175 năm ra đời bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (24/2/1848 - 24/2/2023)

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - Cương lĩnh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới

Cách đây 175 năm, vào ngày 24/2/1848, bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Đồng minh những người cộng sản-một tổ chức công nhân quốc tế-lần đầu tiên được công bố tại London (Anh).

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu bước ngoặt chuyển biến căn bản của chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ không tưởng thành khoa học. Từ đây, phong trào vô sản trên thế giới có lý luận tiên phong và cương lĩnh cách mạng soi đường, vượt qua giai đoạn tự phát và bước vào giai đoạn tự giác trong cuộc đấu tranh nhằm phá bỏ xiềng xích và mọi sự áp bức, bóc lột, bất công trong chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN).

Thực tiễn lịch sử nhân loại cho thấy, những tư tưởng khoa học và cách mạng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã nhanh chóng thâm nhập vào giai cấp vô sản và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân lao động, trở thành lực lượng vật chất có sức mạnh to lớn. Nhiều cuộc cách mạng xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước trên thế giới đã nổ ra và giành được thắng lợi rất quan trọng, làm đổi thay bộ mặt của thế giới đương đại trong thế kỷ 20.

Sở dĩ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới và có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại là bởi nội dung văn kiện lịch sử này đã đưa ra và luận giải sâu sắc nhiều luận điểm, nguyên lý mang tính chất phổ biến cả về lý luận và thực tiễn, có giá trị làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - Cương lĩnh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới

Karl Marx (trái) và Friedrich Engels. Ảnh tư liệu

Về lý luận, Marx và Engels trình bày trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” một cách khách quan, khoa học về những quy luật vận động của phương thức sản xuất TBCN và các mâu thuẫn nội tại không thể khắc phục được trong xã hội tư bản; chứng minh xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội mới, một xã hội mà chính chủ nghĩa tư bản (CNTB), về khách quan, đã và đang chuẩn bị những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành của một chế độ xã hội mới ưu việt hơn xã hội đương thời. Bản Tuyên ngôn cũng làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với bộ tham mưu chiến đấu là Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ áp bức, bóc lột của CNTB, xây dựng một xã hội mới văn minh, tiến bộ hơn, đó là xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Luận điểm được các nhà kinh điển mác-xít nêu ra là: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(1). Đó cũng chính là biện chứng khách quan của lịch sử phát triển xã hội loài người.

Về thực tiễn, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trình bày công khai mục đích, nhiệm vụ, con đường, những biện pháp cách mạng và lập trường, chiến lược, sách lược của những người cộng sản để xóa bỏ nguồn gốc sinh ra bất bình đẳng, áp bức giai cấp, áp bức dân tộc chính là chế độ TBCN. Marx và Engels chỉ rõ: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(2). Khi sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ quốc gia, dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các quốc gia, dân tộc cũng đồng thời mất theo.

Như vậy, bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có giá trị như một cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản thế giới. Tính cách mạng triệt để của văn kiện lịch sử này chính là lần đầu tiên những người cộng sản-hạt nhân tiên tiến nhất của giai cấp công nhân-trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về quan điểm, mục đích, biện pháp của mình để đập tan câu chuyện hoang đường về “bóng ma cộng sản”, cùng mọi luận điệu xuyên tạc, công kích chủ nghĩa cộng sản của các thế lực phản động, cơ hội, xét lại. Từ đây, những người cộng sản và giai cấp công nhân quốc tế đã có vũ khí lý luận và cương lĩnh để hành động, để đấu tranh chống lại giai cấp tư sản không chỉ bằng bạo lực, bằng lực lượng vật chất mà còn bằng cả lý luận phản ánh hiện thực khách quan của phong trào vô sản thế giới.

Thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ sau khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đã cho thấy, những cuộc cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc đã bùng nổ dữ dội ở nhiều nước trên thế giới. Đó là Công xã Paris năm 1871, một cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lật đổ chính quyền tư sản. Đó là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người-thời đại từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng loạt cuộc cách mạng xã hội kiểu mới ở cả châu Âu, châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin đã giành được thắng lợi. Rõ ràng, lý tưởng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã tác động sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng thế giới, thúc đẩy lịch sử nhân loại phát triển theo chiều hướng khách quan là hướng đến xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn, nhân đạo hơn.

Đánh giá về tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Vladimir Ilyich Lenin-vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng thế giới-đã khẳng định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”(3). Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào điều kiện cụ thể của nước Nga để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười. Người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều với sự tiên phong phá vỡ những quan niệm cũ kỹ về CNXH bằng việc đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Người căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Marx như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(4).

Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 93 năm qua đã trực tiếp tham dự vào việc bảo vệ và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Trong mỗi bước ngoặt lịch sử của cách mạng, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục mọi biểu hiện và ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều, cơ hội, xét lại. Đảng không ngừng quan tâm đến công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; luôn coi trọng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh để xứng đáng với vai trò là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam, quyết tâm lãnh đạo đưa dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ hạnh phúc.

Theo QĐND điện tử

----------------------------------------------

(1) Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.613.

(2) Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.624.

(3) V.I.Lenin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 26, tr.10.

(4) V.I.Lenin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 4, tr.232.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn