Cụ Huỳnh Thúc Kháng-Tấm gương tinh thần yêu nước ngời sáng

HQ Online -

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thật sự là người tiêu biểu cho nhân cách trí thức và tinh thần yêu nước, ý thức dấn thân hành động vì độc lập, tự do của dân tộc. Cả cuộc đời của cụ gắn liền với những biến động của thời cuộc; cụ vừa là nhân vật lịch sử nổi tiếng, vừa là chứng nhân trước các biến thiên xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 qua suốt nửa đầu thế kỷ 20.

Chân dung Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Nhà cách mạng tiền bối lừng danh

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh) sinh ngày 1-10-1876 trong một gia đình nho học nghèo ở làng Thạnh Bình, tổng Kiên Giang, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.

Từ nhỏ, Huỳnh Thúc Kháng đã nổi tiếng thông minh. Mặc dù đỗ Giải Nguyễn năm Canh Tý (1900), đỗ Hoàng Giáp năm Giáp Thìn (1904), nhưng cụ Huỳnh không ra làm quan. Cụ đã cùng với các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… tiên phong khai mở Phong trào Duy Tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khơi dậy cao trào yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, đỉnh điểm là phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, làm rung động bộ máy thống trị của thực dân Pháp.

Sau khi bị chính quyền thực dân bắt, đày ra Côn Đảo suốt 13 năm (1908 - 1921), Cụ vẫn một dạ sắt son với cách mạng. Từ 1926- 1928, Cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, Cụ đã từ chức và sáng lập Tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút báo này tại Huế từ năm 1927 đến 1943.

Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho Ủy ban nhân dân lâm thời Trung Bộ mời Cụ ra Hà Nội, tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Dù tuổi cao, nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, Cụ đã nhận lời gánh vác việc nước, sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước vượt qua khó khăn, giữ vững nền dân chủ cộng hòa non trẻ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (người đeo kính ở hàng thứ nhất) trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Hết lòng phụng sự Tổ quốc

Là thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh đã mang hết tài năng, trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, nhân dân và có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần tăng cường sức mạnh cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong giai đoạn nước sôi, lửa bỏng.

Sáng ngày 6-3-1946, Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đặc biệt bàn thảo, thống nhất ký kết Hiệp định Sơ bộ Việt Pháp. Tham dự phiên họp có cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục... Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi gặp gỡ Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự hội nghị trù bị ở Đà Lạt và đã có những chỉ thị cụ thể về các nội dung cũng như nguyên tắc đàm phán.

Ngày 31-5-1946, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp, Cụ Huỳnh Thúc Kháng được giao giữ chức quyền Chủ tịch nước. Gánh vác trọng trách thay Hồ Chủ tịch điều hành việc nước là một thử thách không nhỏ đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đáp lại sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian Người đi vắng, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” giải quyết êm thấm nhiều công việc liên quan đến quốc gia đại sự. Cụ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu đảo chính, lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thời gian này, cụ Huỳnh còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, đóng góp cho việc củng cố, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến; đi đến đâu cũng quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân, kêu gọi toàn dân đồng lòng ủng hộ Chính phủ, phục vụ cách mạng. Trong hành trình kinh lý, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã qua đời ngày 21-4-1947 tại tỉnh Quảng Ngãi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước.

Tấm gương ngời sáng cho mọi thế hệ

Đã gần 70 năm trôi qua kể từ ngày cụ Huỳnh Thúc Kháng “ra đi”, đất nước ta đã có bao sự đổi thay, nhưng dấu ấn của Cụ đối với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ còn mãi như khẳng định của Bác Hồ trong thư gửi toàn thể đồng bào khi cụ Huỳnh mất: “Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta” vì “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh chắc chắn không sờn lại thêm kiên quyết”. Lời đánh giá chân tình và chuẩn xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là tượng đài muôn thuở, tôn vinh tấm gương một nhà yêu nước chân chính, mãi mãi lưu danh với hậu thế.

Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”. Ảnh: Tấn Tuân

Bên cạnh đó, cuộc đời Cụ Huỳnh còn là tấm gương sáng ngời về truyền thống hiếu học, nếp sống thanh cao, giản dị, không cầu danh lợi, trọng nghĩa, trọng tình, trọng chí lớn. Đó là một cuộc đời trí thức đã dùng văn chương, báo chí để tỏ lòng mình, chống lại cái hủ lậu, cổ động cho cái mới mẻ, phục vụ đồng bào... Tư tưởng và hành động của cụ hòa đồng một cách sâu sắc. Mặc dù thời gian cụ Huỳnh Thúc Kháng đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo không dài nhưng những cống hiến của cụ là hết sức to lớn, tấm gương của cụ hết sức tiêu biểu để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Phúc Vinh (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn