Trận Bạch Đằng đập nát đầu rắn

* Giáo sư sử học Lê Văn Lan

Giáo sư sử học Lê Văn Lan. Ảnh: Phương Bùi 

Tháng 10 năm Kỷ Mão (979), Vua Đinh Tiên Hoàng cùng thái tử kế vị Đinh Liễn bị sát hại. Triều đình Hoa Lư nước Đại Cồ Việt rối loạn to.

Tháng 6 năm Canh Thìn (980), tướng cai quản Ung Châu của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo tâu với Vua Tống Thái Tông: “An Nam quân vương cùng với con là Liễn bị giết. Nước ấy sắp mất. Có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy. Nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lỡ cơ hội”.

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), triều đình nhà Tống động binh, sai Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy, Tôn Toàn Hưng làm phó cùng với một loạt tướng lĩnh: Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ, Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân, Vương Soạn… dẫn đại quân sang xâm lược Đại Cồ Việt.

Cũng tháng này, triều đình Hoa Lư tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đứng đầu cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân nước Đại Cồ Việt.

Tình hình chiến sự trước ngày 28-4-981

Những trận đánh đầu tiên ở Bạch Đằng-cửa ngõ nước Việt đã diễn ra từ tháng Chạp năm Canh Thìn (980). Quân Tống chia hai đường thủy, bộ đều men theo Duyên hải Đông Bắc nước Việt (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) đến cửa biển Bạch Đằng, để rồi từ đó đánh sâu vào hai trung tâm nước Việt là Đại La (nay là Thủ đô Hà Nội) và Hoa Lư.

Học theo kế sách của Ngô Quyền từ năm 938, Lê Hoàn cũng đã cho lập trận đại cọc ở cửa Bạch Đằng nhưng không phải để trực diện đối đầu với đại quân nhà Tống, đánh một trận quyết chiến chiến lược ở đây mà vì chưa đủ thế và lực nên chỉ để cầm chân, ngăn và làm chậm bước tiến của đối phương. Do đó, quân Tống đã vượt qua được cửa Bạch Đằng, ngược sông đến được Lục đầu giang và toan theo đường sông Biên Uẩn (sông Đuống ngày nay) tiến đánh Đại La.

Nhưng Lê Hoàn đã kịp bố trí trận địa thành lũy Đồ Lỗ (ở cửa sông Kinh Thầy giao nước với Lục đầu giang) đánh chặn quyết liệt, vào ngày cuối năm Canh Thìn, giáp Tết Tân Tỵ (981) khiến quân Tống-do đích thân chủ tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy phải lui về một chút, đóng trại ở Phù Lan (vẫn ở quanh vùng Lục đầu giang) và giục quân tiếp viện của Tôn Toàn Hưng tới. Tuy nhiên, do lo sợ và “mâu thuẫn nội bộ”, viên phó tướng này lại chỉ án binh bất động ở Hoa Bộ, lấy cớ là chờ đợi cánh quân phía sau-do Lưu Trừng chỉ huy đến hội sư rồi mới tới tăng viện.

Mãi đến đầu tháng Ba năm Tân Tỵ (981) các tướng Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ mới từ Liêm Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) kéo quân thủy tới Hoa Bộ. Tôn Toàn Hưng lúc này mới lệnh cho họ cùng với mình đưa lực lượng tràn sang miền Tây Kết (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bây giờ) để chuẩn bị tiến đánh Hoa Lư.

Hầu Nhân Bảo, trước tình thế ấy cũng phải lật cánh, đưa quân sang cửa Ngãi Am (cửa sông Thái Bình) theo đường sông Tranh, sông Luộc đến Tây Kết cùng lực lượng của Tôn Toàn Hưng nhằm mục tiêu vào Hoa Lư. Nhưng một lần nữa Lê Hoàn lại tổ chức chiến trường chặn đánh quyết liệt. Chủ tướng, phó tướng và phần lớn đại quân Tống triều đành trở về Hoa Bộ, chỉ để một phần lực lượng-do các tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân chỉ huy ở lại Tây Kết chờ thời.

Trận Bạch Đằng đánh dập đầu rắn

Từ đầu năm cho tới giữa tháng Ba năm Tân Tỵ (tháng 4-981 Dương lịch), Hoa Bộ là nơi mấy lần được quân Tống dùng làm địa bàn tập kết đại binh.

Bản đồ chiến thắng Chi Lăng-Bạch Đằng 981

Theo mô tả của sử sách cổ Trung Hoa thì Hoa Bộ chắc chắn nằm bên sông Bạch Đằng. Nhưng chỉ ở thư tịch cổ phương Bắc mới thấy có tên Hoa Bộ. Còn trong tất cả sách vở xưa của nước Việt đều không thấy chép địa danh này.

Tuy nhiên, trên thực địa thì cho đến bây giờ vẫn có một ngọn núi ở sát bờ bên phải sông Bạch Đằng thuộc dãy núi Tràng Kênh-được mang tên gọi theo hình dáng giống như cái khối u (bướu) của một con bò và theo ngôn ngữ cổ truyền thuần Việt là U Bò. Trong ngôn ngữ và chữ viết Trung Hoa không có từ và tự nào để gọi U Bò. Vì thế, sử sách viết bằng chữ Hán của phương Bắc phải dùng hai từ và chữ “Hoa Bộ” để phiên âm từ “U Bò” và chuyển nghĩa cái u (bướu) của con bò nôm na gốc Việt thành tên chữ (mỹ tự): Bến Hoa-Hoa Bộ.

Nghìn năm trước, chưa có địa danh (sơn danh) Tràng Kênh như ngày nay. Vì thế, U Bò-Hoa Bộ trở thành tên gọi chung của cả vùng Tràng Kênh trùng điệp núi non, dựng thành lũy hiểm trở với nhiều hang động và thung lũng, rất lợi hại về mặt quân sự-đang ở (viền) sát mé nước bên bờ phải (hữu ngạn) sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng bây giờ.

Từ đầu năm cho đến tháng Tư năm 981, đại binh và đại bản doanh của các chánh, phó tướng quân Tống triều xâm lược đều chọn vùng U Bò-Hoa Bộ để làm căn cứ đồn trú là vì lẽ đó.

Cũng vì lẽ đó, sau ba tháng mùa Xuân đầu năm 981, quần thảo với giặc và xoay chuyển chiến cuộc Hoàng soái Lê Hoàn cùng quân dân nước Đại Cồ Việt đã quyết định nhằm vào căn cứ U Bò-Hoa Bộ và đánh một trận Bạch Đằng lần thứ hai vào ngày 28-4-981 (sau trận Bạch Đằng lần thứ nhất đã diễn ra lừng lẫy vào ngày 31-12-938 của Ngô Quyền).

Đó cũng là một trận đánh lớn và phần “thất lợi” là thuộc về phía Lê Hoàn. Sách “Tục tư trị thông giám” của Lý Đào, đời nhà Tống-nhiều phần là khoa trương-đã chép (dịch): “Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 6, tháng Ba, ngày Kỷ Mùi (ngày 28-4-981 Dương lịch), Giao Châu hành doanh phá được 15.000 quân của Lê Hoàn ở sông Bạch Đằng, chém được hơn 1.000 thủ cấp, thu được hàng vạn mũ trụ, áo giáp”.

Nhưng nhận phần “thua thiệt” như thế này là để làm kiêu lòng quan tướng cùng quân binh giặc trong một tính toán kỹ lưỡng và đầy mưu trí của Hoàng soái Lê Hoàn nhằm thực hiện một phương thức thắng giặc độc đáo chưa từng thấy. Ấy là: Trá hàng, dụ chủ tướng giặc đến một nhánh sông hiểm của Bạch Đằng giang mà tiêu diệt nó, giống như đánh dập đầu của một con rắn độc khổng lồ.

Cũng trận này, sách “Tục tư trị thông giám” chép tiếp: “Giặc (tức Lê Hoàn) giả vờ đầu hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Nhân Bảo cả tin liền bị giặc giết hại”. Bộ “Tống sử” của phương Bắc chép tương tự: “Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo. Nhân Bảo bèn bị giết chết”. Sách “An Nam chí (nguyên)” chép cụ thể hơn một chút: “Thế lực của giặc (chỉ Lê Hoàn) rất mạnh. Quân hậu viện (của binh lực Tống triều) chưa kịp đến thì Nhân Bảo đã sa hãm trong vòng trận, bị loạn quân giết chết, ném xác xuống sông”.

Bình luận của nhà sử học

Trận “đánh dập đầu rắn” ở vùng U Bò-Hoa Bộ trên sông Bạch Đằng ngày 28-4-981 là một trận thủy chiến đặc biệt mưu trí, sáng tạo của quân thủy và thủy chiến Việt Nam. Trận đánh đóng một dấu son rực rỡ trên những trang sử truyền thống chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc vẻ vang của quân đội và Hải quân Việt Nam. Hiệu quả của “trận Bạch Đằng lần thứ hai” này cũng giống như trận Bạch Đằng lần thứ nhất (ngày 31-12-938) và trận Bạch Đằng lần thứ ba (ngày 9-4-1288) là rất lớn. Ngay sau khi tiêu diệt được chủ tướng Hầu Nhân Bảo của quân Tống, thừa thắng Hoàng soái Lê Hoàn đã thân dẫn quân sĩ đến Tây Kết đánh tiếp một trận tiêu diệt, xóa sổ toàn bộ cánh quân Tống triều được Hầu Nhân Bảo-Tôn Toàn Hưng để lại ở đây, bắt sống các tướng chỉ huy Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân giải về giam ở Hoa Lư.

Minh họa của Lê Hải về chiến thắng năm 981 trên sông Bạch Đằng

Còn ở Bạch Đằng giang, sau khi chủ tướng bị tiêu diệt, các tướng lĩnh Tống triều còn lại đã phải lập tức dẫn quân lính tháo chạy ngay về nước và nhận những kết cục thảm khốc. Ngoại trừ Lưu Trừng bị ốm mà chết thì Tôn Toàn Hưng vị Vua Tống ra lệnh xử tử, chém đầu đem bêu ở chợ; Vương Soạn chạy về đến Ung Châu thì cũng bị giết chết.

Cuộc kháng chiến của quân dân Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của Hoàng soái Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) cách đây 1.040 năm đã thắng lợi hoàn toàn.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn