Đọc tập thơ, tôi "đắm" mình vào cuộc hành quân của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) với những chất liệu chỉ có ở người lính biển trong bài thơ "Khúc quân hành kỷ niệm!" (tác giả trân quý tặng cán bộ, chiến sĩ đơn vị). Nào là "Mấy hôm rồi hành trình hoài không nghỉ/ Biển động nhiều, tàu chao đảo-lắc lư", "Thả neo rồi buông câu, quên vất vả/ Tối cùng vui nồi cháo cá quây quần", "Từng tàu, từng tàu, biên đội nối đuôi nhau/ Sóng lớn phủ mặt boong trắng xóa/ Mắt pháo thủ chăm chăm nhìn biển cả/ Pháo rê nòng thẳng hướng tới mục tiêu"… Hay như bài "Điểm tựa", tác giả dành để viết về người vợ rất đáng trân trọng của những người lính biển bằng hình ảnh "Mình em tần tảo/ Hôm mai một mình/ Xa nhau/ Sâu nghĩa, nặng tình/ Mẹ già, con nhỏ/ Riêng mình em lo"…
Mỗi bài thơ trong "Bức họa Trường Sa" hàm chứa các cung bậc cảm xúc khác nhau của tác giả nhưng tất thảy đều có điểm chung, ấy là sự khát khao hòa bình, cống hiến và trách nhiệm đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đó còn là tình đồng đội, tình yêu biển, đảo, tình yêu quê hương đất nước của người lính biển; là tâm tư, tình cảm đặc biệt mà những người ngày đêm canh giữ biển trời dành cho hậu phương của mình.
Hình ảnh những chú chim hải âu tung cánh ngay sát boong tàu, giữa muôn trùng xanh biển bao la (bìa sau tập thơ) có lẽ là chủ ý để khiến bạn đọc cảm giác "thèm" hơn những giục giã về Trường Sa: Thèm một lần được ra khơi để "Kéo co cùng biển cả", để hiểu "Cảm xúc nơi đảo nhỏ An Bang", để thấu "Trường Sa ngày mới"… của chính mình!