Tích cực, chủ động, đoàn kết, sáng tạo trong chống phong tỏa

HQVN -

Trước sự đánh phá trở lại miền Bắc bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ, nhận định địch sẽ lại dùng thủy lôi và bom từ trường phong tỏa sông biển của ta, ngày 3/5/1972, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chống phong tỏa thủy lôi, bảo đảm giao thông vận tải biển.

Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân (tháng 2/1970, Quân chủng thôi kiêm Quân khu Đông Bắc và Quân khu Đông Bắc được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển về sáp nhập với Quân khu Tả Ngạn) chủ động phối hợp với các quân khu, quân chủng, binh chủng và cấp ủy, chính quyền các địa phương, tích cực thực hiện việc chống phong tỏa, tổ chức quan sát dọc ven biển, ven sông lớn, tiến hành phá gỡ thủy lôi của địch.

Quân ủy cũng chỉ đạo Hải quân cùng với Binh chủng Công binh phối hợp với cơ quan nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm của các đơn vị, các địa phương để kịp thời sáng tạo những cách mới trong phá gỡ thủy lôi của địch, bảo đảm khai thông luồng lạch trên các khu vực sông, biển. Bộ Tổng Tham mưu giao cho Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường ở những khu vực cảng, cửa sông, vùng ven biển. Binh chủng Công binh, các quân khu đảm nhiệm việc rà phá, tháo gỡ thủy lôi ở trong sông. Bộ Tổng Tham mưu cũng giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu, tìm các biện pháp khắc phục về mặt kỹ thuật để rà phá thủy lôi, bom từ trường có hiệu quả.

Lắp ráp khí tài phóng từ lên tàu tại Xưởng 46 Hải quân năm 1972. Ảnh: TL

Để giúp Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, bảo đảm được chặt chẽ theo một hệ thống thống nhất cao trong chống phong tỏa của địch, ngày 20/5/1972, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống phong tỏa trực thuộc Chính phủ gồm 5 đồng chí. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp làm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân làm Phó ban; các đồng chí Đặng Kinh, Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục Vận tải đường biển, Lê Đức Thịnh, Chủ tịch Ủy ban hành chính TP. Hải Phòng làm ủy viên.

Rút được kinh nghiệm trong chống phong tỏa những năm trước, Bộ Tư lệnh Hải quân đã triển khai ngay việc thành lập bộ phận nghiên cứu chống địch phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường gồm các cán bộ khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật Hải quân và một số cán bộ kỹ thuật của Trường Đại học Bách Khoa, Viện Kỹ thuật quân sự... được Nhà nước tăng cường cho Hải quân; nhanh chóng làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Ủy ban Hành chính TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, các ngành của Bộ Giao thông vận tải, cảng Hải Phòng, Công an vũ trang Hải Phòng... để triển khai phương án hiệp đồng rà phá thủy lôi, bom từ trường và các nội dung công tác kế hoạch quân sự, chính trị trong nhiệm vụ chống phong tỏa.

Xác định rõ chống phong tỏa là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược, đột xuất trước mắt, rất cấp bách, rất khó khăn, phức tạp nên với tinh thần hết sức khẩn trương, tích cực và chủ động, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã lãnh đạo tập trung huy động mọi lực lượng cùng tham gia thực hiện. Bộ Tư lệnh đã quyết định thành lập tiểu đoàn tàu rà phá thủy lôi và đại đội công binh hàng hải thuộc các trung đoàn 171, 172; tăng cường VKTB đánh trả máy bay và khí tài rà phá thủy lôi cho Trung đoàn 128; nâng cấp các phân đội công binh hàng hải ở Khu vực 2, Khu vực 3, Khu vực 4 thành các đại đội và chỉ đạo các xưởng đẩy mạnh sản xuất phương tiện rà phá.

Quân chủng chỉ đạo Bộ Tham mưu Hải quân xây dựng kế hoạch hiệp đồng rà phá giữa Hải quân với lực lượng của các quân khu, binh chủng và địa phương có liên quan. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh giao cho lực lượng Công binh Hải quân cùng Trung đoàn 171 chủ động hiệp đồng với lực lượng của Quân khu Tả Ngạn, Công an vũ trang Hải Phòng, Cục Vận tải đường biển và nhân dân các địa phương khẩn trương tìm kiếm, trục vớt, tháo gỡ để xác minh xem địch thả loại thủy lôi gì và tìm hiểu, khám phá bằng được những cải tiến mới của các loại vũ khí mà địch sử dụng phong tỏa, để trên cơ sở đó nghiên cứu chế tạo các loại khí tài rà phá có hiệu quả.

HQVN

Trong cuộc leo thang chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đế quốc Mỹ đã ném xuống miền Bắc nước ta 17.080 quả bom, mìn các loại, trong đó có 7.963 quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa các khu vực cảng, cửa sông, ven biển thuộc 10 tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Những khu vực bị phong tỏa nặng nhất là Hải Phòng (1.733 quả), cửa Hội (1.352 quả), Hòn La (1.162 quả), sông Gianh (610 quả)…

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn