Trường Sa tháng Tư

HQVN -

Tháng Tư ở Trường Sa thật đặc biệt. Bởi đây là thời điểm mà những cơn cuồng phong của biển tạm lắng lại, trả lại cho biển sự hiền hòa và dịu êm. Hải trình của Đoàn công tác số 3 đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thêm lục địa phía Nam Tổ quốc năm nay dường như được “trời chiều lòng” nên đến đảo Sinh Tồn sớm hơn thời gian dự kiến. Đặt chân lên đảo, các thành viên nhanh chóng tập hợp trước cột mốc chủ quyền để cùng dự lễ mít tinh kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Dưới bầu trời trong xanh, tất cả các thành viên đoàn công tác cùng hồi tưởng về những ngày tháng 4 của năm 1975.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: Tháng 4 năm 1975, khi những cánh quân tiến về giải phóng miền Nam thì cũng là lúc lực lượng đặc công Hải quân nhận lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa đang dưới quyền kiểm soát của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Hơn 200 chiến đấu viên tinh nhuệ Đoàn đặc công nước 126 đã phối hợp cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 chia thành các mũi tiến công, bất bờ tập kích từng đảo. Các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần lượt được giải phóng và quân đội ta tiếp quản, đầu tiên là đảo Song Tử Tây vào rạng sáng 14-4, rồi đến đảo Sơn Ca ngày 25-4,  đảo Nam Yết và Sinh Tồn ngày 27-4, tiếp theo là đảo Trường Sa và An Bang ngày 28-4. Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với cố gắng lớn nhất, góp phần quan trọng vào đại thắng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Lễ mít tinh kỷ niệm 44 năm giải phóng quần đảo Trường Sa tại đảo Sinh Tồn

44 năm trôi qua kể từ chiến thắng oanh liệt ấy, các thế hệ chiến sĩ Hải quân đổ biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu để bảo vệ, xây dựng Trường Sa trở nên vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió. Đối với chúng tôi, những người lần đầu đến với Trường Sa, điều ngạc nhiên nhất chính là những hòn đảo hoang vu năm xưa chỉ có vài cây dừa, phong ba, bàng quả vuông và bạt ngàn chim hải âu, mòng biển giờ đây đều tràn ngập màu xanh. "Chứng kiến màu xanh của biển hòa cùng màu xanh trên đảo, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Bên cạnh màu xanh của những loài cây vốn đã có trên đảo từ xưa thì giờ còn có nhiều loài cây được mang từ đất liền ra ươm trồng, nhân giống phát triển như: tre ngà, bưởi, rau xanh, hoa hồng, hoa lan… Đó là thành quả của hàng ngàn ngày công lao động, sự chắt gạn từng giọt nước, từng nắm đất của những người lính làm nhiệm vụ canh giữ đảo. Giữa nơi khô cằn nắng cháy, màu xanh ấy không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm, nghị lực vươn lên trong mọi tình huống của quân và dân nơi đây mà dường như trong màu xanh đó có khát vọng hòa bình rất lớn lao của cả dân tộc nói chung, của quân và dân huyện đảo Trường Sa nói riêng" – chị Ngô Thị Thu Hà, Phó Tổng biên tập Báo Tuyên Quang đã nói với chúng tôi như vậy.

Đặc biệt, giữa mây nước trùng khơi, chúng tôi còn bắt gặp dáng dấp thân thương của những ngôi chùa Việt. Các ngôi chùa được dựng bằng đá xanh, gạch và gỗ theo phong cách truyền thống, hướng mặt về Thủ đô Hà Nội. Đại đức Thích Giác Nghĩa, Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội, Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa từng trụ trì chùa Trường Sa là đại biểu của tỉnh Khánh Hòa ra thăm Trường Sa lần này chia sẻ: “Không chỉ trở thành những "cột mốc văn hóa" quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những ngôi chùa ở Trường Sa còn thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển, đảo. Đây cũng là nơi để quân, dân đến dâng hương, nguyện cầu cho quốc thái, dân an”.

Đến thăm nơi đây, chúng tôi còn cảm nhận rõ rệt khát vọng bảo vệ sự bình yên cho biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng Tổ quốc luôn ngời sáng trong ánh mắt những người lính Trường Sa đang chắc tay súng bên cột mốc chủ quyền, miệt mài bám thao trường bãi tập. Các anh ngày đêm căng mình giữa bão tố phong ba để giữ vững một phần máu thịt của Tổ quốc, giữ khát vọng hòa bình cho mai sau với chân lý  "biển này là của ta, đảo này là của ta”.

Ngay sau hải trình, chúng tôi đã đến thành phố Cảng Hải Phòng để thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Mai Năng - người trực tiếp chỉ huy cánh quân giải phóng Trường Sa tháng 4-1975. Mấy chục năm trôi qua nhưng ký ức về trận đánh đó vẫn in sâu trong ký ức. Ông nhớ rất rõ khi các cánh quân trên bộ thực hiện đợt tổng công kích giải phóng miền Nam thì Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: “Tranh thủ thời cơ có lợi giải phóng quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước”. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: "Kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm đảo nước ta".

Khi trò chuyện với chúng tôi về Trường Sa, ông tâm sự: "Đó là núm ruột thân yêu của Tổ quốc. Là một trong những người giải phóng đảo 44 năm về trước, tôi cũng như đồng đội chỉ mong cả nước hãy hướng về Trường Sa bằng suy nghĩ và việc làm thiết thực nhất; mong những người lính Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Chiến thắng năm xưa là thành quả cho các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ".

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn