UNCLOS 1982: Cơ sở pháp lý quốc tế thiết lập trật tự trên biển

HQVN -

Việt Nam đã và đang nỗ lực kiên trì giải quyết một cách hòa bình các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, phóng viên Báo Hải quân Việt Nam đã trao đổi với đồng chí Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về vai trò của Việt Nam khi trở thành một quốc gia thành viên của UNCLOS.

Phóng viên (PV): Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đề nghị đồng chí cho biết khái quát lịch sử hình thành UNCLOS 1982?

Đồng chí Tạ Đình Thi: Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 3 về Luật Biển được tổ chức tại chức tại New York năm 1973 đã cố gắng giảm khả năng các nhóm quốc gia thống trị đàm phán. Hội nghị dùng một quy trình đồng thuận thay cho bỏ phiếu lấy đa số. Hội nghị có 11 phiên họp, kéo dài trong 9 năm từ tháng 12/1973 đến tháng 12/1982. Hội nghị đã đóng góp quan trọng vào tiến trình pháp điển hóa Luật Biển quốc tế, đánh dấu bằng việc ra đời Công ước Luật Biển 1982. Văn bản cuối cùng được ký kết tại thành phố Môn-tê-gô-bay của Gia-mai-ca ngày 10/12/1982 bởi 117 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công ước  về Luật Biển 1982 thực sự là một bản Hiến pháp mới về biển của cộng đồng quốc tế. 

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đến nay đã có 164 nước phê chuẩn. Công ước có 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo là một văn kiện quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao quát được các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, quy định được những quyền lợi và nghĩa vụ về nhiều mặt của mọi quốc gia (có biển cũng như không có biển, có chế độ kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với những vùng biển thuộc phạm vi quốc tế.

PV: Đồng chí cho biết UNCLOS 1982 ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống chính trị, pháp lý của thế giới? Những nguyên tắc, nội dung cốt lõi của UNCLOS 1982?

Đồng chí Tạ Đình Thi:  UNCLOS 1982 có hiệu lực đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX, đã góp phần vào việc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trên biển, tạo cơ sở pháp lý chung để các quốc gia khai thác, sử dụng công bằng, có hiệu quả và giải quyết tranh chấp tại mọi vùng biển và đại dương. Đây được xem là “Hiến pháp quốc tế về biển và đại dương” của cộng đồng quốc tế, chỉ đứng sau Hiến chương Liên hợp quốc; không chỉ bao gồm các điều khoản kế thừa từ các điều ước quốc tế trước đó về biển mà còn pháp điển hoá các quy định mang tính tập quán quốc tế, tồn tại qua một thời gian dài trong thực tiễn của các quốc gia, cũng như những xu hướng phát triển mới trong thực tiễn sử dụng và khai thác biển và đại dương.

Những quy định của Công ước là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau. Công ước đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Sau khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời và có hiệu lực, các quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của Công ước.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 (tháng 11/2021tại Hà Nội. Ảnh: TG

PV: Với tư cách là một quốc gia thành viên, UNCLOS 1982 có vai trò gì đối với việc quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam được xác lập bởi Công ước thưa đồng chí?

Đồng chí Tạ Đình Thi: Là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Việt Nam cũng có những nghĩa vụ đối với các quốc gia khác tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, trong những năm qua, Việt Nam thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, tiến hành sửa đổi, ban hành mới pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước.

Ngày 21/6/2012, Việt Nam đã ban hành Luật Biển nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng tại một văn bản có giá trị hiệu lực cao.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khoá X (tháng 2/2007) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Nghị quyết mới số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”.

PV: Nhìn lại gần 40 năm ra đời, đồng chí cho biết UNCLOS đã đạt những thành tựu cơ bản nào trong việc xây dựng trật tự pháp lý trên biển và đại dương, góp phần vào hoà bình và ổn định trên thế giới?

Đồng chí Tạ Đình Thi:  UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương và là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Với UNCLOS, các quốc gia đã khẳng định mong muốn “giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Luật Biển” và “thiết lập một trật tự pháp lý trên biển”; xác định rõ quy chế pháp lý của các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia; là khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức trên biển, hướng đến bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn tài nguyên biển.

Các quốc gia đã xác định các vùng biển theo UNCLOS, ban hành luật pháp quốc gia về biển, thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hợp tác quản lý biển như thông qua các cơ chế hợp tác song phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu như các uỷ ban khu vực về biển, tổ chức nghề cá khu vực, cơ chế bảo vệ môi trường, và thực thi các dự án bảo tồn biển theo vùng.

UNCLOS tiếp tục là khung pháp lý để các nước giải quyết các thách thức truyền thống như phân định ranh giới các vùng biển, giải quyết tranh chấp về biển, chống cướp biển, chống tội phạm xuyên quốc gia đồng thời ứng phó với các thách thức mới trên biển như chống ô nhiễm biển, cạn kiệt tài nguyên biển, chống rác thải nhựa trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề mực nước biển dâng, vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển… nhằm hướng tới quản lý và bảo tồn biển và đại dương và các nguồn lợi biển một cách bền vững, phù hợp với các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển (SDG14) thuộc Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

PV: Việt Nam đã có những đóng góp gì trong việc tuân thủ và thực thi UNCLOS 1982 thưa đồng chí?

Đồng chí Tạ Đình Thi:  Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng, xây dựng Công ước Luật Biển 1982 và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu, có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước. Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên của Công ước, trong những năm qua Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước trong xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển. Việt Nam còn tích cực hợp tác với các nước trong các lĩnh vực biển phù hợp với các quy định của Công ước theo hướng bảo tồn và sử dụng bền vững, có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, phục vụ phát triển bền vững.

Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biên giới biển ngày 9/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định và phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003.

Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982” coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển, đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Những điều nêu trên cho thấy, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ đối với việc tôn trọng và thực thi, tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước Luật Biển 1982 đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Duy Khánh (Thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn