Xây dựng cảng xanh, thông minh để phát triển bền vững
Phát triển cảng bền vững, xây dựng cảng xanh, thông minh đang trở thành ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của các nhà quản lý, các tổ chức, hiệp hội quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành cảng biển Việt Nam nói chung và hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ nói riêng đang nỗ lực triển khai các giải pháp thiết thực trong quản lý, vận hành cảng an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và tối đa hóa lợi nhuận.
Giảm thiểu ô nhiễm - vấn đề cấp thiết
Cảng biển là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển bằng đường thủy trên toàn thế giới, đáp ứng nhu cầu thông thương, giao thương giữa các quốc gia. Thế nhưng, cảng biển cũng là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
Tại Hội thảo “Nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững” do Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA) và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt, chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa. Trong bối cảnh giao thương quốc tế ngày càng tăng, việc phát triển hệ sinh thái ngành hàng hải bền vững và thân thiện với môi trường cần được các cảng biển chú trọng.
Cảng quốc tế Tân cảng - Cái Mép (TCIT) được nhận Giải thưởng “Cảng xanh” năm 2020. Ảnh: Công Hoan
Đối với cảng biển khu vực Đông Nam Bộ, thực tế thống kê số lượng tàu biển tại các cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận tăng dần, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường vùng biển và vùng nước cảng biển. Các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải thực sự trở thành mối lo lớn đối với môi trường biển, gây ra những hệ lụy không nhỏ liên quan đến hệ sinh thái biển, hủy hoại tài nguyên biển, gây nguy hại cho sức khỏe con người và tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.
Theo bà Trần Thị Tú Anh, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam), các nguồn gây ô nhiễm trong hoạt động khai thác cảng biển bao gồm: Xây dựng cảng biển, bến cảng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; các hoạt động trong quá trình kinh doanh, khai thác cảng biển; hoạt động của tàu biển và thiết bị hỗ trợ; công tác nạo vét, duy tu các luồng hàng hải, khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão... Những hoạt động này tác động xấu đến chất lượng không khí, môi trường nước, gây xói lở hoặc bồi tụ và gia tăng các chất thải.
Vấn đề đặt ra là phải giảm tối đa phát thải tác động đến môi trường xung quanh. Do vậy, các nhà khai thác cảng, trong đó có hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ, cần bảo đảm rằng, quá trình phát triển, xây dựng, mở rộng đều được lập kế hoạch và quản lý cẩn thận, đáp ứng các quy định về cắt giảm khí thải, hạn chế thấp nhất mức độ ô nhiễm.
Đây là vấn đề cấp thiết hiện nay! Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc SNP, Chủ tịch APA cho rằng: Phát triển cảng bền vững trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu. Hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ cũng không ngoại lệ, phải tích cực, chủ động giảm thiểu ô nhiễm, phát triển cảng biển bền vững, thực hiện tiêu chí cảng xanh, cảng thông minh. Từng thành phần của ngành hàng hải và cảng biển cần được phát triển song hành theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bao gồm 5 yếu tố quan trọng: Cảng thông minh, tàu thông minh, dịch vụ logistics thông minh, công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực hàng hải.
Xây dựng nguồn nhân lực tương xứng
Cảng xanh, cảng thông minh là đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu về môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế; trong đó, chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp cảng biển.
Cảng Tân cảng Cát Lái, một trong hai “Cảng xanh” thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Công Hoan
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng thư ký APA, Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép chia sẻ: Muốn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, phải cải thiện các yếu tố cấu thành, như: Trình độ người lao động; nhận thức của cán bộ, nhân viên về phát triển bền vững; sự sáng tạo, thái độ và tính kỷ luật trong công việc... Cho nên, các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hợp lý để thực hiện mục tiêu xây dựng cảng xanh, thông minh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề cấp thiết đối với việc phát triển cảng thông minh, bền vững. Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, ngành cảng biển TP Hồ Chí Minh xác định hai nhiệm vụ chiến lược đồng thời, đó là: Đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp cảng biển vừa và nhỏ nhằm bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để có đội ngũ nhân sự và chất lượng nguồn nhân lực ngang bằng trình độ quốc tế. Với mục tiêu này, SNP là đơn vị tiên phong triển khai nhiều biện pháp xây dựng nguồn nhân lực và giữ chân người lao động.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Trang, Phó giám đốc Nhân sự SNP chia sẻ: Thời gian qua, SNP đã dành nhiều chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công nhân viên như quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện kịp thời nhân sự chất lượng cao, có tiềm năng để định hướng phát triển; coi đào tạo là chiến lược chính và xây dựng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân nhân tài, phát triển đội ngũ...
Theo ông Dương Thanh Khang, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Thị Vải, để xây dựng cảng xanh, cảng thông minh, cần chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong khai thác, vận hành cảng và ứng dụng công nghệ thông tin để bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng xanh. Do đó, cần phải có đội ngũ nhân sự chất lượng cao thích nghi với thời đại công nghệ số, đáp ứng yêu cầu phát triển cảng biển bền vững mà hạt nhân là cảng xanh, cảng thông minh.
Ngoài yếu tố then chốt là nhân lực chất lượng cao, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải triển khai cơ chế hàng hải một cửa để giảm thiểu thời gian neo đậu tàu tại các bến cảng; vận dụng giải pháp điện bờ nhằm cung cấp năng lượng sạch cho các cảng biển; tập trung cho các mục tiêu phát triển bền vững hệ sinh thái số, xây dựng cảng thông minh cùng các giải pháp logistics xanh, như: Vận tải xanh, kho xanh, cảng xanh, thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát triển kinh doanh bền vững...
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cần nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế hàng hải miền Trung phát triển - ( 11-11-24 07:00 )
- Công ty CP ICD Tân cảng Sóng Thần được vinh danh Top 10 công ty đại chúng - ( 09-11-24 05:00 )
- Công ty cổ phần Tân cảng Tây Ninh-Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ký quy chế phối hợp hoạt động - ( 07-11-24 08:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lần thứ 8 liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia - ( 05-11-24 08:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức Hội thảo tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương tại Trung Quốc - ( 03-11-24 03:00 )