Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

* Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hải quân

HQVN -

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên đối với nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện Hải quân đã tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Hải quân lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ giác ngộ chính trị và chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, với đơn vị”. Để hoàn thành nội dung nghị quyết đã đề ra, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Học viện đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức trong đội ngũ cán bộ nói chung và giảng viên nói riêng về vị trí, vai trò, vinh dự và trách nhiệm của bản thân đối với yêu cầu xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Các giảng viên luôn nhận thức sâu sắc về chức trách, nhiệm vụ được giao; có động cơ phấn đấu đúng đắn; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn; tự giác rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lòng yêu nghề.

 

Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng trao đổi cùng học viên Khoa Cơ điện. Ảnh: PV

Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chất lượng theo quy định. Học viện đã giải quyết tốt về số lượng cán bộ, giảng viên; khắc phục tình trạng thiếu giảng viên thông qua việc đề nghị cấp trên điều động cán bộ ở các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân chủng về Học viện công tác. Học viện tuyển chọn số học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài quân đội, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, sức khoẻ, có nguyện vọng công tác tại Học viện để bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên phát triển, cống hiến, xây dựng Học viện theo mô hình “nhà trường thông minh” và tiêu chuẩn trường đại học định hướng ứng dụng. Học viện đã và đang đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại; nâng cấp hệ thống thông tin tích hợp trên nền tảng ứng dụng web để nâng cao tính linh hoạt trong sử dụng và thuận tiện cho việc quản lý giáo dục-đào tạo, điều hành huấn luyện, đánh giá kết quả học tập; từng bước xây dựng phòng học chuyên dụng, phòng thí nghiệm thông minh... Trong những năm qua, Học viện đã thực hiện 1 dự án, 5 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; 19 đề tài, 14 sáng kiến cấp Ngành; 62 đề tài và 19 sáng kiến cấp Học viện... Cùng với đó, Học viện hỗ trợ kinh phí đào tạo, bảo đảm nhà công vụ, củng cố, nâng cấp nơi ăn, nghỉ, học tập, công tác, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội… tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên an tâm công tác, cống hiến.

 

Một buổi huấn luyện thể thao đặc chủng tại Học viện Hải quân

Học viện được giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan từ cấp phân đội có trình độ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ khoa học quân sự và tiếp tục mở rộng thêm một số loại hình đào tạo như: Sĩ quan tàu ngầm, công nghệ đóng tàu... Vì vậy, đội ngũ giảng viên của Học viên cũng phải được nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Học viện chủ trương hỗ trợ kinh phí, khuyến khích tự học, tự đào tạo đồng thời mở rộng đào tạo liên thông, liên kết với các trường trong và ngoài quân đội, các trường ngoài nước. Hằng năm, Học viện đề nghị Quân chủng điều động giảng viên đi thực tế ở các đơn vị nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng “chuẩn hóa-trẻ hóa” bảo đảm có sự kế thừa, phát triển và kết hợp hài hoà giữa độ tuổi-kiến thức-kinh nghiệm, giữa các thế hệ giảng viên, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như bảo đảm sự phát triển đội ngũ giảng viên bền vững, lâu dài. Học viện đã liên kết với nhiều cơ sở đào tạo như: Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Chính trị, Học viện Biên phòng… Đây là điều kiện, cơ hội tốt để các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Qua đó, giảng viên đã cập nhật nhiều kiến thức, công nghệ mới phục vụ giảng dạy; thực hiện hội nhập sâu, rộng để tranh thủ kiến thức, công nghệ đào tạo, kinh nghiệm quản lý, xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên. 

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thực hiện tốt công tác cán bộ; đánh giá đúng trình độ, khả năng, sở trường cán bộ, giảng viên để bố trí phù hợp, đúng tiêu chuẩn, đúng người, đúng việc; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc bố trí, sử dụng giảng viên đảm bảo ổn định, kế thừa, phát triển; kết hợp giữa giảng viên trẻ với giảng viên lớn tuổi để bổ sung cho nhau về kiến thức, năng lực cũng như kinh nghiệm thực tế, phát huy được những phẩm chất tốt của các thế hệ giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.

Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Học viện được chuẩn hoá, có cơ cấu và số lượng hợp lý, chất lượng tốt, bảo đảm cân đối cả về độ tuổi, chuyên ngành và kinh nghiệm công tác. Thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên, góp phần xây dựng Học viện Hải quân trở thành trường trọng điểm của quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Quân chủng trong tình hình mới.

Hiện nay, 100% giảng viên của Học viện Hải quân có trình độ đại học, 67,93% có trình độ sau đại học, trong đó có 7,59% tiến sĩ, 60,34% thạc sĩ; 157 giảng viên giỏi cấp cơ sở; 29 giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Hơn 100 cán bộ đang được đào tạo sau đại học, bồi dưỡng chuyên sâu tại các trung tâm giáo dục-đào tạo trong nước và nước ngoài.

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn