“3 không” trong công tác tư tưởng ở Lữ đoàn 131
HQVN -
Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn tích cực triển khai nhiều mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội. Một trong số đó là “3 không” trong công tác tư tưởng (CTTT).
Dự báo đúng, định hướng kịp thời
Năm 2021, Lữ đoàn 131 tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, Lữ đoàn thông báo người nhà, thân nhân không đến đơn vị thăm CSM vào ngày nghỉ. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng của các CSM. Dự báo đúng xu hướng tư tưởng của bộ đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ chính trị đã tăng cường bám nắm đơn vị, gần gũi, động viên, sẻ chia với chiến sĩ; quan tâm, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội yên tâm tư tưởng. Mỗi đầu mối cấp trung đội đều bố trí máy điện thoại di động (do cán bộ quản lý) để cuối tuần chiến sĩ có nhu cầu đều được gọi về thăm hỏi gia đình, bạn bè, người thân.
Binh nhì Trần Khắc Nam, Trung đội 2, Đại đội 7, Tiểu đoàn 883 tâm sự: "Lần đầu tiên xa gia đình nên tôi rất nhớ nhà nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của chỉ huy đơn vị tôi đã quen dần. Ngày nghỉ tôi được đơn vị tạo điều kiện gọi điện cho người thân, vì thế tôi an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ".
Hoạt động văn nghệ trong ngày nghỉ ở Tiểu đoàn 883. Ảnh: Xuân Dũng
Để CSM thích nghi với môi trường quân ngũ, chỉ huy đơn vị chủ động nắm chắc lý lịch, hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng; hướng dẫn CSM tham gia các hoạt động tập thể để tự tin, hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị cũng làm tốt công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, củng cố niềm tin, lòng tự hào ngay từ ngày đầu chiến sĩ bước chân vào môi trường quân đội.
Theo Đại tá Ngô Văn Đức, Chính ủy Lữ đoàn, cụ thể hóa “3 không” trong CTTT (không để khoảng trống tư tưởng; không nới lỏng nền nếp chế độ; không bệnh thành tích), Lữ đoàn đã tập huấn phương pháp nắm bắt, dự báo chính xác tình hình tư tưởng chiến sĩ; xây dựng nhiều tình huống về CTTT để cán bộ đơn vị vận dụng trong từng điều kiện và đối tượng cụ thể, bảo đảm phù hợp, chính xác.
Với đặc thù nhiệm vụ xây dựng công trình quân sự, các đơn vị của Lữ đoàn thường đóng quân ở địa bàn biển, đảo xa đất liền. Thiếu tá Trịnh Bá Ngũ, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 884, Khung trưởng khẳng định: Hiện nay, internet phát triển rộng khắp với không ít thông tin tiêu cực, bộ đội lại hoạt động trong môi trường nặng nhọc, vất vả, ở những địa bàn khó khăn nên diễn biến tư tưởng xuất hiện trong từng giai đoạn, nhiệm vụ khác nhau. Điều đó đòi hỏi cán bộ theo phân cấp phải dự báo đúng tình hình tư tưởng của đơn vị và của từng cá nhân để không bị động, vận dụng sáng tạo “3 không” bảo đảm đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ là khâu then chốt
“3 không” trong CTTT được Lữ đoàn 131 triển khai thực hiện với những yêu cầu, nội dung, biện pháp cụ thể. Để đạt hiệu quả cao cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Đại tá Ngô Văn Đức cho rằng: Cán bộ phải luôn gần gũi bộ đội, sâu sát, cùng làm, cùng sẻ chia thương yêu, thấu hiểu… thực sự như người thân của bộ đội khéo léo quan sát các hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói, lễ tiết, tác phong thông qua hoạt động thực tiễn của quân nhân...
Cán bộ trung đội của Tiểu đoàn 883 trò chuyện với chiến sĩ để nắm tâm tư, nguyện vọng. Ảnh: Xuân Dũng
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp quản lý bộ đội ở công trình, Trung tá Nguyễn Đức Nhật, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 884 nói: Việc nắm và đánh giá tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa CTTT với công tác tổ chức, chính sách và biện pháp hành chính. Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì luôn trách nhiệm, tình thương, nêu gương, củng cố niềm tin với bộ đội đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
“3 không” trong CTTT cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, chỉ huy đơn vị cơ sở cần tôn trọng cấp dưới; giao nhiệm vụ phải căn cứ vào khả năng, sức khỏe, sở trường, kết hợp với hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện tốt nhất để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc cán bộ phải mẫu mực và uy tín trong tập thể; thường xuyên tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để có đủ khả năng phân tích, đánh giá những biểu hiện tư tưởng của bộ đội, làm cơ sở định hướng, giáo dục, xử lý đúng bản chất sự việc.
Một kinh nghiệm nữa được rút ra trong thực tiễn tiến hành CTTT ở Lữ đoàn đó là, cán bộ các cấp cần vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị thông qua thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, tọa đàm, diễn đàn và các thiết chế văn hóa... Cấp ủy, chỉ huy chủ động thông tin cho bộ đội về những tác hại, ảnh hưởng của tư tưởng tiêu cực, sai trái... làm lành mạnh hóa môi trường học tập, rèn luyện trong đơn vị, giúp bộ đội phát triển toàn diện nhân cách, bản lĩnh chính trị tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phúc Vinh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )