Bảo đảm đầy đủ, kịp thời công tác hậu cần trong Chiến thắng trận đầu

* Đại tá NGUYỄN DUY THIỀU, Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân

HQVN -

Đầu tháng 7/1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã ra nghị quyết lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chuyển sang thời chiến, bảo đảm SSCĐ cao nhất, không để bị địch đánh bất ngờ, quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu.

Quán triệt và triển khai nghị quyết của Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng, Đảng uỷ, chỉ huy Cục Hậu cần Hải quân xác định công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) lúc này là phải đầy đủ, kịp thời đáp ứng mọi nhu cầu cho các lực lượng chiến đấu thắng lợi.

Trước hết, công tác BĐHC tập trung cho các đơn vị tàu làm nhiệm vụ SSCĐ, tuần tiễu, đánh đuổi tàu địch khi chúng xâm phạm chủ quyền vùng biển miền Bắc. Bộ đội Hải quân chủ động quan hệ, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển, các đơn vị bạn trong khu vực tác chiến, tổ chức các lực lượng tìm kiếm, cứu vớt, vận chuyển, cứu chữa thương binh an toàn; sơ tán triệt để, cất giấu, phòng tránh, bảo toàn lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, duy trì khả năng bảo đảm liên tục, lâu dài cho Quân chủng. Các đơn vị chủ động tham gia giải quyết hậu quả sau chiến đấu, chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ tiếp theo.

Cùng với đó, Cục Hậu cần Hải quân đã khẩn trương xây dựng kế hoạch BĐHC cho tác chiến từ cấp Quân chủng đến các đơn vị. Chỉ trong một thời gian ngắn, các loại hàng hoá, vật chất hậu cần của Quân chủng đã được sơ tán ở trên 30 điểm dọc các địa phương ven biển. Ngành Hậu cần kịp thời tham mưu với Quân chủng thành lập hai cụm kho K125 ở khu vực Hải Phòng và K130 ở khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Lượng hàng hoá tiếp nhận phục vụ cho quân chủng chiến đấu tăng từ 3.000 tấn lên 6.000 tấn song đều được cất giữ, bảo quản chu đáo, an toàn.

 

Phân đội 4 Hải quân chiến đấu bảo vệ Căn cứ Khu tuần phòng 1, ngày 5/8/1964. Ảnh: Tư liệu

Ngoài phát huy hệ thống Quân y Hải quân, Cục Hậu cần còn chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ngành, các đơn vị quân đội, các bệnh viện của Bộ Quốc phòng, địa phương trong phạm vi hoạt động tác chiến của Hải quân để tổ chức cứu chữa thương binh trong chiến đấu. Cục thành lập cơ quan hậu cần đi với Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng tại sông Gianh. Công tác BĐHC được tổ chức theo phân cấp: Căn cứ hậu cần Quân chủng gồm các tổng kho 125 và 126; bệnh xá, đội vệ sinh phòng dịch, kho xăng dầu, đại đội vận tải có nhiệm vụ bảo đảm cho các lực lượng của Quân chủng. Các đơn vị khu vực Hải Phòng, cảng Vạn Hoa có nhiệm vụ BĐHC cho các tàu ở khu vực phía Bắc. Các khu tuần phòng bảo đảm hậu cần cho các lực lượng của khu và tham gia BĐHC cho các lực lượng của Quân chủng hoạt động trên vùng biển thuộc khu tuần phòng quản lý.

Tất cả các đơn vị đều triển khai bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội trong điều kiện dã ngoại thời chiến, tổ chức ăn theo bếp tàu, đài, trạm, trận địa pháo, bảo đảm tuyệt đối bí mật.

Nhờ có những giải pháp cụ thể, triển khai đồng bộ công tác BĐHC, nên khi trận chiến xảy ra, mặc dù các căn cứ Hải quân từ sông Gianh tới Đông Bắc đều bị oanh tạc, đánh phá, gây tổn thất cả người và vật chất nhưng Cục Hậu cần đã huy động ngay lượng sẵn có tại các đơn vị để bổ sung, tổ chức tìm kiếm, cứu vớt thương bệnh binh kịp thời; cùng các cơ quan liên quan giải quyết chính sách cho liệt sĩ chu đáo…

Mặc dù bị không quân Mỹ oanh tạc, bắn phá nhưng do làm tốt việc phòng tránh, ngụy trang, hệ thống kho tàng, cơ sở BĐHC cơ bản vẫn bảo toàn lực lượng, duy trì hoạt động bảo đảm liên tục trước, trong và sau chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 của Hải quân Việt Nam và quân dân miền Bắc.

 Phân đội 4 Hải quân chiến đấu bảo vệ Căn cứ Khu tuần phòng 1

Từ thực tiễn, kinh nghiệm trong chiến đấu và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi rất cao đối với công tác ĐBHC. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hậu cần Quân chủng tiếp tục triển khai đồng bộ một số chủ trương, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp đối với công tác hậu cần. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, trước hết là cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần Hải quân quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Chương trình hành động số 1390-CTr/ĐU, ngày 3/4/2023 của Đảng ủy Quân chủng thực hiện Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW. Từ đó, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân chủng. Các cơ quan chức năng của ngành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động gắn với thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

Hai là, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần Hải quân tinh, gọn, mạnh. Trên cơ sở bám sát thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần tập trung tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt việc sáp nhập, điều chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng hậu cần các cấp gắn với thực hiện Đề án “Tổ chức lực lượng hậu cần Quân chủng Hải quân hiện đại”, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng huy động khi có tình huống.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, thực hiện tốt cơ chế, chính sách và hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần cho các nhiệm vụ, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phát huy kết quả đạt được, ngành Hậu cần Hải quân tiếp tục tham gia nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về công tác hậu cần đồng bộ, thống nhất, phù hợp quy định của pháp luật, đặc thù Quân chủng. Ngành hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, tích cực khai thác các nguồn lực, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, diễn tập, tuần tra... cả thường xuyên và đột xuất; ưu tiên các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; lực lượng ở huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; các đài, trạm, khu vực khó khăn và một số đảo gần bờ.

Bốn là, chú trọng quy hoạch, củng cố, xây dựng các căn cứ, phân căn cứ hậu cần vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BĐHC trong thời bình và thời chiến.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng huấn luyện, nghiên cứu khoa học và xây dựng Ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng hiện đại. Bám sát Đề án chuyển đối số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian tới, ngành Hậu cần Hải quân tích cực ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ về kỹ năng số, an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn