Thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được trong 77 năm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã vùng lên tự giải phóng cho mình. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân thực sự của một đất nước độc lập. Chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam châu Á. Kể từ đó tới nay, sau 77 năm (1945-2022), với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam trực thuộc Trung ương, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ. Ảnh: Phan Linh

Cho đến nay, những thành tựu của Việt Nam khá toàn diện: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ XHCN được giữ vững; đất nước vượt qua khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới. Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta cùng điểm lại những thành tựu đó trên một số dấu ấn nổi bật.

Về chính trị, Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cùng với môi trường chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh không ngừng được củng cố. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường XHCN. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Để bảo vệ thành quả cách mạng, chúng ta luôn phát huy tinh thần chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp; kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hội nhập về quốc phòng-an ninh đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

Về kinh tế, nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam đã chuyển nền kinh tế từ thế bị bao vây cấm vận, khép kín sang nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, từ sau đổi mới, chúng ta tập trung phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế từng bước được đẩy mạnh; phát huy lợi thế ngành và lãnh thổ. Cùng với đó, Nhà nước tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về xã hội, chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao. Đảng, Nhà nước luôn hướng tới phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2020, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người lên khoảng 3.000 USD/người.

Việt Nam ưu tiên gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước. Ảnh: Hồng Hà

Về văn hóa, xây dựng nền văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, dân tộc, khoa học, đại chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực phát triển đất nước. Đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa đã có những đổi mới theo hướng tích cực. Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn để giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc.

Những thành tựu của 77 năm qua đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Những thành tựu đó là kết tinh sức sáng tạo của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đạt được những thành tựu nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm và quan trọng nhất là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chúng ta hết sức tự hào với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước có được như ngày nay. Từ đó, phát huy cao độ niềm tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng (1930-2030) và 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1945-2045).

Nguyễn Hà Hải

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn