Các cá nhân Đoàn tàu “Không số” được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND
1. Đồng chí Bông Văn Dĩa
Đồng chí Bông Văn Dĩa, sinh năm 1905, quê ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhập ngũ năm 1945, khi tuyên dương Anh hùng đồng chí là Đoàn phó Đoàn 962 vận tải biển, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, việc vận chuyển trên biển tăng lên nhiều lần, gặp rất nhiều khó khăn, thuyền nhỏ đi ngoài khơi gặp sóng to gió lớn dễ bị đắm, đi gần bờ thường gặp tàu chiến, máy bay phản lực, máy bay lên thẳng của địch tuần tiễu. Nhiều chuyến phải đi hơn nửa tháng liền, thiếu ăn, thiếu ngủ, Bông Văn Dĩa đã bình tĩnh, mưu trí tìm cách vượt tránh, nghi binh lừa địch, bảo đảm vận tải vũ khí cho bộ đội kịp thời. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, xuất phát lên đường vào Nam. Trước khi xuất phát, đích thân các nhà lãnh đạo Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đến bến cảng Đồ Sơn động viên cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Sau 5 ngày vượt biển Đông, ngày 16/10/1962, tàu đến cửa Bồ Đề và cặp bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Nam bằng đường biển và con đường vận tải chiến lược trên biển Đông chính thức ra đời.
Ngày 17 tháng 9 năm 1967, đồng chí Bông Văn Dĩa được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng.
2. Đồng chí Đặng Văn Thanh
Đồng chí Đặng Văn Thanh, sinh năm 1925, quê ở xã Thuận Diêm, Thuận Nam, Ninh Thuận, nhập ngũ năm 1947. Khi được tuyên dương anh hùng đồng chí là Thượng úy, chính trị viên tàu thuộc Đoàn 125 Hải quân.
Năm 1960 đồng chí được điều ra Bắc bổ sung về Đoàn 125 Hải quân.Từ đó cho đến tháng 1 năm 1967 đồng chí luôn luôn nêu cao vai trò xung phong, gương mẫu, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp chỉ huy đơn vị vận chuyển 12 chuyến vũ khí, lương thực vượt qua sự kiểm soát, bố phòng nghiêm ngặt của địch, vào chi viện cho chiến trường. Những lần gặp địch, Đặng Văn Thanh đều dũng cảm, mưu trí chỉ huy và động viên anh em bình tĩnh, khi thì nghi binh luồn tránh địch, khi thì chiến đấu rồi bất ngờ lừa địch vượt nhanh khỏi khu vực nguy hiểm, lần nào cũng đưa hàng tới đích an toàn.
Cùng với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 1-1-1967, đồng chí được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Đồng chí Hồ Đức Thắng
Đồng chí Hồ Đức Thắng, sinh năm 1922, quê ở xã Hiệp Thành, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; nhập ngũ tháng 12 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Thượng úy, chính trị viên tàu thuộc Đoàn 125 Hải quân, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tập kết ra Bắc, tháng 8 năm 1961, đồng chí Hồ Đức Thắng được bổ sung về Đoàn 125 Hải quân. Từ đó đến tháng 1 năm 1967, đồng chí là một trong những người trong Đoàn đi được nhiều chuyến nhất (12 chuyến), chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực vào chi viện cho chiến trường miền Nam, Hồ Đức Thắng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mọi hiểm nguy và mọi sự uy hiếp thường xuyên đến tính mạng do những đoàn tàu tuần tiễu, máy bay và bom đạn của địch ở những vùng chúng kiểm soát. Lần nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một lần năm 1963, do tình hình địch phong tỏa ngặt nghèo, thuyền của đồng chí Hồ Đức Thắng nhận nhiệm vụ đi chuyến đột phá đầu tiên đưa hàng vào bến mới, mặc dù thuyền gỗ, phương tiện, trang bị cũ, lại gặp sóng to, gió lớn tới cấp 7, cấp 8, thuyền 3 lần bị chết máy trên đường đi, trong khi đó phải che mắt địch, vượt qua nhiều chỗ chúng kiểm soát, Hồ Đức Thắng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí trong mọi tình huống, động viên anh em vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, tìm bằng được bến mới, đưa hàng đến đúng vị trí quy định một cách an toàn.
Ngày 1-1-1967, đồng chí Hồ Đức Thắng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
4. Đồng chí Nguyễn Phan Vinh (Liệt sĩ)
Đồng chí Nguyễn Phan Vinh, sinh năm 1933 tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhập ngũ tháng 7 năm 1954. Khi hy sinh đồng chí là Trung úy, Thuyền trưởng Tàu 235 thuộc Đoàn 125 Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1963, đồng chí Nguyễn Phan Vinh bắt đầu tham gia “Đoàn tàu Không số” vượt đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiệm vụ chuyên chở vũ khí quân dụng chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 2 năm 1968, đồng chí đã cùng đồng đội thực hiện thành công 10 chuyến đi. Chuyến thứ 11 đồng chí được cấp trên giao phó trách nhiệm làm Thuyền trưởng Tàu 235 cùng 19 đồng đội vận chuyển 14 tấn hàng chi viện cập bến Hòn Hèo. Ngày 27-2-1968, tàu 235 rời bến, sau 2 ngày đêm hành quân trên hải phận quốc tế, khoảng 18 giờ ngày 29-2-1968, tàu chuyển hướng vào vùng biển Nha Trang. Rạng sáng ngày 1-3-1968, phát hiện tàu bị lộ, Nguyễn Phan Vinh cho đồng đội thả hàng xuống và cho tàu rời khỏi vị trí thả hàng, di chuyển về phía Nam, các chiến sĩ chống trả quyết liệt sự tấn công của địch. Khi đến gần bờ khoảng 100m, nhận thấy máy tàu bị hỏng không thể di chuyển được nữa, đồng chí ra lệnh cho đồng đội rời khỏi tàu, riêng mình và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại để đấu nối kíp nổ và trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu rồi mới vào bờ. Nguyễn Phan Vinh đã cùng đồng đội chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và hi sinh anh dũng ở tuổi 35.
Ngày 25-8-1970, liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Đồng chí Nguyễn Văn Hiệu (Liệt sĩ)
Đồng chí Nguyễn Văn Hiệu, sinh năm 1932 tại xã Thăng Phương (nay là xã Bình Hải), huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nhập ngũ năm 1951, xuất ngũ năm 1959, tái ngũ năm 1962. khi hy sinh đồng chí là Thiếu úy, Chính trị viên Tàu 54 thuộc Đoàn 125 Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chuyến đi vào Khu 9, từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 24 tháng 4 năm 1972, sau khi vượt qua được cơn bão lớn thì tàu ta gặp địch. Bọn chúng bao vây tấn công và bắt tàu ta đầu hàng. Đồng chí Nguyễn Văn Hiệu đã chỉ huy đồng đội đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch. Khi hết đạn, đồng chí để anh em rời tàu bơi vào bờ an toàn, còn mình ở lại tiếp tục chiến đấu và phá hủy tàu, hàng, không để lọt vào tay địch. Đồng chí Nguyễn Văn Hiệu đã anh dũng hy sinh ngày 24 tháng 4 năm 1972 sau khi đã làm tròn nhiệm vụ được giao.
Với những chiến công xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Hiệu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng Nhất, Nhì, Ba. Đặc biệt, ngày 6-11-1978, Đồng chí Nguyễn Văn Hiệu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
6. Đồng chí Nguyễn Văn Cứng
Đồng chí Nguyễn Văn Cứng, sinh năm 1927, quê ở xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhập ngũ năm 1946. Là thuyền trưởng Tàu 42 thuộc Đoàn tàu Không số (Lữ đoàn 125). Đồng chí là một người thông minh, gan dạ đã chỉ huy Tàu 42 vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển thành công nhiều chuyến. Đặc biệt ở chuyến vận chuyển 4 quả thủy lôi KB do Liên Xô chế tạo, mỗi quả nặng hơn 1 tấn, giúp Đoàn 10 đặc công "Rừng Sác" của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh đắm chiến hạm Baton Victory Rouge của Hải quân Hoa Kỳ trên sông Lòng Tàu, làm tắc nghẽn thủy lộ vào cảng Sài Gòn trong suốt tháng 8 năm 1966. Đồng chí cùng đồng đội đã lập nên nhiều chiến công khác. Ngày 23-5-2005 đồng chí Nguyễn Văn Cứng được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
7. Nguyễn Chánh Tâm (Liệt sĩ)
Đồng chí Nguyễn Chánh Tâm, sinh năm 1935, quê ở xã Long Tuyền (nay là phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Năm 1954 ông tập kết ra Bắc.
Thực hiện quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Chỉ huy Đoàn 125 (Đoàn tàu Không số) cử bốn tàu đi làm nhiệm vụ đặc biệt gồm: Tàu 43, Tàu 56, Tàu 165 và Tàu 235.
Tàu 165 do Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương làm chính trị viên, thủy thủ của tàu gồm 18 chiến sĩ có nhiệm vụ vận chuyển hơn 64 tấn vũ khí vào bến Cà Mau chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ.
Tàu xuất phát ngày 25-2-1968. Đêm 29-2-1968 tàu vào Vàm Lũng (huyện Năm Căn, Cà Mau) bị địch phát hiện. Cán bộ, chiến sĩ Tàu 165 đã chiến đấu anh dũng trong vòng vây của tàu chiến và máy bay địch. Cuộc chiến đấu không cân sức, khi nhận thấy Tàu 165 không còn khả năng an toàn, để đảm bảo bí mật cho con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông, ông đã cho hủy tàu theo kế hoạch. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và yên nghỉ trên vùng biển Cà Mau.
Ngày 23 tháng 5 năm 2005, liệt sỹ Nguyễn Chánh Tâm được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
8. Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng
Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng sinh năm 1939, quê ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tháng 6 năm 1963, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.
Đầu xuân 1968, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng nhận nhiệm vụ đưa tàu tiến vào bến Sa Kỳ - Quảng Ngãi. Khi tàu của đồng chí vào gần bến thì bị địch phát hiện, chúng cho các tàu lớn nhỏ và máy bay bao vây, chiếu đèn pha và bắn phá. Đồng chí bình tĩnh chỉ huy chiến đấu, bắn bị thương 1 tàu địch.
Vì địch quá đông và thấy tình hình khó khăn, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh cho anh em rời khỏi tàu, một mình ở lại chiến đấu và phá hủy vũ khí để không lọt vào tay địch. Lòng quả cảm và trí thông minh đã giúp cho đồng chí và đồng đội vượt qua mọi thử thách trở về với đơn vị tiếp tục những cuộc hành trình trên biển.
Ngày 20-9-2011, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
9. Đồng chí Huỳnh Văn Sao
Đồng chí Huỳnh Văn Sao, sinh năm 1912, quê ở thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Khi có chủ trương mở tuyến vận tải vũ khí cho miền Nam, đồng chí Huỳnh Văn Sao được Ban Thống nhất Trung ương chọn đưa về quân đội (Đoàn 759) làm máy trưởng, phục vụ các con tàu không số.
Tại chuyến đầu tiên mở đường cho Đoàn tàu Không số, bí danh số 41, tên mật danh “Phương Đông 1”, khởi hành 11-10-1962. Đồng chí Lê Văn Một là thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa là chính trị viên và 10 thành viên, trong đó đồng chí Sao là máy trưởng. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, phải chống chọi với sự khốc liệt của biển cả, sự canh phòng gắt gao của kẻ thù. Do máy tàu là loại tận dụng, không chịu được điều kiện hoạt động trong hành trình dài, nên đã thường xuyên bị hỏng hóc dọc đường.
Bằng kinh nghiệm dày dặn trong nghề máy, đồng chí đã không quản ngại ngày, đêm chăm sóc cho “sức khỏe” con tàu. Để sử lý sự cố kỹ thuật, hay lúc tàu mắc cạn kịp với hành trình, đồng chí đã nhiều đêm thức trắng khắc phục cho kỳ được. Bằng quyết tâm cao độ, con tàu “Phương Đông 1” đã liên tục hành trình kịp đưa vũ khí vào Cà Mau - nơi mà lực lượng vũ trang và nhân dân đang ngày đêm mong đợi.
Huỳnh Văn Sao đã đi được 10 chuyến có 2 chuyến mở đường quan trọng. Đồng chí luôn tỏ rõ lập trường kiên định vững vàng, đạo đức trong sáng. Trong chuyên môn thì cẩn trọng, kiên trì, luôn nhận định đúng, xử lý tốt mọi tình huống. Các con tàu do đồng chí làm máy trưởng, đều thông suốt cuộc hành trình xuyên biển; chiến đấu bình tĩnh, tự tin, không sợ hy sinh; tình huống nguy hiểm, đồng chí đã xin ở lại để sẵn sàng cảm tử cùng tàu.
Ngày 20 tháng 9 năm 2011 đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
10. Đồng chí Đinh Đạt (Liệt sĩ)
Đồng chí Đinh Đạt, sinh năm 1930, quê ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; Năm 1954 đồng chí tập kết ra miền Bắc, được chọn đi đào tạo sĩ quan Hải quân. Ra trường về công tác ở Phân đội tàu phóng lôi Hải quân. Cuối năm 1962 về Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) làm thuyền trưởng. Năm 1966 về Quân khu 5 chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Khu 5 năm 1967. Đồng chí tham gia Đoàn tàu Không số và đi được 11 chuyến vận chuyển vũ khí vào 3 bến Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau; chở được 562 tấn vũ khí và 18 cán bộ Trung ương vào chiến trường an toàn. Đồng chí đã đi tiên phong mở vào 2 bến mới, khó khăn, phức tạp, nguy hiểm; xung phong lái con tàu sắt đầu tiên chở vũ khí vào Nam (theo nhận định của Trung ương là rất khó che mắt địch), tạo ra phong trào dùng tàu sắt thay tàu gỗ, mang lại hiệu quả to lớn.
Ngày 20 tháng 9 năm 2011 đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
11. Đồng chí Dương Văn Lộc (Liệt sĩ)
Đồng chí Dương Văn Lộc, sinh năm 1915; quê ở xã Tam Quan, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là: xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Đồng chí Dương Văn Lộc tập kết ra miền Bắc Năm 1954, công tác ở Nông trường Sông Lô, Tuyên Quang. Năm 1960, về Đoàn đánh cá Hạ Long, Hải Phòng. Năm 1962, được tuyển chọn về Đoàn 759 để tham gia làm thủy thủ vận tải chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển. Năm 1964, được bổ nhiệm làm thuyền phó. Năm 1966 đồng chí hi sinh tại vùng biển Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Từ 1962 - 1966, đồng chí đã tham gia được 10 chuyến vận chuyển vũ khí. Đồng chí luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh xả thân vì nhiệm vụ. Trong cuộc sống công tác, luôn giữ vai trò là người anh cả, coi đồng đội như anh em ruột thịt, như người cha đối với con mình. Tấm gương hy sinh của đồng chí Dương Văn Lộc đã để lại trong lòng cán bộ, thủy thủ tàu không số sự khâm phục, lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Lớp cán bộ tiếp nối của Đoàn tàu Không số noi gương đồng chí và đã lập lên nhiều chiến công mới. Ngày 20 tháng 9 năm 2011 đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
12. Đồng chí Lê Văn Một (Liệt sĩ)
Đồng chí Lê Văn Một, sinh năm 1921, quê ở xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tham gia cách mạng: Tháng 10-1945; vào Đảng: 4-2-1948.
Năm 1962 đồng chí được chọn về Đoàn tàu Không số làm thuyền trưởng, thực hiện chuyến đi đầu tiên để mở đường cho Đoàn tàu Không số và cũng là chuyến thử nghiệm vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển theo Nghị quyết 15 (1959) của Trung ương Đảng.
Trên cương vị là thuyền trưởng, đồng chí đã đi và chỉ huy 3 chuyến vận tải trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 3 chuyến chở vũ khí vào Nam thì 2 chuyến làm nhiệm vụ đặc biệt là mở đường cho Đoàn tàu Không số, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc thử nghiệm vận tải vũ khí bằng đường biển cho chiến trường miền Nam theo Nghị quyết của Trung ương Đảng.
Lê Văn Một là thuyền trưởng tàu không số đầu tiên trên Biển Đông mở 2 chuyến đầu thắng lợi, là người chỉ huy quyết đoán, mưu trí, dũng cảm, táo bạo, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đặc biệt được giao, góp phần làm cơ sở để Đảng ta xác định quyết tâm lớn, sáng tạo mở đường vận tải chiến lược trên Biển Đông. Ngày 20 tháng 9 năm 2011 đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
13. Đồng chí Đỗ Văn Sạn
Đồng chí Đỗ Văn Sạn, sinh năm 1936; quê quán: Xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1960 đồng chí Đỗ Văn Sạn được cử đi học lớp Chính trị viên tại Trường Sỹ quan Lục quân 1. Năm 1964, ra trường được điều động về Đoàn 125 Hải quân công tác làm Chính trị viên tàu. Đồng chí Sạn đã tham gia 6 chuyến chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Thành tích đặc biệt là chuyến đi chở vũ khí vào Khu 5 của Tàu 56, đồng chí Đỗ Văn Sạn làm chính trị viên và đồng chí Nguyễn Văn Ba làm thuyền trưởng và 15 thành viên khác. Tàu chở 37 tấn vũ khí, xuất phát ngày 26-2-1968 tại Hải Phòng.
Trong suốt quá trình hành quân, tàu thường xuyên gặp máy bay địch khiêu khích. Đến khi tàu chuyển hướng vào bến Bình Định thì gặp máy bay và cùng một lúc nhiều tàu địch bám sát, có lúc lên đến 11 tàu. Bỗng hàng loạt đèn pha của 3 tàu địch rọi thẳng vào tàu ta. Trong tình huống bị bao vây, đồng chí Sạn đã cùng với thuyền trưởng xử lý linh hoạt các tình huống, đồng thời vẫn tiếp tục thẳng tiến. Trước nguy cơ bị lộ, đồng chí Sạn liên tục động viên mọi người bình tĩnh, các vị trí kiên cường bám trụ sẵn sàng chiến đấu.
Trong giờ phút giữa cái sống và cái chết, thay mặt chi bộ, đồng chí Sạn kêu gọi và quyết định “tất cả hãy kết thành một khối thuốc nổ, cho tàu lao thẳng hướng vào tàu địch”. Nhận được quyết định, thuyền trưởng ra lệnh tàu tăng tốc độ, thẳng hướng vào tàu địch. Trước sự anh dũng không sợ hy sinh của tàu ta, tàu địch bất ngờ tăng tốc né tránh và bỏ chạy, tàu của ta đã vượt ra khỏi vòng kiểm soát của địch và quay trở về đơn vị an toàn.
Ngày 10 tháng 10 năm 2011 đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
14. Đồng chí Hồ Đắc Thạnh
Đồng chí Hồ Đắc Thạnh, sinh năm 1934; quê ở Phường 3, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; trú quán: 99/2 Chu Văn An, phường 5, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Hồ Đắc Thạnh tập kết ra Bắc năm 1955, biên chế về Sư đoàn 324. Năm 1958, được tuyển chọn vào Trường 45, Cục Phòng thủ bờ bể (Hải quân). Năm 1962 về Đoàn 759 Đoàn tàu Không số, đồng chí Thạnh làm thuyền trưởng của nhiều tàu, đi được 12 chuyến, vào nhiều bến, tham gia vận chuyển gần 800 tấn hàng, đưa đón 18 lượt cán bộ tăng cường cho chiến trường miền Nam an toàn. Ngoài ra còn 10 lần chỉ huy tàu vận tải gián tiếp chi viện chiến trường miền Nam qua cửa sông Gianh và Cửa Hội.
Con tàu mang bí số 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ngoài việc chở vũ khí để cung cấp vũ khí cho chiến trường Khu 5 và có sứ mệnh mở bến cho Đoàn tàu Không số vào bến Vũng Rô-Phú Yên. Ngày 16-11-1964, tàu xuất phát tại cảng Bãi Cháy, Quảng Ninh. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển phải đối phó với nhiều lượt máy bay, tàu chiến của địch. Nhiều lúc, máy bay quần lượn trên đầu, có lần 2 tàu địch bám sát 2 bên mạn tàu ta chỉ cần sơ sểnh là sẽ bị lộ, tàu sẽ hy sinh và chuyến đi thất bại. Dưới sự chỉ huy bình tĩnh, sáng suốt, mưu trí, táo bạo của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, con tàu đã được ngụy trang khéo léo, đã vượt qua tầm kiểm soát của địch về đến bến an toàn.
Kết quả đạt được của chuyến tàu, đã đánh dấu cho một nhánh đường mới trong hệ thống con đường vận tải vũ khí trên biển. Một bến mới bí mật ra đời, một lượng vũ khí lớn được cung cấp cho chiến trường khu 5 trong những ngày nóng bỏng, khát súng nhất. Vượt lên trên tất cả là niềm tin cho những chuyến tàu tiếp theo đi, về các bến an toàn. Thắng lợi của chuyến hàng mở bến, là sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sỹ tàu 41; của lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia bốc dỡ trên bến. Trong đó, những quyết định sáng suốt và táo bạo trong những thời khắc đặc biệt của Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng đã làm nên thắng lợi trọn vẹn.
Ngày 10 tháng 10 năm 2011 đồng chí được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
15. Đồng chí Hoàng Thanh Loan (Liệt sĩ)
Đồng chí Hoàng Thanh Loan, sinh năm 1942, tại thôn Minh Châu, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành Phố Hải Phòng; nhập ngũ năm 1961, giữ chức vụ Trung đội phó Tàu C69B, Tiểu đoàn 2, Đoàn 125, Quân chủng Hải quân. Đồng chí Hoàng Thanh Loan cùng đồng đội đã vận chuyển nhiều chuyến hàng thành công, chi viện đắc lực về người và vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Trong một chuyến sau khi bàn giao vũ khí, đạn dược tại Ngọc Hiển, Cà Mau, Tàu C69B bị địch nghi ngờ, phong tỏa gắt gao. Ngày 8 tháng 2 năm 1967, Hoàng Thanh Loan cùng với đồng đội đã chiến đấu kiên cường với địch, dụ địch ra khỏi hướng Tàu C69B. Trong trận chiến đấu đó, Hoàng Thanh Loan bị địch bắt và tra tấn dã man với nhiều cực hình, thủ đoạn thâm độc.Với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù, Đồng chí Hoàng Thanh Loan đã bị kẻ thù giết hại, đồng chí được đồng đội đưa về an nghỉ tại huyện Duyên Hải, tỉnh Cà Mau.
Đồng chí Hoàng Thanh Loan là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ an toàn lực lượng, an toàn cho Tàu C69B và bí mật con đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự hy sinh của Đồng chí Hoàng Thanh Loan đã khẳng định ý chí và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu và của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngày 9 tháng 10 năm 2014 đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
16. Đồng chí Nguyễn Văn Đức
Đồng chí Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1941; quê ở xã Phú Khánh, huyện Thạch Phú, tỉnh Bến Tre. Trong phong trào Đồng khởi (1960), đồng chí là Bí thư Đoàn TNCS tại địa phương, tích cực vận động thanh niên Bến Tre và nhân dân trong vùng hậu cứ địch đấu tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai. Khi lực lượng du kích thiếu súng, Nguyễn Văn Đức tình nguyện làm thủy thủ trên tàu Phương Đông 4 xuất phát ngày 1-6-1961 tại Bến Tre vượt Biển Đông ra Bắc thành công để xin vũ khí.
Thắng lợi này đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết tâm chủ trương mở con đường chiến lược trên biển bí mật đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam. Từ 1962 đến 1974, ở nhiều cương vị khác nhau (thủy thủ, thuyền phó, thuyền trưởng) của Đoàn 125, đồng chí đi được 14 chuyến thắng lợi và tham gia các chiến dịch lớn như: Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968; Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 25 tháng 4 năm 2015 đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
17. Đồng chí Phan Nhạn
Đồng chí Phan Nhạn, sinh năm 1933; quê ở Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Trú quán: phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1950, Phan Nhạn tham gia du kích đánh Pháp tại địa phương. Năm 1954, đồng chí là cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Năm 1962, đồng chí được lựa chọn vào Đoàn tàu Không số, làm máy trưởng. Đồng chí đã tham gia 15 chuyến.
Trong chuyến đi của Tàu 41 xuất phát tháng 11-1966 chở vũ khí từ Hải Phòng vào Bến Ngang, Đức Phổ, Quảng Ngãi, đêm ngày 23-11-1966, Tàu 41 cập bến trả hàng, khi thả được 2/3 số hàng thì gặp tàu địch đi tuần và bị phát hiện. Tàu có lệnh phải hủy để bảo toàn lực lượng và số hàng đã thả. Phan Nhạn đã xung phong ở lại cùng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh châm ngòi nổ bộc phá bảo đảm cho tuyến đường không bị lộ.
Ngày 25 tháng 4 năm 2015 đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
18. Đồng chí Nguyễn Sơn
Đồng chí Nguyễn Sơn, sinh năm 1940; quê ở Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 19 tuổi, đồng chí tham gia vào tổ chức thanh niên xã để xây dựng phong trào và vận động nhân dân chống Mỹ.
Năm 1961, đồng chí nhận nhiệm vụ vượt biển ra miền Bắc đưa vũ khí vào miền Nam, sau đó được biên chế về Đoàn 759 Đoàn tàu Không số. Đồng chí là một trong những người đi nhiều nhất với 23 chuyến, trong đó có những nhiệm vụ đặc biệt như: đưa đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy Khu 9 từ căn cứ A2 (Hậu Thủy, đảo Hải Nam, Trung Quốc) về Cà Mau, đưa đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Tư lệnh Quân khu 9 từ Cà Mau về miền Bắc an toàn.
Trong chuyến đi khởi hành ngày 26-9-1963 của Tàu 41 đưa vũ khí vào bến Lộc An (Bà Rịa-Vũng Tàu), đồng chí giữ cương vị là thuyền trưởng. Ngày 1-10-1963, khi chuẩn bị cập bến để bốc hàng thì địch tổ chức trận càn khu vực bến Lộc An. Chỉ huy bến yêu cầu thuyền trưởng phải di tản lực lượng vào bờ và hủy tàu. Bằng kinh nghiệm, Nguyễn Sơn nhận định là tàu ta chưa bị lộ, xin chỉ huy bến được "tùy cơ ứng biến" và đã được đồng ý. Đồng chí đã khéo léo chỉ huy ngụy trang giả dạng tàu đánh cá mắc cạn. Chờ nước lên, Tàu 41 nhổ neo vào bến bốc hàng an toàn. Sau đó, đồng chí tiếp tục tham gia các chuyến vận tải khác. Sau 1975, đồng chí về công tác tại Trung đoàn 962, Quân khu 9. Năm 1983, Nguyễn Sơn chuyển ngành làm Giám đốc Đoàn tàu Quốc doanh Đồng Nai đến năm 1992 thì nghỉ hưu và tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Ngày 25 tháng 4 năm 2015 đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
19. Đồng chí Phan Hải Hồ
Sinh năm 1941; quê ở xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Nhập ngũ tháng 4-1962. Huấn luyện và chiến đấu tại Đoàn 125 Hải quân. Là chiến sĩ báo vụ làm nhiệm vụ trên các con tàu không số, đồng chí đã tham gia 3 chuyến chở vũ khí chi viện chiến trường miền Nam.
Chuyến đi thứ 3 của đồng chí Phan Hải Hồ trên Tàu 69, xuất phát ngày 15-4-1966 tại cảng K15 Đồ Sơn, Hải Phòng chở 61 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau giao cho Đoàn 962 (Quân khu 9). Tàu 69 đã cập bến và giao hàng xong ngày 29-4-1966 nhưng do bị hỏng chân vịt nên phải ở lại hơn 8 tháng để sửa chữa. Đến 17 giờ ngày 1-1-1967 tàu xuất phát ra Bắc thì gặp địch buộc phải chiến đấu.
Cuộc chiến đấu không cân sức ấy diễn ra ác liệt khiến Tàu 69 bị hư hỏng nặng, 1 thủy thủ của ta hy sinh, 4 thủy thủ khác bị thương trong đó Phan Hải Hồ bị gẫy lìa ống chân phải. Đồng chí đã đề nghị đồng đội chặt chân bị thương để chiến đấu hiệu quả hơn. Hành động đó đã khích lệ mọi người bình tĩnh, quyết tử với kẻ thù buộc địch phải rút lui. Tàu 69 về tới bến an toàn, con đường vận chuyển vũ khí cho cách mạng miền Nam được giữ bí mật tuyệt đối.
Ngày 10 tháng 8 năm 2015 đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tài liệu nghiên cứu
-Theo Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên Biển (1961-2011) Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
- Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thuộc Quân chủng Hải quân (1955-2005) Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Đức Tuấn (Tổng hợp)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )