Về làng chài Đà Nẵng nghe kể chuyện cá Ông
HQ Online -
Đối với ngư dân các làng chài dọc theo bờ biển thành phố Đà Nẵng, thờ cúng cá Ông (cá voi) là tín ngưỡng được hình thành từ những câu chuyện có phần mang màu sắc thần bí. Tuy nhiên, trong thực tế, thờ cá Ông không chỉ là nét văn hóa độc đáo, mà còn có tác dụng không nhỏ trong việc động viên ngư dân vững tâm hơn khi vươn khơi, bám biển, bảo vệ ngư trường.
Dọc theo bờ biển thành phố Đà Nẵng là các làng chài có tuổi đời hàng trăm năm như Nam Ô, Nam Thọ, Phước Mỹ, An Hải, Mân Thái... Tuy đã ít nhiều bị đô thị hóa, không còn mang dáng dấp như trong những câu truyện kể, ảnh tư liệu, nhưng người ta vẫn nhận ra các làng chài nhờ có lăng Ông vì đây là nét đặc trưng không thể thiếu.
Lễ thỉnh an vị cốt cá Ông của người dân làng chài Mân Thái. Ảnh: Ngọc Hà
Hiện nay, nhiều lăng Ông đã được công nhận là di tích cấp thành phố và được quan tâm bảo tồn, trùng tu. Đối với ngư dân các làng chài, đây là cơ sở tín ngưỡng và là nơi diễn ra lễ hội hằng năm để cầu cho một năm đi biển với mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy thuyền. Ngày nay, cơ hội nghề nghiệp nhiều, nghề đi biển đã không còn thịnh như trước, nhưng việc thờ cúng cá Ông thì vẫn không bị mai một theo thời gian.
Những vị cao niên ở các làng chài dọc biển, đặc biệt là Mân Thái vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về cá Ông - vị thần hộ mệnh của ngư dân. Với nhiều người nghe lần đầu, có thể nghĩ mang màu sắc hoang đường, nhưng với những ngư dân miền biển thì câu chuyện không lạ, thậm chí là câu chuyện của riêng mình.
Ông Phan Trung Kiên (60 tuổi, người làng Mân Thái, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) kể lại, năm 1981, cha con ông đã được cá Ông cứu nạn sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, giữa lúc cơn bão Kelly đang hoành hành. Hơn 6 giờ đồng hồ cầm cự với cơn bão, mọi người đã đuối sức nhưng cố gắng dùng đủ mọi phương cách để giữ ghe không bị đắm. Lúc đó, cha ông là người cầm lái cùng với một người bà con phụ lái giữa đêm giông tố, sóng lớn từ bốn phía cứ liên tục ập vào.
Khi ghe tưởng như sắp chìm xuống lòng biển đen ngòm thì bỗng nhiên có chuyển động rất mạnh và một bóng đen khổng lồ lượn tới dưới lòng ghe. Lúc đó, ông Kiên đang tát nước, bỗng tay chạm vào lưng cá voi lạnh ướt. Mọi người đều vui sướng vì nhận ra là cá Ông vừa xuất hiện. Ông Kiên vẫn còn nhớ như in hình ảnh hai “ông cá” khổng lồ ở hai bên mạn ghe và phía trước là những con cá heo nhảy lượn, bơi dẫn đường. Cá Ông tiếp tục giúp giữ ghe đi an toàn trong suốt một đêm và một ngày sau đó, cho đến khi sóng yên, biển lặng hoàn toàn.
Sự tôn kính của ngư dân Đà Nẵng dành cho cá Ông không chỉ ở trong tiềm thức, mà còn bằng cả những hành động thực tế. Vạn trưởng Huỳnh Văn Rô, người làng Mân Thái chia sẻ: Phong tục lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay không hề thay đổi và được ngư dân thực hiện nghiêm. Ví như trong khi đánh bắt cá, nếu lưới đang vây mà người ta phát hiện thấy có cá Ông thì lập tức lưới được mở toang, kể cả biết việc làm đó sẽ “đánh tháo” cho cả đàn cá đi.
Trường hợp do vô tình cá Ông bị bắt lên cùng với những loài cá khác, nếu Ông còn sống thì phải lập tức thả xuống, còn nếu đã chết thì đội thuyền đó phải nhanh chóng vào bờ và tiến hành tang lễ trang trọng như đối với con người. 3 năm sau, người ta làm lễ quật mồ hốt cốt gọi là lễ “thỉnh ngọc cốt”, lấy xương cá Ông rửa sạch sẽ bằng rượu gạo, xếp vào quách rồi đưa vào lăng Ông để thờ cúng.
Năm 2021, làng chài Mân Thái được chính quyền thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng lăng Ông sau nhiều năm bị xuống cấp. Bởi vậy, khi lăng Ông hoàn thành, ngày 20-11 âm lịch năm Tân Sửu vừa qua, dân làng Mân Thái đã tổ chức lễ an vị và thỉnh cốt cá Ông do trước đó phải di dời sang chỗ khác để thờ cúng. Ban nghi lễ gồm các bô lão trong làng Mân Thái kính cẩn làm các lễ bạch Phật (khai kinh), thỉnh an vị cốt cá Ông, hoàn tạ chư Tôn thần, tiến thí âm linh cô hồn. Người dân ai cũng sốt sắng tham gia, coi đây như là “việc lớn” của chính gia đình mình. Việc làm này thể hiện lòng thành của những người đi biển với mong muốn được phù hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi giữa biển khơi mênh mông.
“Ngày nay, tục thờ cá Ông được các vị cao niên chúng tôi chú trọng với mong mỏi bảo tồn văn hóa, di sản cho thế hệ trẻ sau này. Bởi thế mà tại các làng chài ở Đà Nẵng, những nghi lễ tâm linh nhằm cúng tạ các vị cứu tinh trên biển đến nay vẫn được người dân long trọng tiến hành. Người dân làng chài cũng luôn để tâm tới các hoạt động nhằm giữ gìn nghi lễ, di sản với hy vọng con cháu muôn đời sau sẽ vẫn lưu giữ được đời sống văn hóa, tâm linh lành mạnh” - Vạn trưởng Huỳnh Văn Rô nhấn mạnh.
Trúc Hà
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )