Bộ Tham mưu Hải quân chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị

HQVN -

Qua 5 năm (2013-2018) thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, công tác giáo dục chính trị ở các đơn vị thuộc Bộ Tham mưu (BTM) Hải quân đã từng bước đi vào nền nếp; thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình giáo dục cho các đối tượng; triển khai, cụ thể hoá và thực hiện nghiêm quy chế giáo dục, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Đại tá Lê Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy BTM, Phó Tham mưu trưởng Hải quân cho biết: Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp của BTM đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quán triệt, tổ chức thực hiện Đề án; bám sát nhiệm vụ, đối tượng, từng loại hình đơn vị; tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo làm chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục chính trị tại đơn vị.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Đảng ủy, chỉ huy BTM đã chỉ đạo các đơn vị đổi mới nội dung, ch­ương trình, biên soạn tài liệu giáo dục chính trị cho các đối tượng tại đơn vị. Theo đó, hằng năm, BTM biên soạn từ 3 đến 5 chuyên đề giáo dục cho các đối tượng thuộc quyền. Cấp trung, lữ đoàn và tương đương biên soạn 2 đến 3 chuyên đề giáo dục trong đơn vị. Các đơn vị quán triệt, vận dụng nội dung của Đề án và hướng dẫn của Cục Chính trị Hải quân sát với tình hình thực tiễn của đơn vị. Cơ quan chính trị các đơn vị biên soạn nội dung giáo dục truyền thống đơn vị cho đối tượng là hạ sĩ quan-chiến sĩ dưới dạng “hỏi-đáp” để bộ đội dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ.

Đọc báo trên thao trường huấn luyện Lữ đoàn Thông tin 602, Bộ Tham mưu Hải quân. Ảnh: Phạm Toàn

Theo Đại tá Đinh Xuân Bảy, Chính ủy Lữ đoàn 602, BTM, việc đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Vì vậy, đơn vị tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Đề án.

Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị của Lữ đoàn đã quán triệt và chấp hành nghiêm quy chế giáo dục chính trị, tích cực, sáng tạo trong vận dụng các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của đơn vị, phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của từng đối tượng. Để công tác giáo dục chính trị đạt hiệu quả, thiết thực đối với đối tượng là hạ sĩ quan-chiến sĩ, Lữ đoàn 602 đã áp dụng phương pháp giáo dục kết hợp với đàm thoại trong quá trình giảng bài. Cán bộ giảng dạy nêu câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm; phân tích tự luận để người học tranh luận, sau đó kết luận vấn đề thành nội dung học tập. Quá trình giáo dục kết hợp ghi chép và gợi ý thảo luận ở tổ học tập đã mang lại hiệu quả và chất lượng tốt trong giáo dục chính trị ở Lữ đoàn 602 trong thời gian qua.

Trung tá Lê Sơn Long, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị BTM nhận xét: Trước đây, công tác giáo dục chính trị tại các đơn vị của BTM thường áp dụng hình thức, phư­ơng pháp giáo dục tập trung và phần lớn là đọc, chép thông thường. Nhưng khi triển khai và thực hiện Đề án, các đơn vị đã bám sát phương châm đổi mới là giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Quá trình tổ chức học tập, các đơn vị chú trọng tổ chức thảo luận, trao đổi, toạ đàm làm cho nội dung học tập phong phú và tạo được tâm lý thoải mái cho người học.

Không chỉ vậy, các đơn vị trong BTM còn gắn giáo dục cơ bản với giáo dục thư­ờng xuyên, giáo dục bổ trợ, xem băng hình, tham quan bảo tàng, nhà truyền thống và hoạt động của phòng Hồ Chí Minh. Các nội dung học tập theo quy định được gắn với nội dung tự nghiên cứu học tập của từng cán bộ, đảng viên. Các nội dung giáo dục của đơn vị được kết hợp với giáo dục của các tổ chức quần chúng đồng thời lồng ghép việc học tập chính trị với tổ chức thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động giao lưu, kết nghĩa...

Tại Trung tâm 47, BTM, khi thực hiện Đề án này, đơn vị đã kết hợp đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy chính trị gắn với đổi mới phương pháp học tập; đưa máy trình chiếu vào phục vụ giảng bài chính trị tại đơn vị cho các đối tượng. Đến nay 100% các bài giảng được trình chiếu Powerpoint. Đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị của Trung tâm 47 đã vận dụng linh hoạt hình thức diễn giảng bằng lời theo bài giảng, kết hợp sử dụng các dẫn chứng, minh họa, kinh nghiệm rút ra thực tiễn... để định hướng cho người học.

Để đánh giá thực chất việc học tập của bộ đội, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị sử dụng phương pháp kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết và từng bước vận dụng kiểm tra trắc nghiệm. Về nội dung kiểm tra, các đơn vị tập trung vào vận dụng lý luận, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao... coi trọng liên hệ trách nhiệm, đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đối với đối tượng hưởng lương thực hiện kiểm tra hàng năm bằng hình thức viết thu hoạch. Người học tự xác định chủ đề hoặc viết theo các chủ đề được đơn vị quy định, phù hợp với từng đối tượng. Kết quả kiểm tra đánh giá nhận thức chính trị của bộ đội được các đơn vị đưa vào tiêu chí bình xét phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua-khen thưởng hàng năm.

Cũng theo Đại tá Lê Xuân Thủy, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án của một số đơn vị BTM còn một số hạn chế, đó là vẫn còn tình trạng giải quyết cho xong nội dung, chương trình cơ bản theo quy định. Việc thực hiện quy trình giảng dạy chính trị còn hạn chế, nhất là việc phê duyệt, thông qua giáo án. Chất lượng một số giáo án, tổ chức một số bài giảng chưa thực sự thuyết phục, còn biểu hiện ghi chép lại tài liệu, giảng bài mang tính đọc là chính.

BTM cũng xác định phải tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị như kết hợp chặt chẽ phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, tích cực triển khai, quản lý, khai thác, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Duy trì nền nếp chế độ tập huấn, bồi dưỡng, hội thi, hội giảng gắn với phong trào tự học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức toàn diện, năng lực tổ chức, trình độ và kỹ năng sư phạm của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị.

 Duy Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn