Ca nô không người lái MANTAS T-12

HQVN -

Ca nô không người lái (USV-Unmaned Surface Vehicle) MANTAS T-12 là một sản phẩm do Công ty Australia MARTAC (Maritime Tactical Systems-Hệ thống hàng hải chiến thuật) phối hợp với chi nhánh Mỹ của mình nghiên cứu phát triển.

MANTAS T-12 là sản phẩm thuộc chương trình nghiên cứu, phát triển có tên MANTAS của MARTAC. Chương trình này có mục đích phát triển một loạt ca nô không người lái loại nhỏ, kích thước hạn chế, có khả năng mang theo nhiều loại tải khác nhau, trước mắt chưa mang thuốc nổ. Đây là một loại phương tiện mặt nước (có thể là bán ngầm) có những tính năng tiên tiến, cơ động cao, mang theo nhiều loại thiết bị khác nhau tùy thuộc và nhiệm vụ được giao.

Ca nô MANTAS T-12 và Bộ điều khiển 

Ca nô T-12 là một phương tiện hai thân có cầu nối (hai thân) nằm thấp. Vì vậy, tuy thể tích tương đối nhỏ nhưng không vì vậy mà thiếu không gian để bố trí các cụm cơ cấu cần thiết. Điểm đặc biệt của T-12 là nó có boong trên phẳng, rất rộng nhưng không thấy bố trí thiết bị cột tức là nếu không bố trí thêm một loại thiết bị gì đó trên boong thì hầu như nó chỉ nổi rất ít trên mặt nước (bán ngầm). Về kích thước, T-12 có chiều dài khoảng 3,6m; chiều rộng 0,915m và chiều cao tổng thể 0,36m; khối lượng toàn bộ 95kg. Kích thước như vậy rất dễ dàng vận chuyển đồng thời do khá nhẹ nên T-12 cũng không yêu cầu động cơ có công suất lớn để di chuyển cũng như cung cấp cho các thiết bị lắp trên đó.

T-12 sử dụng động cơ điện và một ắc quy cỡ lớn, có thể có 2 chân vịt, hệ động lực-hệ đẩy này cho ra tốc độ hành trình 20M/h, nếu không nạp điện thêm cho ắc quy thì ở tốc độ hành trình ca nô đi được đến 120M. Bề mặt bên ngoài ca nô có thể lắp pin mặt trời để tự sạc ắc quy khi hành trình, hệ động lực có thể thay bằng loại lai xăng-điện.

Các ca nô MANTAS T-12 phối hợp hoạt động trong một cuộc diễn tập

Hệ thống điều khiển ca nô (quan sát kỹ thuật) về cơ bản gồm có một tổ hợp quang-điện, hệ thống này còn có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên mặt nước. Hệ thống điều khiển trên tàu làm nhiệm vụ tiếp nhận và thực thi mệnh lệnh từ người vận hành nhưng hệ thống điều khiển này cũng có thể tự giải quyết những nhiệm vụ không phức tạp khi hành trình. Hệ thống điều khiển này cũng có khả năng cho phép tích hợp nhiều hệ thống khác nhau tùy theo nhiệm vụ. Hệ thống điều khiển ca nô liên lạc với người vận hành thông qua kênh liên lạc vô tuyến 4G/LTE.

Phục vụ cho nhiệm vụ trinh sát dưới nước và phát hiện mục tiêu ngầm, trên ca nô có thể lắp đặt tổ hợp sonar quan sát Teledyne Reson T20-P hoặc Teledyne BlueView M900. Hệ thống quang-điện cơ bản của T-12 có thể bổ khuyết (tương tác, hỗ trợ lẫn nhau) cho nhiều loại phương tiện bay không người lái (UAV) khác nhau, kể cả loại siêu nhỏ như Black Hornet Nano, để phục vụ cho nhiệm vụ quan sát trên mặt nước. Đây cũng là nhiệm vụ chính của T-12; tuy nhiên, Dự án MANTAS cũng có những sản phẩm có thể bổ sung đầu đạn (thuốc nổ) để biến chúng thành USV tự sát.

Ca nô MANTAS T-12 hiện được đánh giá cao qua các cuộc diễn tập của Mỹ và một số nước (Hình 2), đã được sử dụng để làm cơ sở để tiếp tục phát triển các sản phẩm USV khác nhau. Các cụm cơ cấu, chi tiết sử dụng cho T-12 có thể đã được sử dụng trên các USV tự sát mà Ucraina sử dụng để đánh phá một số mục tiêu mặt nước của Nga thời gian vừa qua.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn