Cái giá của cuộc chiến sắp đặt và phi nghĩa

HQVN -

“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh sắp đặt của đế quốc Mỹ với miền Bắc Việt Nam. Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ nêu nguyên cớ với báo giới “Bắc Việt đã cho tàu chiến tấn công tàu khu trục của Mỹ khi nó vô tội đi qua Vịnh Bắc Bộ”, ngày 7/8/1964, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết khởi xướng cuộc chiến tranh chống miền Bắc Việt Nam với đa số phiếu tán thành.

Nhưng ngay sáng mồng 5/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành chiến dịch “Mũi tên xuyên” – chiến dịch dùng không quân phá hoại miền Bắc Việt Nam với quy mô lớn. 64 máy bay ném bom của Mỹ tập trung đánh phá các căn cứ hải quân của ta trên suốt dải ven biển từ cảng Sông Gianh, Quảng Bình đến Bãi Cháy, Quảng Ninh.

Nhờ chuẩn bị từ trước với tinh thần cảnh giác cao, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta không bị bất ngờ. Mạng ra đa cảnh giới của ta kịp thời phát hiện các tốp máy bay địch trên từng hướng và thông báo cho các đơn vị phòng không, pháo cao xạ, hải quân và dân quân, tự vệ sẵn sàng đánh trả.

Trận chiến đấu của bộ đội Hải quân phối hợp với bộ đội Phòng không - không quân, lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh kéo dài từ 12 giờ 30 phút đến 17 giờ ngày 5/8/1964 đã kết thúc thắng lợi. Kết quả, ta bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc, bắt sống 1 phi công.

An-va-rét là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống khi máy bay của anh ta bị hạ trên vùng biển Quảng Ninh. Bắt đầu từ đó trở đi, những chiếc máy bay của không quân Hoa Kỳ bị bắn hạ, những tên phi công Mỹ bị bắt đã không còn là điều lạ lẫm với quân dân miền Bắc.

“Cờ ăn xin” có in tiếng Việt. Ảnh: Tư liệu

Khi đã bắt đầu quen với phi công bị bắt, với xác máy bay phản lực Mỹ thì cũng là lúc quân dân ta tò mò về đồ vật mang theo của những tên giặc lái. Thứ khiến người Việt Nam lạ lẫm pha lẫn thích thú nhất là một mảnh vải may liền trong lưng áo phi công có in lá cờ Mỹ và in thông điệp bằng 14 thứ tiếng khác nhau mà phi công nào cũng có. Chúng được phi công Mỹ gọi là blood cheats, tạm dịch là “bút tích viết bằng máu”, còn quân dân ta hay gọi là “cờ ăn xin”.

Trước chiến dịch “Mũi tên xuyên”, lá “cờ ăn xin” này chưa được in bằng tiếng Việt. Có lẽ chỉ đến khi ý chí chiến đấu của quân dân ta cũng như lưới lửa của không quân miền Bắc trở thành nỗi ám ảnh đối với phi công Mỹ thì không lực Mỹ mới vội vàng in thêm vào những dòng chữ này: “Tôi là một phi công Hoa kỳ. Máy bay của tôi đã bị phá hủy. Tôi không biết nói tiếng Annam. Tôi là người thù địch của Nhật. Ngài làm ơn cho tôi ăn, che chở, trông nom cho tôi và đưa tôi tới chỗ đóng quân gần nhất của Đồng minh. Chính phủ nước tôi sẽ cảm ơn ngài nhiều lắm”.

“Cờ ăn xin” đính liền trong lưng áo phi công Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Ngày 30/8/1965, tại Hà Nội có một cuộc họp báo quốc tế. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công bố số lượng máy bay Mỹ bị bắn hạ trong một năm kể từ khi Mỹ tấn công miền Bắc. Con số chính xác là 502 chiếc máy bay các loại. Điều này đồng nghĩa với một số lượng lớn phi công bị chết hoặc bị bắt giữ. Quân hàm cao nhất của viên phi công đã bị bắt lên tới chức đại tá. Câu chuyện thần thoại về cái gọi là sự thống trị của lực lượng không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn tan vỡ.

Cách đây 14 năm, ngày 14/7/2010, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ Jon-ke-ri, Chủ tịch Ủy ban đã công bố 1.165 trang tài liệu được giải mật về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Theo đó, các chứng cứ về một cuộc “tấn công thứ nhì”, cuộc tấn công đêm mồng 4/8/1964 trong các tài liệu mật của Mỹ càng không hề rõ rệt. Đã chẳng có dấu tích gì về tàu phóng lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công hai tàu khu trục Mỹ cũng như các tàu của Hải quân Việt Nam bị đánh chìm. Thời tiết xấu đã tác động tới ra đa và sô na. Tàu Ma đốc và tàu Tơ-nơ-gioi đã không nhìn thấy bất cứ gì.

Thông tin này là cả một “gáo nước lạnh” dội vào những ai vẫn tin tưởng vào sự tối tân, hiện đại của nền khoa học quân sự Mỹ.

Đánh giá về cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, gần đây một tiến sĩ lịch sử của Mỹ đã viết rằng: Nếu thay vài từ trong trích dẫn phát biểu của Tổng thống Mỹ trước Quốc hội như thay từ “ngư lôi đỉnh” bằng “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, thay từ “Hà Nội” bằng từ “Bát Đa” thì lý do Quốc hội Mỹ đồng ý cho tấn công miền Bắc Việt Nam 60 năm trước cũng y hệt như lý do Quốc hội Mỹ cho quân tấn công I-Rắc không cần tuyên bố vào năm 2003.

Hơn 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam kể từ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đến năm 1973, năm đế quốc Mỹ buộc phải rút quân về nước  theo Hiệp định Pa-ri. Đó là cái giá mà người dân Mỹ đã phải trả cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sắp đặt.

Nguyễn Toàn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn