Chu đáo tại bến, bám biển dài ngày

HQVN -

Trung bình mỗi năm các tàu thuộc Hải đội 695, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân hành trình hơn 70 nghìn hải lý, 300 điểm hải dương. Cán bộ, nhân viên các tàu đã thực hiện nền nếp công tác bảo quản, bảo dưỡng, làm chủ nhiều TBKT, khắc phục, sửa chữa lỗi hỏng hóc thông thường, hoàn thành kế hoạch, bám biển dài ngày.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Duy Vạn, Hải đội trưởng Hải đội 695 cho biết: Với đặc thù là hải đội tàu làm nhiệm vụ đo đạc, nghiên cứu biển nên hoạt động chính của đơn vị chúng tôi chủ yếu ở trên biển. Đảng ủy, chỉ huy Hải đội xác định việc phát huy nội lực của mỗi con tàu, từng cán bộ, chiến sĩ là nhân tố tạo thành sức mạnh tổng hợp để tập thể đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chỉ huy Hải đội đã ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ đo đạc trong năm. Nghị quyết xác định rõ việc đảm bảo tốt cho các tàu phục vụ đo đạc ngoại nghiệp và an toàn tuyệt đối của người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ trên biển là tiêu chí số một. Ngay sau Tết Nguyên đán, Hải đội đã tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ để ngày 1/3, khi các đơn vị ra quân huấn luyện thì các tàu của đơn vị cũng sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ.

Ngày kỹ thuật ở Tàu 632, Hải đội 695

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hải đội luôn chú trọng công tác kỹ thuật cả trước, trong và sau khi các tàu đi trên biển, chủ động bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng TBKT, vật tư cho nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Hải đội cũng coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong quản lý, khai thác sử dụng các trang thiết bị; thực hiện tốt nội dung Cuộc vận động 50 và 2 khâu đột phá của Ngành kỹ thuật Hải quân “Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ VKTBKT”…

Do yêu cầu nhiệm vụ đo đạc ngày càng cao, phạm vi hoạt động trên biển rộng trong khi nhiều tàu, xuồng, TBKT của Hải đội đã qua nhiều năm sử dụng nên công tác chuẩn bị phải chu đáo. Các tàu lại thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển, trong điều kiện môi trường khắc nghiệt sóng to, gió lớn, công tác kỹ thuật được cấp ủy, chỉ huy tàu và Hải đội quan tâm lãnh đạo… Theo chân đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị đi biển tại Hải đội 695, chúng tôi được chứng kiến cán bộ, nhân viên nơi đây miệt mài bảo dưỡng cho các con tàu. Trên mặt boong một số nhân viên gõ rỉ, sơn dặm; dưới hầm máy mọi người lau chùi, bảo dưỡng, kiểm tra đến từng chi tiết máy và các phương tiện, khí tài đo đạc. Cùng với đó, Hải đội thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc các tàu duy trì chế độ bảo quản, bảo dưỡng, thực hiện Ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý, nhất là quy định sấy máy buổi sáng. Đến thời điểm hiện nay, các tàu gõ rỉ, sơn bảo quản được gần 6.000m2 tôn vỏ; bảo quản, kiểm sửa được gần 12 nghìn giờ công; sửa chữa 345 hạng mục...

Tàu 888 thả máy đo đa tia để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, khảo sát

Đến Tàu 884 của Hải đội, qua trò chuyện với cán bộ, nhân viên của tàu chúng tôi được biết: Sau khi được cải hoán thành tàu phục vụ đo đạc và khảo sát thành lập hải đồ nên cán bộ, chiến sĩ của tàu luôn chủ động trong bảo quản, sửa chữa và thay thế phụ tùng. Có thời điểm, tàu đang hành trình trên biển làm nhiệm vụ khảo sát thì phớt của hệ trục chân vịt bị rò, làm nước biển ngấm vào lẫn với nhớt. “Cái khó ló cái khôn”, Tàu 884 đã nghiên cứu khắc phục bằng cách gia công một két nhớt mới rồi treo cao tầm 4m so với mặt nước biển để cho áp lực trong két nhớt cao hơn áp lực nước biển. Nước sẽ đẩy từ trong két đẩy ra, đảm bảo để hệ trục chân vịt hoạt động.

Tàu 632 đã được Đoàn đầu tư để tham gia Hội thi tàu chính quy, mẫu mực; Hội thao huấn luyện tàu mặt nước cấp Quân chủng năm 2023. Con tàu được làm đẹp từ nội thất tới thân vỏ theo bộ tiêu chí tàu chính quy, mẫu mực và huấn luyện tại bến trên 4 mặt công tác. Thời gian qua, cán bộ, nhân viên Tàu 632 đã lao động hàng trăm ngày công sơn sửa hơn 2.150m2 thân vỏ tàu, khoang hầm, thiết bị; thay 20m2 tôn đáy; bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa 80 hạng mục kỹ thuật… được cơ quan chuyên môn đánh giá cao.

Trung úy QNCN Phạm Đức Thiệu, Nhân viên máy Tàu 632 được đơn vị gọi là người có “bàn tay vàng” vì từ mỗi nét sơn đến việc sơn tỉa từng chi tiết trong khoang máy anh đều rất tỉ mỉ, làm cho con tàu như mới “xuất xưởng”. Trung úy QNCN Phạm Đức Thiệu chia sẻ: Máy được ví như là “trái tim” của con tàu, công tác bảo quản, bảo dưỡng luôn được chúng tôi quan tâm, vận hành theo đúng quy trình. Khi công việc của dưới hầm máy đã hoàn tất là tàu đã sẵn sàng cho một hành trình đo đạc mới.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cho các tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển nên nhiều năm nay Hải đội 695 luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những công việc nhỏ bé ấy đã góp phần cùng toàn Đoàn sản xuất hải đồ có chất lượng, giúp cho hệ thống hải đồ về các vùng biển của nước ta ngày càng hoàn chỉnh hơn, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ quốc phòng, phát triển kinh tế trên biển.

Bài, ảnh: Ngô Toàn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn