Viết tiếp những chiến công

HQVN -

Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng đặc biệt, tinh nhuệ, thiện chiến của Quân chủng Hải quân. Năm 2023, đơn vị được Bộ Quốc phòng tặng cờ thưởng trong phong trào thi đua quyết thắng và cờ thưởng Đơn vị huấn luyện giỏi; được Tư lệnh Binh chủng Đặc công tặng Bằng khen Đơn vị huấn luyện chuyên ngành đặc công giỏi.

Chúng tôi đến Lữ đoàn 126 vào những ngày tháng 4 lịch sử, không khí thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan tỏa trong toàn đơn vị. Dù ở doanh trại hay trên thao trường, bãi tập, những người lính đặc công vẫn say sưa luyện rèn.

Tự hào truyền thống

Tại Phòng truyền thống của Lữ đoàn 126, chúng tôi được tham quan, nghe giới thiệu về các hiện vật lịch sử; thành tích trong huấn luyện, SSCĐ của đơn vị. Chúng tôi thực sự khâm phục, tự hào trước những chiến công như huyền thoại của Đặc công Hải quân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đặc công

Giọng của đồng chí thuyết minh viên vang lên giữa không gian tĩnh lặng: Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của chiến trường miền Nam, ngày 13/4/1966, Đoàn huấn luyện trinh sát Đặc công (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Đặc công 126 ngày nay) được thành lập. Đây là lực lượng đặc công nước, đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị đã liên tục chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà. Đây là một trong tám chiến công tiêu biểu của Hải quân Việt Nam.

Dừng lại trước tấm sơ đồ bằng mê ca đặt trang trọng giữa Phòng truyền thống miêu tả những trận đánh giải phóng Trường Sa của Đặc công Hải quân, đồng chí thuyết minh viên chậm rãi giới thiệu: Tháng 4/1975, Lữ đoàn 126 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp giải phóng quần đảo Trường Sa. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đặc công Đoàn 126 Hải quân phối hợp với lực lượng Quân khu 5 xuống Tàu 673, 674, 675 vượt biển.

Hội thao phòng truyền thống của Lữ đoàn

Để bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, tất cả các tàu đều được giả  dạng tàu đánh cá của ngư dân. Dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Mai Năng, Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục trên biển, đêm 13/4/1975, quân ta tiếp cận đảo Song Tử Tây, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế được lệnh chỉ huy 3 mũi tấn công đổ bộ vào đảo. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây... Lần lượt ta đánh chiếm các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, ngày 29/4 quần đảo Trường Sa được giải phóng, bộ đội đặc công đã góp phần chung thu giang sơn về một mối.

Phát huy truyền thống trong kháng chiến, Lữ đoàn tiếp tục xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, ý chí quyết tâm cao, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Năm 2020, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân lần thứ 3. Đây là nguồn động viên to lớn để Đặc công Hải quân thi đua luyện rèn, làm chủ vững chắc TBKT mới hiện đại.

Miệt mài luyện rèn

Dẫn chúng tôi tham quan đơn vị, Đại tá Trần Văn Nghĩa, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 126 cho biết: Để huấn luyện bộ đội “chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến”, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lữ đoàn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội; quán triệt, thực hiện tốt phương châm huấn luyện: Cơ bản, thiết thực, vững chắc, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Lữ đoàn huấn luyện bộ đội thành thạo động tác kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, tổ, mũi chiến đấu, tác chiến độc lập, nhỏ lẻ, hoạt động dài ngày trên biển đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”, nhất là thi đua theo tiêu chí “5 giỏi”: Bơi lặn giỏi, võ giỏi, bắn súng giỏi, tác chiến giỏi và giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ.

Chiến đấu viên biểu diễn võ thuật

Lữ đoàn đã thực hiện hiệu quả nội dung huấn luyện tại thực địa “lấy chiến trường làm thao trường”. Với các bài huấn luyện vòng tổng hợp đơn vị đều lập kế hoạch đưa bộ đội đến các vùng biển khác nhau để luyện tập. Mùa hè, bộ đội luyện tập trên cát nóng, mùa đông chiến sĩ đặc công ngâm mình dưới nước lạnh. Khi thực hiện bài tập “trôi dạt trên biển”, bộ đội phải ngâm mình dưới nước hàng chục giờ liên tục, ăn, uống, sinh hoạt ngay trong môi trường nước.

Có mặt tại trường bắn đặc chủng của đơn vị, được chứng kiến màn biểu diễn bắn súng, võ thuật, luyện khí công của cán bộ, chiến sĩ Ðại đội 6, Tiểu đoàn 2 (Ðội Đặc nhiệm chống khủng bố của Lữ đoàn). Chúng tôi ấn tượng nhất với màn “vào trận” của chiến đấu viên khi sử dụng súng chống khủng bố tiêu diệt các mục tiêu bảo đảm nhanh gọn và chuẩn xác... Hoặc màn biểu diễn khí công độc đáo, chiến đấu viên sử dụng khí lực nằm lên hai thanh kiếm sắc nhọn để đồng đội đặt tảng đá lớn lên bụng, rồi đập tảng đá vỡ ra làm nhiều mảnh...

Đội chống khủng bố, Lữ đoàn 126 huấn luyện hiệp đồng trượt dây

Theo sát động viên bộ đội luyện tập, Thiếu tá Nguyễn Nhân Linh, Ðại đội trưởng Ðại đội 6 cho biết: Nhiệm vụ huấn luyện chống khủng bố rất khó khăn, phức tạp, môi trường tác chiến đa dạng. Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã đẩy mạnh thi đua huấn luyện giành “5 giỏi”... Hiện nay, 100% cán bộ, chiến đấu viên đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, võ luyện tinh thông, sẵn sàng chấp nhận gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

Chia tay các chiến sĩ đặc công ra về trên con đường mới thênh thang được trang trí các loại cờ đủ màu sắc tung bay trong gió. Trong tôi bỗng vang lên câu hát “Muôn đời biển vẫn xanh, muôn đời ngời sáng gương anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ đặc công Hải quân”. Lời bài hát như lời chúc bộ đội Đặc công Hải quân phát huy tốt truyền thống, viết tiếp những chiến công.

         Bài, ảnh: Hoàng Việt, Trần Xá

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn