Tàu buồm 286 huấn luyện đường dài trên biển

Kỳ 2: Giảng đường nơi chân sóng

HQVN -

Trên những con tàu Hải quân nói chung, Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn nói riêng đều trang bị các loại máy móc, phương tiện hiện đại như: Máy đo sâu, máy định vị vệ tinh GPS, máy thu phát sóng thông tin, hải đồ điện tử… Song những kỹ năng cơ bản khi tác nghiệp đòi hỏi thủy thủ nào cũng phải thuần thục.

Từ kỹ năng chèo xuồng,  phát bản điện bằng cờ tay…

Tàu buồm 286 nhổ neo rời Quân cảng Nha Trang theo hải trình đến Singapore, Indonesia với quãng đường gần 2.600 hải lý. Trong 34 ngày hành trình, các học viên Khóa 59 theo các chuyên ngành đều được giảng viên theo dõi hướng dẫn và kiểm tra đánh giá kết quả. Chèo xuồng là một trong những nội dung mà học viên nào cũng muốn thử tài. Nó xem như là một môn thể thao “hot” trên biển. Xuồng được cẩu xuống mặt biển, mỗi lần tập có 8 học viên chia đều cho hai bên mạn cùng một cán bộ huấn luyện. Từ khẩu lệnh đồng thanh 1, 2, 3 đến sự hò reo “cố lên” tạo cho buổi huấn luyện thêm phấn khích. Những đôi tay chắc nịch của các học viên phối hợp nhịp nhàng, ăn ý để hoàn thành nhanh lượt tập của mình.

Học viên chuyên ngành hàng hải thực hành tác nghiệp trên hải đồ

Ở nội dung thông tin, các học viên tranh thủ thời gian ôn lại kỹ thuật thu, phát bản điện bằng cờ tay mỗi khi rảnh rỗi. Các nội dung này học viên đã được giới thiệu từ năm học thứ  2 nên sau ôn tập họ đã nhanh chóng thực hiện chuẩn xác, nhanh mạnh và vận dụng nhạy bén ngay trên biển. Lúc Tàu 286-Lê Quý Đôn hành trình vào gần khu vực cảng Tanjung Priok, Indonesia, mới từ xa, biên đội Tàu 641-Kri Clurit và Tàu 865-Kri Tenggiri đã cơ động từ căn cứ ra chào đón. Nhận được tín hiệu của tàu bạn, các nhân viên thông tin của Tàu 286 cùng  học viên chuyên ngành Thông tin-radar đã phối hợp thực hiện tốt thủ tục chào nhau “Hello ASEAN”. Động tác phất cờ nhanh, mạnh, nhịp nhàng, chính quy. Cán bộ, thành viên đoàn công tác trang phục chỉnh tề có mặt bên mạn tàu để chào. Vùng biển đang yên tĩnh bỗng rộn vang hồi còi tàu dài. Ai nấy trong đoàn cũng cảm nhận được tình cảm trân trọng mà bạn dành cho đoàn. Thượng sĩ Nguyễn Đức Thanh, Lớp KT24, Tiểu đoàn 3, Học viện Hải quân cho biết: “Qua nội dung ôn tập và thực hành thủ tục chào nhau giữa hai bên, tôi được củng cố nhanh kiến thức và đã vận dụng tốt nội dung học tập vào thực tế trên biển”.

Đến xác định vị trí tàu bằng mục tiêu thiên văn, địa văn

Tham gia đoàn công tác, chuyên ngành hàng hải có số lượng học viên nhiều hơn so với các ngành khác. Thượng úy Lê Hà An, Giảng viên Khoa Hàng hải luôn đồng hành với học viên trong tác nghiệp cũng như kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành đi ca. Trên giảng đường, giảng viên thường cho học viên các bài tập là những tình huống giả định. Học viên giải bài toán trên hải đồ, qua các phép tính xác định được vị trí tàu. Còn ở hải trình lần này, học viên tác nghiệp trực tiếp, theo dõi vết đi của tàu và ghi nhật ký hàng hải theo từng ca mình trực.

Một buổi thực hành xác định vị trí tàu bằng mục tiêu thiên văn của học viên được chuẩn bị khá kỹ lưỡng trên boong thượng của Tàu buồm 286. Hoàng hôn vừa buông xuống, theo hướng dẫn của giảng viên, các học viên dùng máy 1/6 đo sao để xác định vị trí tàu bằng phương pháp 2 sao. Qua những thao tác cần thiết, học viên xác định các thông số và tác nghiệp được vị trí tàu trên hải đồ. Thượng sĩ Ngô Quang Tiến, học viên Lớp KH33A, Tiểu đoàn 3 chia sẻ: “Bài tập rất thú vị, đòi hỏi người học luôn quan sát và tính toán nhanh mới có kết quả đúng. Nhờ nắm chắc lý thuyết và được thao tác nhiều lần nên đến nay tôi chỉ cần nhìn bầu trời là tôi tìm được ngôi sao cần đo”.

Để xác định vị trí tàu bằng mục tiêu địa văn, học viên chỉ cần quan sát các mục tiêu trên biển như hòn đảo, nhà giàn, bãi cạn và đối chiếu trên hải đồ là xác định được vị trí tàu. Quá trình hành quân đi và về, các mục tiêu địa văn trên biển đã được học viên chuyên ngành hàng hải tác nghiệp nhanh, chính xác. Thượng úy Lê Hà An cho biết: “Các học viên tham gia chuyến công tác đều là học viên có học lực khá và giỏi. Mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng với các bài tập giảng viên giao, học viên đều trả lời tốt. Khẩu khí và tác phong trong tác nghiệp của mỗi học viên đã phản ánh việc học và rèn của Khóa 59 có chuyển biến hơn so với các khóa trước”.

Hải đồ, thước song song, tẩy và bút chì là những dụng cụ luôn gắn liền với công việc của thủy thủ. Thao tác thuần thục các kỹ năng và vận dụng linh hoạt vào thực tế đi biển trên mỗi con tàu đòi hỏi có sự tích lũy thường xuyên của mỗi người lính biển. Giảng đường nơi chân sóng là chính chuyến trải nghiệm đường dài đầu tiên giúp học viên tích lũy kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp ra trường.

Bài, ảnh: Vũ Hưởng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn