Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây: Điểm tựa của ngư dân ở Trường Sa

HQVN -

Đoàn công tác Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn đến đảo Đá Tây vào những ngày đầu tháng 5. Trời nắng, nóng như đổ lửa nhưng vẫn không làm giảm đi không khí nhộn nhịp, phấn khởi của quân và dân trên đảo. Tại buổi làm việc, ai cũng rất ấn tượng với báo cáo của đồng chí Lương Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công  ích hàng năm trên vùng biển Trường Sa, huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Các sản phẩm mà công ty đang thực hiện cung ứng cho ngư dân, bao gồm: Cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá niêm yết của Nhà nước tại đất liền; cấp nước ngọt miễn phí; sản xuất và cung ứng nước đá loại 50kg/cây bằng giá tại cảng cá Cát Lở, Vũng Tàu; triền đà hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công; miễn phí các dịch vụ cầu cảng, neo đậu; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão; hỗ trợ, chăm sóc, cấp phát thuốc miễn phí; thu mua và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác và nuôi trồng về đất liền cho ngư dân theo giá thỏa thuận; ngư dân vào đảo được hưởng các dịch vụ văn hóa tinh thần do đơn vị tổ chức…

Tàu cá của ngư dân vào tránh trú ở âu tàu đảo Đá Tây

Không có gì bằng “tai nghe, mắt thấy”, Trung tá Vũ Văn Xanh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cùng đồng chí Lương Quốc Vinh đưa đoàn công tác đi thăm từng hạng mục, vị trí; nghe báo cáo chi tiết từng nhiệm vụ và những việc đã làm được trong công tác cung ứng, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa.

Chỉ tiêu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích trên biển được Công ty tổ chức tại ngư trường chính là Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây. Công ty đã điều động đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Núi Le, Tốc Tan, Đá Lớn… để cung ứng cho ngư dân. Những năm qua Công ty luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Các sản phẩm dịch vụ của Công ty đang cung ứng, hỗ trợ luôn được ngư dân tin tưởng, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.

Trung tá Vũ Văn Xanh cho biết: Tàu ra khai thác hải sản trên khu vực chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Năm 2018 có 427 lượt tàu vào làm dịch vụ cung ứng với trên 22 tấn lương thực thực phẩm, hơn 250 ngàn lít nhiên liệu, cấp miễn phí trên 55 ngàn cây đá và hơn 150 m3 nước ngọt cho ngư dân. Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng của Trung tâm dịch vụ hậu cần cấp cứu 5 trường hợp; tư vấn, khám, điều trị cho 376 ngư dân đánh bắt hải sản tại khu vực; sửa chữa 28 chiếc tàu thuyền.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, thuyền trưởng Tàu BĐ 96556 TS đã coi Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây là nơi tin tưởng để tiếp tế nguyên liệu và bổ sung nhu yếu phẩm cần thiết. Ông Thanh cho biết, tàu cá của ông nhiều lần vào âu tàu Đá Tây để tránh bão. Cuối tháng 12-2017, khi tàu vừa ra đến khu vực đánh bắt đã  gặp liên tục 2 cơn bão số 15, 16, thuyền chạy ngay vào âu tàu trú bão. Khi bão số 16 vừa tan, ông cho thuyền ra Trường Sa đánh bắt, chưa đánh bắt được bao lâu thì thuyền lại vội vã chạy về âu tàu để tránh trú cơn bão số 1 năm 2018. Từ khu vực đánh bắt chạy về nơi tránh trú bão phải mất 3 ngày nhưng chạy về âu tàu đảo Đá Tây chỉ mất 1 ngày. “Có âu tàu trên đảo Đá Tây chúng tôi thực sự yên tâm và vững lòng hơn khi đánh bắt dài ngày trên biển”-ông Thanh chia sẻ.

Âu tàu tại Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây có sức chứa khoảng 200 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão. Các bến cập cho tàu có công suất 200 CV, 400 CV và 1 nghìn tấn vào tiếp nhận hàng hóa và bốc xếp hải sản. Nguồn lực tham gia hoạt động công ích trên biển của Công ty gồm: Đội tàu công ích gồm 10 tàu,  Sà lan không tự hành chứa nhiên liệu và nước ngọt Đá Tây 04 có tổng dung tích 70 m3; tại Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây có 6 bể chứa nước ngọt, dung tích 900 m3, kho hàng hóa và xưởng cơ khí sửa chữa để phục vụ dịch vụ hậu cần cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây loại 50 kg/cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt công suất 50 m3 ngày đêm, dùng phục vụ nước đá cây và sinh hoạt; có kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản; hệ thống máy phát điện; nhà nghỉ cho ngư dân… Ông Lương Quốc Vinh nhấn mạnh: Hiện chúng tôi có gần 300 người thực hiện nhiệm vụ trên biển và có 10 chi bộ.

Trung tá Vũ Văn Xanh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết: Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây là công trình dân sự, có ý nghĩa về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên biển. Có dịch vụ cung ứng sẽ duy trì sự có mặt thường xuyên của lực lượng tàu dân sự hoạt động trên vùng biển Trường Sa; khai thác tốt nguồn tài nguyên xa bờ, giảm mật độ khai thác gần bờ, tạo điều kiện cho việc tái tạo môi trường sinh vật biển, tăng sản lượng khai thác hải sản, tăng sản phẩm xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động góp phần phát triển kinh tế biển theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn