Tết đoàn viên nhớ Tết đảo xa

HQVN -

Tết là phiên khúc của sum vầy, hội ngộ. Chẳng thế mà ngay từ đầu tháng Chạp, khắp làng trên xóm dưới đã xôn xao những tiếng hỏi nhau xem con cháu có về ăn Tết không. Ai ai cũng mong ngóng, đợi chờ, mường tượng phút giây được quây quần cùng gia đình bên nồi bánh chưng chờ phút giao thừa, những giây phút thảnh thơi du Xuân giữa bình yên quê nhà...

Từ nơi đầu sóng, ngọn gió về quê ăn Tết

Những ngày này, các gia đình có con đóng quân ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vừa xuất ngũ lúc nào cũng rộn ràng người vào, người ra. Họ hàng, lối xóm, bạn bè... dù bộn bề, tất bật với công việc cũng tranh thủ tới thăm hỏi các chàng lính vừa từ đảo về quê ăn Tết.

Thấy hàng xóm đi qua ngõ, bà Trần Thị Kim Cúc (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định)-mẹ của Trung sĩ Đinh Văn Miển vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở đảo Trường Sa đon đả mời: "Các bác vào nhà uống nước. Thằng Miển về rồi đây ạ! Giờ da nó đen sạm nhưng trông rắn rỏi, chững chạc lắm!".

Chiến sĩ đảo Sinh Tồn chăm sóc hoa lan

Ở góc sân, sửa lại chiếc lưới đánh cá, ông Đinh Minh (cha Miển) thi thoảng nhấp ngụm trà rồi nhìn con tủm tỉm, gật gù ra chiều vừa ý lắm. Ông chia sẻ: “Nhà tôi có 4 đứa con. Thằng Miển là út. Mấy đứa lớn đều có gia đình và ở riêng rồi. Miển nó đã học xong cao đẳng điện tử mới xung phong đi nghĩa vụ ấy chứ”.

Theo ông, gia đình rất tự hào dù trong thời gian con ra đảo là bao nhiêu nỗi nhớ nhung, lo lắng. Nhưng gia đình ông xác định được trách nhiệm với Tổ quốc nên thấy những điều đó không thấm vào đâu so với sự hy sinh, cống hiến xương, máu của các thế hệ đi trước ở Trường Sa. Nay con hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, gia đình được đoàn viên là niềm vui khôn tả. Ông Minh mong những đồng đội của con mình cũng có cái Tết đầm ấm như vậy.

Ngồi cẩn trọng gấp lại bộ quân phục, Miển cho biết: "Cha mẹ tôi đều làm nghề biển nên vất vả, bận bịu lắm. Tôi ra đảo gần 2 năm, những việc trong nhà không có ai chăm sóc. Từ nay, tôi sẽ dành thời gian chăm lo cho cha mẹ. Xuất ngũ được một khoản tiền kha khá, tôi dành một ít mua quà cho mấy đứa nhỏ con anh trai và lo Tết cho cha mẹ, phần còn lại để làm vốn, mở một cửa hàng sửa đồ điện tử, phục vụ nhu cầu bà con tại địa phương".

Cũng như Miển, cái Tết đầu tiên sau khi xuất ngũ, các chiến sĩ trở về từ Trường Sa đều mong muốn tự tay dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa cho gia đình. Sau một thời gian dài sinh hoạt và công tác nơi đảo xa, những chàng trai ấy đã quen với sóng gió, với nếp sinh hoạt trong quân ngũ, nay về với gia đình dường như mọi thứ trở nên mới mẻ. Binh nhất Đỗ Văn Quân quê ở xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cùng đóng quân ở Trường Sa với Miển chia sẻ: "Xa nhà một thời gian, giờ trở về, nhiều thứ tôi phải làm quen lại, như chuyện nấu cơm bằng nồi cơm điện, hôm đầu về tôi cũng phải hỏi lại cả nhà vì ở đảo đã quen nấu bằng nồi gang, bếp dầu. Từ thói quen ăn uống đến giờ giấc nghỉ ngơi đều phải thay đổi để phù hợp với nhịp sinh hoạt chung của gia đình”.

Nhớ lắm cái Tết bên sóng biển gầm gào

“Hôm qua, nghe mẹ gọi điện: “Tết này con được nghỉ mấy ngày? Nhớ cho vợ con về quê ăn Tết, con nhé”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho đứa con xa quê như mình rưng rưng một cảm xúc khó tả. Lúc ấy, lòng tôi không khỏi rộn ràng khi nghĩ đến ngày được về Nghệ An đón Tết cùng cha mẹ. Bất giác tôi nhớ tới những đồng đội của mình ngoài đảo Cô Lin năm nay ăn Tết như thế nào”- Đại úy Ngô Văn Bun, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 458, Vùng 4, nguyên là Chính trị viên đảo Cô Lin xúc động nói với chúng tôi. Đại úy Bun từng đón 1 cái Tết ở đảo Đá Đông C và 2 cái Tết ở đảo Cô Lin.

Chỉ huy đảo Cô Lin mừng tuổi đồng đội trong thời khắc giao thừa thiêng liêng

Về đất liền công tác từ tháng 8-2020 nhưng anh chưa được đón Tết cùng gia đình bởi phải đảm nhận nhiệm vụ mới, vì thế anh rất hiểu tâm tư, tình cảm của các đồng đội mình nơi đảo xa: “Năm nay, do dịch Covid-19 nên Quân chủng Hải quân không tổ chức đoàn công tác dân sự ra thăm, làm việc với các đảo như mọi năm. Chắc anh em ngoài đó càng thêm nhớ đất liền”.

Với những chàng lính trẻ, đây là cái Tết đầu tiên được sum vầy bên gia đình sau những tháng ngày làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Nhưng đó cũng là lúc họ lại cảm thấy bâng khuâng nhớ cái nắng thao trường, những đêm bên vọng gác rì rào tiếng sóng vỗ vào bờ kè và đặc biệt nhớ về đồng đội...

Sau chuyến công tác Trường Sa, Thượng úy Đinh Thế Vinh, quê ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lâng lâng hạnh phúc được đón Tết cùng người vợ trẻ mới cưới đầu năm 2019. Trong câu chuyện trước thềm năm mới, anh hào hứng kể về cái Tết ở đảo: Tết ở Trường Sa thường đến sớm hơn so với các vùng miền khác trên Tổ quốc và không ồn ào, náo nhiệt như đất liền nhưng không khí Tết vẫn đủ đầy, làm cho mỗi người con xa quê đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió ấm lòng. Trên đảo hội tụ các phong tục đón Tết ở khắp mọi miền đất nước, từ đòn bánh tét, bánh chưng, cành mai vàng rực rỡ đến cành đào đỏ thắm… Hơn nữa, quân dân cùng sum vầy, quây quần bên mâm cỗ ngày Tết càng tô thắm tinh thần đoàn kết keo sơn của người Việt.

Đối với lính đảo, mùa Xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa với tình người, tình biển, đảo và tình yêu Tổ quốc. “Nếu trong đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Bây giờ, các đảo đều có lá dong đem từ đất liền ra nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy có một nét rất riêng bởi trong mỗi cái bánh chưng ấy chứa cả tinh thần thép của người lính đảo"-Vinh nói thêm.

Binh nhất Nguyễn Trường Khang, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, từng công tác trên đảo Nam Yết tâm sự: Ngay trên chuyến tàu về đất liền tôi đã cảm thấy nhớ đảo, nhớ đồng đội. Được đón Xuân giữa mênh mông biển trời của Tổ quốc, trong tim những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động. Chúng tôi tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền đón Tết vui Xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin tuyệt đối. "Tôi nhớ da diết cái Tết ở Trường Sa, nhớ cảm giác quây quần bên đồng chí, đồng đội. Tết đảo xa thật thiêng liêng với bốn bề sóng nước nhưng ấm tình đồng đội khiến tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Về với người thân càng nhớ lắm các đồng đội đang ở đảo. Mong các đồng đội tiếp tục vững tay súng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc"-Khang chia sẻ.

Chào đón mùa Xuân tương lai...

Các chiến sĩ vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều có những dự định riêng cho tương lai. Tuy thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự không dài nhưng trong thời gian tại ngũ, họ đã được rèn luyện ý chí khắc phục khó khăn, ý thức tổ chức kỷ luật, nền nếp chính quy. Ngày xuất ngũ trở về địa phương, họ không chỉ đón nhận tình cảm đầm ấm từ gia đình, bạn bè mà còn nhận được sự đón tiếp chu đáo, sự hỗ trợ của cơ quan quân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Các hoạt động vui Tết ở đảo Song Tử Tây thu hút đông đảo quân và dân tham gia. Ảnh: Lê Ngọc

Chiến sĩ Lê Hoài Thao quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa từng đóng quân trên đảo Nam Yết. Trước ngày xuất ngũ, Thao đã được cấp thẻ học nghề miễn phí và được cơ quan quân sự, chính quyền địa phương, các trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Trong khi đó, chiến sĩ Trịnh Quốc Anh, từng đóng quân tại đảo Sinh Tồn Đông mong muốn sau này sẽ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp để làm việc tại một resort trên địa bàn tỉnh.

Binh nhất Đỗ Văn Quân chia sẻ: “Sửa chữa ô tô là nghề mà tôi yêu thích từ nhỏ. Tôi quyết tâm theo học nghề này để làm hành trang cho cuộc sống sau này. Dự định đón Tết xong tôi sẽ đăng ký học và mong sớm tìm được việc làm, ổn định đời sống".

Đại tá Lương Văn Kiểm, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định cho biết: Khi các chiến sĩ xuất ngũ, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác đăng ký các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào ngạch dự bị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự cấp huyện, xã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm, nhằm giúp các quân nhân xuất ngũ sớm có điều kiện ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn