từng bước tiếp thu khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và khả năng sửa chữa trang bị vũ khí tàu thuyền, quản lý, sử dụng vật tư kỹ thuật, nhiên liệu, bảo đảm phục vụ sinh hoạt của Cục Hải quân dần đi vào nền nếp.  

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn