Coi ngoại ngữ là “chìa khóa” làm chủ vũ khí, trang bị

HQVN -

Lữ đoàn 680, Vùng 3 Hải quân quản lý, khai thác khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Để khai thác hệ thống vũ khí, trang thiết bị này, một trong những yêu cầu quan trọng đối với cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị là phải thông thạo ngoại ngữ. Từ thực tế đó, Lữ đoàn đã có nhiều giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng học ngoại ngữ cho bộ đội.

Từ yêu cầu nhiệm vụ

Đến Lữ đoàn 680 và theo dõi buổi huấn luyện SSCĐ của đơn vị, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi sự thuần thục trong thao tác của cán bộ, chiến sĩ. Các ký hiệu, thông số bằng tiếng Nga trên khí tài được họ đọc trôi chảy. “Các khí tài của đơn vị đều sử dụng ngoại ngữ, vậy có ảnh hưởng gì lớn trong quá trình vận hành không anh?”-Tôi hỏi Thượng tá Phạm Văn Toàn, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn. Không đắn đo, anh trả lời ngay: “Đến nay, vấn đề ấy không còn đáng ngại nữa vì trình độ tiếng Nga, tiếng Anh của bộ đội đã được nâng lên, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình khai thác, làm chủ khí tài”.

Được biết, từ năm 2010, Vùng 3 có nghị quyết chuyên đề yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải đưa trình độ ngoại ngữ thành một tiêu chí trong việc đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn. Theo đó, Lữ đoàn 680 đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức các lớp học tiếng Anh và tiếng Nga.

Giờ học tiếng Anh trên trang bị, vũ khí. Ảnh Thế Quân

Để việc học ngoại ngữ hiệu quả, đơn vị đã rà soát trình độ và nhu cầu học của từng cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN). Từ đó, các lớp học theo trình độ A, B, C được phân chia. Thời gian học bố trí vào tối thứ 2, tối thứ 6 và sáng ngày nghỉ cuối tuần. Lữ đoàn hỗ trợ 70% chi phí khóa học, còn lại là cá nhân đóng góp. Ngoài ra, đơn vị còn tạo điều kiện bố trí công việc phù hợp để quân số tham gia lớp học cao nhất, đặc biệt là các đơn vị có quân số phân tán. Đến nay, toàn bộ sĩ quan và 80% QNCN toàn đơn vị đã và đang tham gia học các lớp ngoại ngữ do đơn vị tổ chức.

Một cán bộ ở Lữ đoàn 680 cho biết: Việc học ngoại ngữ ở đơn vị quân đội có một số khó khăn nhất định như: điều kiện thời gian hạn hẹp, việc rèn luyện các kỹ năng hạn chế… Để khắc phục những điều ấy, trong các buổi học giảng viên sẽ hệ thống lại kiến thức từ luyện âm, từ vựng, ngữ pháp đến thực hành giao tiếp. Các tổ, nhóm, đôi bạn học tập được hình thành theo đơn vị để chủ động trao đổi, giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nga mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện “Mỗi ngày học một từ mới”, “Mỗi ngày một câu” để tạo phong trào học tập toàn đơn vị. Việc học ngoại ngữ dần trở thành niềm yêu thích, đam mê của nhiều quân nhân trong đơn vị.

Đến nuôi dưỡng niềm đam mê

Một trong những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng học ngoại ngữ ở Lữ đoàn 680 chính là việc đơn vị đã lựa chọn và xây dựng được đội ngũ “trợ giáo”. Theo lịch học thì 1 tuần học viên học 2 đến 3 buổi, mỗi buổi chỉ kéo dài chừng 3 giờ nên trong buổi học, giáo viên chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản. Để áp dụng tốt ngoại ngữ vào thực tế, đơn vị đã phân công những đồng chí giỏi về tiếng Anh, tiếng Nga huấn luyện trực tiếp trên vũ khí, trang bị kỹ thuật tại các tổ, đội, trạm và kèm cặp, bồi dưỡng từ 2 đến 3 đồng chí còn yếu về ngoại ngữ.

Đến Đội Hỏa lực, chúng tôi bất ngờ khi thấy cán bộ, nhân viên đang cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi hoàn toàn bằng tiếng Nga. Trung úy Lê Ích Vinh, Phân đội trưởng cho biết: Nhằm giúp anh em tự tin, chủ động hơn trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, bớt tâm lý e ngại với môn học, Đội thường xuyên tạo môi trường giao tiếp, thực hành ngoại ngữ ngay trong các giờ làm việc trực tiếp với vũ khí, trang bị. Qua các buổi như vậy, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và khả năng xử lý tình huống, làm việc nhóm được phát huy tối đa. Trình độ ngoại ngữ của anh em nhanh chóng được nâng cao.

Theo Trung úy Lê Ích Vinh, khi học tại Học viện Kỹ thuật quân sự anh đã được học tiếng Nga trong phần học đại cương. Khi về đơn vị công tác, anh không tránh khỏi bỡ ngỡ và lo lắng bởi tiếng Nga chuyên ngành tên lửa khá phức tạp, do đó ngoài các giờ học trên lớp, anh tự mày mò học trên internet, nghiên cứu các tài liệu đi theo trang bị, vũ khí để nâng cao trình độ.

Còn Thượng úy Tạ Ngọc Dần, Phó Trạm trưởng Trạm Kỹ thuật-“bông hoa” tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo của Lữ đoàn tâm sự với chúng tôi: Nhờ biết cả tiếng Anh và tiếng Nga nên tôi có thể nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu để áp dụng vào những sáng kiến, đề tài phục vụ hiệu quả công tác huấn luyện ở đơn vị. Từ kinh nghiệm của bản thân, theo tôi để học ngoại ngữ tốt thì người học nên ghi chép nhiều, đọc nhiều và phải có lòng đam mê và tính tự giác.

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho bộ đội là việc làm cần thiết và cấp bách. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu tìm cho mình những cách làm phù hợp như Lữ đoàn 680 để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho quân nhân trong đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn