Có một “Trường Sa trên núi”

Đã 5 năm kể từ ngày cột cờ Trường Sa được xây dựng trên sân Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến nay, dường như “biển đảo”, “Trường Sa” đã trở lên rất đỗi quen thuộc với những người Mông ở nơi non cao này. Đã có biết bao nhiêu buổi chào cờ, biết bao lần bài Quốc ca được vang lên thật thiết tha, hào hùng và đầy niềm tự hào của những lứa học sinh ở Nà Hẩu dưới cột cờ chủ quyền Trường Sa ấy. Đó là niềm tự hào, là tình yêu tổ quốc bất diệt của những người con núi rừng nơi đây.

Nếu như 5 năm trước, “Trường Sa”, “biển đảo”... với những đứa trẻ vùng cao như Thào A Chua học sinh lớp 5 Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu huyện Văn Yên còn xa lắm thì đến nay, cột cờ Trường Sa trên sân trường là một phần không thể thiếu trong các bài học về tình yêu quê hương đất nước của các em. Em cũng giống như những người Mông ở Nà Hẩu chưa một lần được đến Trường Sa, chỉ nhìn thấy cột mốc Trường Sa thiêng liêng ấy trên ti vi, trong sách báo. Nhưng 5 năm qua, cột cờ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa đó hiên ngang, kiêu hãnh ngay trên sân trường em yêu dấu.

Hằng ngày, em cùng các bạn được học, được chơi ngay bên cột mốc chủ quyền như một sự ghi dấu đậm nét “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” trong lòng những đứa trẻ và cả những bà con người Mông Nà Hẩu thật thà, chất phác cả đời có khi chưa một lần ra khỏi đại ngàn xanh. Cũng như các bạn của em, Chua đã hiểu đất nước mình rộng lớn lắm.

Buổi học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu dưới cột mốc chủ quyền Trường Sa

“Đất nước của em không chỉ có núi rừng nơi em và đồng bào mình đang sống, nó rộng ra tít ngoài kia-nơi biển khơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở vĩ độ 8o 38' 30'', kinh độ 111o 55' 55''”. “Sao, em biết cả kinh độ, vĩ độ của Trường Sa cơ à?". Em cười tít mắt: "Thì ở trên cột mốc ghi rõ mà. Từ ngày có cột cờ này, ngày nào chúng em cũng chơi xung quanh cột mốc nên thuộc cả”. Thế mới thấy có cách học hiệu quả nào hơn chính là mô hình, là cái chúng được nhìn thấy tận mắt và yêu thích. Trường Sa đã đến rất gần với những đứa trẻ và cả những người dân xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Xuất phát từ mong muốn đưa Trường Sa, biển, đảo về gần hơn với những người Mông trên núi, đặc biệt là đồng bào Mông xã Nà Hẩu, nơi Báo Yên Bái được Tỉnh ủy giao phụ trách. Những người làm báo đã chọn cách làm cũng thật đặc biệt là xây dựng mô hình cột cờ chủ quyền Trường Sa trên đất núi với đúng khuôn mẫu trên đảo Trường Sa. Ý tưởng được đưa ra giữa lúc vấn đề biển đảo đang được cả nước quan tâm, dõi theo. Đó là cách mà những người "lấy cây bút làm vũ khí" tuyên truyền xa hơn cả những bài viết hay. Đó là tình cảm với Trường Sa, với Nà Hẩu.

Hơn một tháng sau khi ý tưởng được đưa ra, cột cờ chủ quyền biển, đảo Trường Sa đã sừng sững giữa đại ngàn xanh. Sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Yên Bái đã làm nên một “Trường Sa trên núi”. Chi đoàn thanh niên là lực lượng chủ lực được Đảng ủy, Ban biên tập giao trực tiếp tổ chức triển khai công trình-là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm vô cùng to lớn của tuổi trẻ Báo Yên Bái.

Trở lại Nà Hẩu, nghe những đứa trẻ đọc vanh vách về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhà báo Trần Minh Tuấn, Bí thư Chi đoàn Báo Yên Bái xúc động: "Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Báo Yên Bái đã thuộc từng viên đá, viên sỏi trên đường lên Nà Hẩu cũng sẽ không quan trọng bằng việc đã và đang có rất nhiều thế hệ học sinh Nà Hẩu thuộc lòng bài học về chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Chị Giàng Thị Dúa cũng bao phụ huynh người Mông khác ở nơi non cao này cũng đã rất đỗi quen thuộc vào mỗi thứ hai hàng tuần lại xuống trường không chỉ đưa con đi học mà còn để được “chào cờ” tại cột cờ chủ quyền này. Chị nói: “Thứ hai nào cũng phải xuống trường để được chào cờ. Trước đây, cái này chỉ được nhìn trên ti vi thôi. Nó ở nơi xa lắm nhưng là của đất nước mình, là biển của mình. Giờ nó nằm ở sân trường học, ngày nào mình đưa con đi học cũng được nhìn thấy, không còn thấy xa nữa".

"… Không xa đâu Trường Sa ơi

Không xa đâu Trường Sa ơi

Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh …".

Câu hát ấy đã lan truyền cảm xúc trong con tim những người con đất Việt và còn đúng hơn với những bà con người Mông thật thà, chất phác ở Nà Hẩu hôm nay, rồi cả những năm tháng về sau nữa. Trường Sa đã thật gần, thật gần với những người dân trên núi Nà Hẩu, đó là chủ quyền được xác lập chắc chắn một lần nữa trong tâm trí, khối óc của bà con. Nếu trên đảo Trường Sa ngoài Biển Đông mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều mang trên mình sứ mệnh là cột mốc tiền tiêu của Tổ quốc thì ở trên vùng núi cao xa xôi này, cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa sẽ tiếp thêm sức mạnh để cây rừng Nà Hẩu, lòng dân Nà Hẩu mãi là hậu phương vững chắc cho tiền phương biển, đảo.

Đồng chí Giàng Chẩn Phử, Bí thư Đảng ủy xã Nà Hẩu xúc động: “Công trình mà Báo Yên Bái tặng cho nhân dân xã Nà Hẩu thật vô cùng ý nghĩa. Đất nước ta “rừng vàng biển bạc”, vì vậy chúng tôi quyết tâm bảo vệ rừng, một lòng theo Đảng, làm nhiều việc tốt góp phần gìn giữ biển, đảo. Nhân dân Nà Hẩu sẽ mãi hướng về biển, đảo, sẵn sàng đi theo tiếng gọi khi Tổ quốc cần”.

Hầu như đồng bào Mông Nà Hẩu chưa một lần được biết đến biển, nhưng họ rất gần và hiểu sâu sắc về chủ quyền biển, đảo, về cột cờ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bởi họ là những người đầu tiên ở miền núi Tây Bắc Tổ quốc có được cột cờ mô hình từ đảo Trường Sa. Từ ngày có cột cờ chủ quyền, với những người Mông Nà Hẩu biển đã có màu xanh của trời xanh giữa đại ngàn và vị mặn của tình yêu biển đảo từ trong trái tim. Những cô cậu bé trưởng thành giữa đại ngàn Nà Hẩu, học tập trong ngôi trường có cột mốc chủ quyền Trường Sa ấy đã và đang kế tục làm nên một Trường Sa vững vàng trên núi. 

Bài, ảnh: Thanh Ba

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn