Việt Nam 40 năm: Từ nghĩa vụ ở khu vực đến trách nhiệm gìn giữ hòa bình quốc tế
HQVN -
Những đường lối, chủ trương mới của Đảng ta từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã và đang đưa hoạt động đối ngoại của Việt Nam lên một tầm cao mới. Việt Nam đã phát huy tốt các cơ chế hợp tác để bảo vệ quyền, lợi ích của mình cũng như tham gia giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Cách đây 40 năm, quân tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ quân đội của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia và giúp nhân dân Cam-pu-chia tiêu diệt lực lượng Khmer Đỏ, hồi sinh đất nước Chùa Tháp. 39 năm sau, ngày 1-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 của Việt Nam đã xuất quân sang Nam Sudan thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế. Hình ảnh về một Việt Nam đầy trách nhiệm và uy tín trên trường quốc tế ngày càng khởi sắc - đó chính là thành quả to lớn và là thành tựu ngoại giao rất đáng tự hào.
Danh tiếng “Bộ đội nhà Phật” mãi còn vang vọng
Khởi đầu là hoạt động kỷ niệm 40 năm chiến thắng trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn-Chiến dịch đổ bộ đường biển đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam (7-1-1979 - 7-1-2019). Tiếp theo là Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng; Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng ngày 7-1 lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia. Những lễ kỷ niệm này đã diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều cấp bộ, ngành 2 nước nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia; về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của nhân dân Việt Nam và việc quân dân hai nước chiến thắng chế độ diệt chủng.
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐNDVN và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 của Việt Nam trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh: Quang Tiến
Cách đây 10 năm, tức là 30 năm sau khi đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng Sary, các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ mới được đưa ra xét xử bởi 1 tòa án quốc tế và cũng phải đến ngày 16-11-2018, phiên tòa bất thường trong hệ thống tòa án của Cam-pu-chia dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc mới ra được phán quyết: Các cựu thủ lĩnh Khiêu Xăm Phon và Nuon Chea của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.
Đây là phán quyết mang tính lịch sử cho thấy cộng đồng quốc tế đã nhận thấy rõ tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ và không thể tha thứ cho hành động này. Dẫu có muộn màng nhưng sự thật lịch sử và tính chính nghĩa sáng ngời của việc Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia tiêu diệt lực lượng Khmer Đỏ và giúp hồi sinh đất nước Chùa Tháp đã thêm sáng tỏ; khẳng định Việt Nam đã đóng vai trò rất to lớn trong việc vạch trần tội ác của chế độ này.
Đại tướng Sao Sokha, Tư lệnh Hiến binh quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia đã đặt câu hỏi: “Có một nhóm người vì lợi ích chính trị không dám công nhận sự thật và nói sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia là sự xâm lược. Nhưng nếu Việt Nam xâm lược Cam-pu-chia thì sao bây giờ lại xét xử Khmer Đỏ. Vì sao lại như thế?”.
Còn trong diễn văn của Thủ tướng Hun Sen đã nêu rõ: “Xin đại diện cho người dân Cam-pu-chia, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, Quân đội và người dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia trong quá trình đấu tranh để giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ để ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng này, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Cam-pu-chia. Nghĩa cử này mãi được khắc ghi trong lịch sử Cam-pu-chia".
Không thể làm ngơ, đổ xương, đổ máu “Giúp Bạn là tự giúp mình”, vì vậy mà người dân Cam-pu-chia đã trìu mến gọi những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”. Danh tiếng ấy mãi còn vang vọng để khẳng định một điều: Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng với Đảng Nhân dân Cam-pu chia, nhà nước và nhân dân Cam-pu chia mãi mãi giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Việt Nam – Cam-pu-chia không ngừng phát triển vì sự phồn vinh của nhân dân mỗi nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đậm những dấu ấn trên trường quốc tế
Có thể khẳng định rằng hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã chuyển mạnh từ đa phương tích cực lên chủ động đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Không chỉ là thành viên tham gia tích cực, Việt Nam còn chủ động đề xuất nhiều cơ chế đối thoại hợp tác mới trong lĩnh vực quốc phòng, thông qua các kênh đa phương để minh bạch hóa, xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định của mỗi nước và cả khu vực, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Nhân dân Cam-pu-chia lưu luyến tiễn đưa bộ đội Hải quân Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế về nước. Ảnh: Quốc Vị
Những đóng góp của Việt Nam với Liên hiệp quốc đã để lại những dấu ấn đậm nét và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế, Xã hội và nhiều cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc. Trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung, xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc.
Về lĩnh vực quốc phòng, ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Ý tưởng về cơ chế này được ASEAN đưa ra từ Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất (năm 2006) tại Malaysia. Trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+, Việt Nam đã tích cực, chủ động đóng góp nhiều sáng kiến góp phần duy trì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới như tăng cường hợp tác Hải quân trong khu vực thông qua các hoạt động tuần tra chung trên biển, thiết lập đường dây nóng, giao lưu sĩ quan trẻ, giao lưu nhân sự trên biển giữa Hải quân các nước... Việt Nam và Ấn Độ đã đồng chủ trì thành công nhóm chuyên gia ADMM+ về hành động mìn nhân đạo 2014-2018. Những năm qua cũng đánh dấu bước đi mạnh mẽ của Quân đội nhân dân Việt Nam khi cử tàu Hải quân nhân dân Việt Nam và lực lượng tham gia nhiều cuộc diễn tập quốc tế. Còn trong khuôn khổ ADMM+, từ hai sĩ quan đầu tiên (năm 2014), đến nay Việt Nam đã cử 19 lượt cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, tham mưu và quan sát viên tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi, 3 lần cử sĩ quan tham gia lực lượng chống cướp biển tại Vịnh Aden. Ngày 1-10 vừa qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 của Việt Nam đã xuất quân sang Nam Sudan thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.
Học giả Anton Tsvetov thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga, phụ trách mảng truyền thông và quan hệ chính phủ đánh giá: Việc nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc là một bước phát triển quan trọng, xét trên 2 phương diện. Đầu tiên, nó cho thấy một bước tiến khác của Việt Nam hướng tới mục tiêu hội nhập đa phương toàn cầu. Thứ hai, sự bình đẳng giới nói riêng, sự phát triển bình đẳng nói chung đang trở thành một xu hướng của thế giới và các quốc gia châu Á không phải lúc nào cũng đi đầu trong việc này.
Còn Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng: Việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan là một quyết định rất có ý nghĩa của Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác với các lực lượng quân sự nước ngoài trong các hoạt động thiết thực và mang tính xây dựng do Liên hiệp quốc tổ chức.
Việt Nam 40 năm - từ nghĩa vụ ở khu vực đến trách nhiệm gìn giữ hòa bình quốc tế - đây là thành quả to lớn được thế giới công nhận và là thành tựu ngoại giao rất đáng tự hào. Đối ngoại đa phương của Việt Nam đã thực sự chắp cánh và nâng lên một tầm cao mới, phát huy tốt các cơ chế hợp tác để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, cũng như tham gia giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Minh Đức
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân - ( 22-11-24 08:00 )
- Hải quân Việt Nam – Hải quân Thái Lan tuần tra chung lần thứ 50 - ( 21-11-24 02:00 )
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường - ( 20-11-24 03:00 )
- Công đoàn Hải quân - Công đoàn Quân đội Lào: trao đổi kinh nghiệm hoạt động - ( 18-11-24 10:00 )
- Hải quân Việt Nam bàn giao vật chất tặng Hải quân Cam-pu-chia - ( 15-11-24 02:00 )