Bảo vệ nguồn lợi biển để đảm bảo sinh kế bền vững

Nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây đặt ra yêu cầu bức thiết phải bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Việc bảo tồn nguồn lợi còn có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Một số loại cá ngày càng hiếm

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết, vùng biển Thuận An của tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản, trong đó nhiều nhất là cá nục bông và cá nục gai. Tuy nhiên, trữ lượng cá nục suy giảm rất nhanh. “Năm 2017, có 1.500 tấn cá nục bông được mua bán qua cảng Thuận An. Tuy nhiên, năm 2018 và 2019, rất hiếm khi thấy loại cá này. Đến năm nay, tôi không thấy có con cá nục bông nào” - ông Nhất nói.

Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang suy giảm khiến cho cuộc sống của những người làm nghề biển tại xã Đất Mũi gặp khó khăn. Ảnh: Bích Nguyên

Nói chuyện về nghề biển, ngư dân Trần Văn Hải, phường Thuận An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế than thở: “Giờ biển không có cá. Tôi có tàu hậu cần thu mua cá trên biển, trước đây, chỉ đi 1 tuần là gom được khoảng 30 tấn cá, nhưng giờ đi 2 tuần cũng chỉ thu gom được 5-10 tấn cá”.

Không chỉ vùng biển Thừa Thiên Huế, nhiều ngư dân vùng biển khác cũng đang đối mặt với tình trạng nguồn lợi thủy sản suy giảm, ảnh hưởng đến sinh kế. Tôi nhớ mãi hình ảnh các giàn phơi cá để làm khô cá của ngư dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ken dày khắp sân vườn, dọc lối đi. Trở lại lần này, chỉ còn lác đác vài hộ dân còn làm nghề này.

Chị Nguyễn Thị Diễm, xóm Rạch Tàu, xã Đất Mũi làm nghề biển nhiều năm nay đã phải thở dài khi chúng tôi hỏi chuyện làm ăn: “Các loại thủy sản đều ít đi. Ra biển thường là tổn thất nhiều hơn là được. Năm trước, cá dứa, cá đuối đều không có, mực cũng ít. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, ghe của tôi đánh bắt được khoảng 500kg cá tươi, nay sản lượng giảm xuống còn chưa đến một nửa. Cứ tình trạng này, không biết sắp tới chúng tôi sẽ kiếm sống bằng nghề gì nữa”.

Thực tế, nguồn lợi thủy sản ven bờ đang cạn kiệt rõ rệt. Một số loài thủy sản đặc hữu của địa phương này ngày càng ít về số lượng và kích cỡ. Ngư dân Phạm Văn Út, xã Đất Mũi cho biết: “Do khai thác nhiều, không có thời gian cho cá sinh sản nên sản lượng tôm cá ngày càng giảm. Mấy năm nay, các loại cá đặc sản như cá dứa, cá đường ngày một hiếm, nếu có bắt được thì cũng là những con rất nhỏ, không phải loại to hàng kg như trước đây”. Nhiều ngư dân ở Đất Mũi lo ngại rằng, nếu cứ khai thác tùy tiện, không có biện pháp bảo vệ, bảo tồn, chỉ vài năm nữa thôi sẽ không còn nhìn thấy loài cá đặc sản nữa.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, ngư dân Lê Văn Thiệt ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho rằng, chủ yếu nhất vẫn là ý thức của ngư dân. “Phương pháp khai thác của nhiều ngư dân ảnh hưởng rất xấu đến môi trường biển. Nhiều người khai thác theo kiểu “tận diệt”, dùng các loại lưới mùng, lưới 8 li thả xuống biển thì không con nào chạy thoát, kể cả loại cá nhỏ nhất. Con lớn, con bé đều bắt tất cả thì làm gì còn cá đâu mà sinh sản nữa” - ông Thiệt cho hay. Cũng theo ông Thiệt, ở một số nước có quy định rất chặt chẽ về khai thác hải sản, ví dụ như cua biển, nếu không đạt kích thước theo quy định thì ngư dân đánh bắt được đều phải thả xuống biển.

Xây dựng chương trình quốc gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, nguồn lợi thủy sản cả ở vùng biển và vùng nội thủy đang đứng trước nguy cơ suy giảm nhanh. Cùng với đó, hệ sinh thái thủy sinh cũng suy thoái nghiêm trọng. Môi trường sinh thái biển còn phải chịu những tác động nặng nề của vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa... Trong khi đó, công tác bảo tồn biển đang gặp nhiều khó khăn nên đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển.

Do không có điều kiện đầu tư tàu lớn, nhiều ngư dân chủ yếu hành nghề khai thác các loại cá nhỏ. Ảnh: Bích Nguyên

Kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu hải sản chỉ ra rằng, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000-2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,5%). Mặc dù vậy, sản lượng khai thác hải sản lại có xu hướng tăng.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nhanh chóng, tích cực triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực tế, các địa phương ven biển đã triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản như thả con giống tái tạo nguồn lợi, xây dựng các khu bảo tồn biển..., tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.

Để có giải pháp tổng thể, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng dự thảo “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình này khi được triển khai sẽ giúp bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển bền vững và giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật tại Việt Nam.

Dự thảo “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” đặt mục tiêu đến năm 2030, công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016-2020.Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển.10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên...

Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn cho rằng, hơn bao giờ hết, cần phải lan tỏa thông điệp “Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản” để huy động toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản, đảm bảo sinh kế lâu dài của ngư dân.

Văn Trí

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn