Các giải pháp công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở, Kỳ cuối: Công tác tư tưởng cần chủ động và đi trước một bước

HQVN -

Thời gian qua, nhờ làm tốt các khâu, các bước và phát huy hiệu quả các mô hình nên công tác tư tưởng (CTTT) đã góp phần nâng cao chất lượng các mặt công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả CTTT trong tình hình mới, các đơn vị cần quyết liệt, chủ động hơn trong khâu dự báo và quản lý tư tưởng, hay nói cách khác, CTTT phải luôn đi trước một bước để không bị động, bất ngờ.

Tăng cường quản lý tư tưởng gắn với quản lý kỷ luật

Qua nghiên cứu, tổng hợp số liệu từ cơ quan chức năng, điều dễ nhận thấy là đối tượng vi phạm kỷ luật (VPKL) ở các đơn vị những năm gần đây có xu hướng phân hóa cao, nghĩa là các trường hợp VPKL là chiến sĩ, quân nhân tuổi đời còn trẻ ít hơn các đối tượng khác. Theo thông báo về tình hình kỷ luật năm vừa qua của Bộ Tham mưu, số vụ việc VPKL trong Quân chủng năm 2021 giảm đến 46,96% so với năm 2020. Độ tuổi quân nhân vi phạm nhiều nhất là từ 30-39 tuổi (chiếm 43,94%). Ít vi phạm hơn là quân nhân từ 21-29 tuổi (chiếm 24,24%). Quân nhân dưới 20 tuổi chỉ chiếm 5,71% số vụ VPKL. Sĩ quan VPKL chiếm đến 61,9% và QNCN chiếm 28,57%. Phần nhiều đối tượng VPKL là ở độ tuổi đã công tác ở đơn vị nhiều năm trở lên, đã lập gia đình, ở các đơn vị đặc thù, quân số đông, địa bàn rộng, quản lý nhiều vật tư, trang bị…

Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Văn Vũ                          

Đi tìm nguyên nhân để phân loại đối tượng VPKL, dự báo CTTT, có thể thấy, đối tượng có độ tuổi trung bình và quân hàm thiếu tá, trung tá chiếm đến 61,5%. Như vậy, khác với trước đây, nhóm nguy cơ cao VPKL và cần nắm, quản lý về tư tưởng lại là số cán bộ, QNCN đã có thâm niên công tác, do đó không ít cấp ủy, chỉ huy các đơn vị còn chủ quan, bất ngờ khi dự báo và nắm tình hình tư tưởng số cán bộ ở độ tuổi này. Trong số 21 trường hợp vi phạm 3 dứt điểm năm 2021 (tăng 12 trường hợp so với năm trước), nguyên nhân chính là do vay vốn đầu tư không hiệu quả dẫn đến vỡ nợ, số ít còn lại là do chi tiêu quá mức cho phép nên không có khả năng cân bằng tài chính gia đình và cá nhân, dẫn đến vi phạm. Ngoài ra, một số khác thì ý thức kỷ luật chưa cao, chưa yên tâm cống hiến, xin được phục viên, xuất ngũ trước thời gian qui định…

Một cán bộ ở đơn vị C chia sẻ, khi xử lý kỷ luật cùng lúc 5-6 đối tượng vi phạm 3 dứt điểm cảm thấy rất day dứt  bởi nếu như cấp ủy, chỉ huy đơn vị sâu sát cơ sở hơn, sớm “khoanh vùng” nhóm đối tượng này để ngăn ngừa, nhất là chủ động hơn về CTTT khi biết những khó khăn, mặt trái của đời sống xã hội sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến bộ đội, thì hậu quả sẽ giảm đi phần nào, không để mất cán bộ, mất thành tích đơn vị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị rút kinh nghiệm CTTT làm trước tại Vùng 4, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân nhấn mạnh: Ngoài việc cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy, cán bộ các cấp đối với CTTT, các đơn vị cần có chủ trương, giải pháp mang tính đột phá để giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu của CTTT trong quản lý bộ đội. Đơn vị phải nắm chắc, dự báo sát với diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; chủ động theo dõi, đánh giá, phân loại cụ thể đến từng đối tượng theo phân cấp để có biện pháp sát, đúng trong quản lý tư tưởng. Các cấp cần chú trọng kết hợp giữa quản lý tư tưởng với quản lý kỷ luật, kịp thời ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong cơ quan, đơn vị…

Sâu sát cơ sở, nghe bộ đội nói, nói những gì bộ đội muốn nghe

Một trong 5 nhóm giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng CTTT của Quân chủng trong thời gian tới là đội ngũ cán bộ các cấp cần nêu cao vai trò gương mẫu, sâu sát cơ sở, gần bộ đội để thấu hiểu và kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh. Cán bộ phải luôn mẫu mực trong lời nói và việc làm. “Đừng nói những điều vĩ đại, to tát, mà phải nói những điều bộ đội cần nghe, biết lắng nghe bộ đội nói, nói những điều thiết thực cho bộ đội, cho đơn vị, thường xuyên rèn luyện, trau dồi kỹ năng nói và viết”-đó là thông điệp mà đồng chí Chính ủy Hải quân lưu ý các cán bộ, nhất là cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Đơn vị mất dân chủ, không đoàn kết, VPKL, không hoàn thành nhiệm vụ, để yếu kém kéo dài… hầu hết đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là chưa làm tốt công tác CTTT.

Quang cảnh buổi đối thoại tại Lữ đoàn 172, Vùng 3

Các đơn vị cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các khâu, các bước của CTTT trong quản lý bộ đội, tránh tình trạng làm đủ các khâu, các bước, nhiều mô hình nhưng CTTT ở đơn vị vẫn không chuyển biến, VPKL vẫn tăng. Trong dự báo, định hướng tư tưởng cần bám sát chỉ đạo của trên, có chọn lọc, sát thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ; tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả các mô hình CTTT có tính sáng tạo, thiết thực; gắn đổi mới công tác giáo dục chính trị với đổi mới công tác quản lý tư tưởng. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần đổi mới theo hướng gợi mở, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải những nội dung mới, sinh động, hấp dẫn, có tính định hướng cao cho bộ đôi.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “tổ 3 người”, “Hội đồng, tổ tư vấn tâm lý, tình cảm quân nhân” và các mô hình khác; phân công cán bộ, đảng viên tích cực cùng công tác, sinh hoạt để giúp đỡ quân nhân chậm tiến, có biểu hiện diễn biến tư tưởng phức tạp, cá biệt; kết hợp đơn vị với gia đình, địa phương để nắm, quản lý tư tưởng bộ đội.

Là một đơn vị có quân số đông, đóng quân phân tán nên công tác quản lý tư tưởng ở Vùng 4 gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2021, nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp CTTT gắn với quản lý kỷ luật, nhất là tập trung hướng về cơ sở nên các vụ VPKL của Vùng 4 giảm đến 75% so với năm trước.

Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 chia sẻ: Dù vẫn còn vụ việc đáng tiếc xảy ra nhưng sự chuyển biến tiến bộ năm vừa  qua của Vùng là kết quả từ nỗ lực của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị. Vùng  xác định còn tiềm ẩn nguy cơ VPKL nếu như không tiếp tục làm tốt CTTT gắn với quản lý kỷ luật, nhất là phải sâu sát cơ sở, nắm chắc tư tưởng ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, đơn vị đặc thù, nhóm đối tượng cá biệt. Thực hiện tốt CTTT trong quản lý bộ đội là cơ sở vững chắc để xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... 

Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn