Âm mưu cùng thủ đoạn và hành động của đế quốc Mỹ

HQVN -

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường là một chiến công to lớn của quân dân miền Bắc nói chung và của Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến công này đã đi vào lịch sử như một kỳ tích chiến đấu, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật chống giặc giữ nước của dân tộc ta, đồng thời đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghiên cứu thủy lôi địch để tìm phương pháp rà phá.

Trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh và quân các nước chư hầu của Mỹ vào miền Nam; đồng thời âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai trên chiến trường miền Nam và ngày càng đẩy mạnh việc đánh phá bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Máy bay, tàu chiến Mỹ đêm ngày đánh phá các mục tiêu trên đất liền một cách điên cuồng, gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Đồng thời, chúng thả thủy lôi, bom từ trường xuống các bến cảng, cửa sông ven biển, các khu tập kết chuyển tải hàng hóa và các bến phà trên sông, biển miền Bắc. Chúng thả nhiều đợt, mỗi đợt thực hiện theo một phương thức mới, kết hợp nhiều loại thủy lôi, bom mìn, có sự cải tiến và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn.

Đợt một, từ ngày 26-2 đến 20-5-1967. Lúc đầu chúng thả 106 quả thủy lôi xuống 4 cửa sông lớn là sông Mã, sông Lam, sông Gianh và sông Nhật Lệ thuộc địa bàn Quân khu 4. Riêng ở Hải Phòng, chúng thả ở các luồng lạch xung quanh thành phố với ý đồ vừa thăm dò dư luận, vừa xem khả năng phản ứng của ta. Tiếp đó, chúng dùng máy bay A6A, AD6, F4, F7, F8… liên tục thả hàng ngàn quả thủy lôi MK- 50 (loại thủy lôi cảm ứng âm thanh) và MK-52 (loại thủy lôi cảm ứng từ trường), hình thành những tuyến chướng ngại trên khắp các cửa sông, biển miền Bắc.
Do đặc điểm các dòng sông ở miền Bắc có luồng chảy hẹp, uốn lượn ngoằn ngoèo và bị hỏa lực dày đặc của các lực lượng phòng không 3 thứ quân của ta đánh trả quyết liệt, nên máy bay địch không thể bay thấp để thả thủy lôi trúng luồng. Những quả thủy lôi rơi trúng luồng cũng ít phát huy tác dụng vì bị ta phát hiện, rà phá, tháo gỡ. Do vậy, trong đợt hai, từ tháng 6-1967 đến tháng 10-1968, địch đã sử dụng bom từ trường DST-36 để thay thế các loại thủy lôi. Đây là loại vũ khí rất nguy hiểm, có tác dụng chiến đấu cả ở trên cạn và dưới nước. Khi được thả từ máy bay xuống, bom từ trường chìm sâu dưới đất nên rất khó phát hiện và có phát hiện được cũng rất khó đưa lên, nhất là ở dưới nước, nên mức độ nguy hiểm của nó lớn hơn rất nhiều. Với âm mưu cắt đứt hoàn toàn các tuyến giao thông thủy bộ của ta, địch thả hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường DST-36 xen lẫn với bom phá dưới các cửa sông, bến phà, bến cảng, cửa biển. Những khu vực trọng điểm chúng thả với mật độ dày hơn. Trong cả hai đợt, từ tháng 2-1967 đến tháng 10-1968, đế quốc Mỹ thả 74.718 quả bom mìn các loại, trong đó có gần 7000 quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa 24 cửa sông, biển lớn nhỏ từ Cửa Tùng ( Vĩnh Linh) đến của Văn Úc (Hải Phòng). Riêng khu vực xung quanh cảng Hải Phòng chúng đã thả trên 1.500 quả, sông Gianh 2.000 quả, cửa Ròn 1.500 quả… Vào giai đoạn cuối địch thả những loại thủy lôi, bom từ trường đã được cải tiến như DST-36 Modl, DST-36 Mod2, DST- 36 Mod3 (chủ yếu là cải tiến đầu nổ MK42 theo các Modl1, Mod2, Mod3) để ta khó tháo gỡ, làm mất tác dụng chiến đấu của vũ khí thủy lôi, bom từ trường của chúng.

Nhằm làm gián đoạn giao thông giữa Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất của miền Bắc với các tỉnh, địch đã ném bom phá sập cầu Rào, cầu Niệm và thả dày đặc bom từ trường DST-36 xuống dưới lòng sông, bịt các cửa sông, bến phà xung quanh thương cảng, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa viện trợ của nước ngoài vào cảng và từ cảng không thể chuyển đi nơi khác, với ý đồ biến thành phố cảng thành hòn đảo cô lập với nội địa. Không những thế, đế quốc Mỹ còn liên tục cho máy bay giám sát các tàu chở hàng của Liên Xô, Cu Ba và các nước XHCN anh em trên đường từ biển vào cảng Hải Phòng; chúng đã bắn tên lửa, rốc két vào hai tàu chở hàng của Liên Xô đang đậu ở Cảng, gây thiệt hại về vật chất và làm thương vong một số sỹ quan, thủy thủ của đội tàu, bất chấp sự phản đối của dư luận.

Để chủ động đối phó với nguy cơ địch sử dụng thủy lôi phong tỏa vùng biển miền Bắc, ngay từ đầu năm 1966, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra Nghị quyết lãnh đạo Quân chủng chủ động xây dựng kế hoạch chống địch phong tỏa đường thủy. Đến đầu tháng 4-1966, kế hoạch chống địch phong tỏa cơ bản hoàn thành và được Bộ Tư lệnh Quân chủng thông qua.
Ngày 1-6-1966, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định vấn đề chống phong tỏa các cảng là một nhiệm vụ cấp thiết và chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tích cực nghiên cứu kế hoạch, chuẩn bị đối phó.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn