Tăng cường giải pháp hạn chế vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội: Kỳ cuối-CÁC GIẢI PHÁP HẠN CHẾ VI PHẠM PHÁP LUẬT, KỶ LUẬT

HQVN -

Bên cạnh bài học kinh nghiệm rút ra từ các vụ vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội (PLNN, KLQĐ), vấn đề mà cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân chủng quan tâm hiện nay là cần có giải pháp phù hợp và hiệu quả để hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm, bảo đảm cơ quan, đơn vị an toàn.

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn 7 tháng đầu năm 2021 của Quân chủng, Bộ Tham mưu Hải quân đã đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế vi phạm PLNN, KLQĐ đối với Quân chủng trong thời gian tới.

Trước hết là phải làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, tuyên tuyền các chỉ thị, văn bản pháp luật, kỷ luật để bộ đội nắm chắc, hiểu sâu, từ đó hành động đúng. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải đưa các nội dung về quản lý, chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục mặt yếu, khâu yếu về quản lý kỷ luật một cách kịp thời, triệt để.

Cơ quan chính trị các cấp tăng cường tích hợp kiến thức pháp luật, kỷ luật quân đội sát đời sống, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ vào các buổi sinh hoạt giáo dục chính trị hằng tháng, quý. Nâng cao chất lượng Ngày chính trị văn hoá tinh thần, “Ngày pháp luật” bảo đảm sát đặc điểm từng cơ quan, đơn vị và nhu cầu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Lồng ghép các vụ việc vi phạm của đơn vị khác làm cơ sở rút kinh nghiệm, định hướng tư tưởng, nhận thức cho bộ đội trong đơn vị và dư luận nhân dân trên địa bàn...

Quán triệt về công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn trước giờ học tập, huấn luyện ở Tàu ngầm 182, Lữ đoàn 189. Ảnh: TT

Bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền thì vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, sự quyết liệt của cán bộ chủ trì các cấp cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chấp hành pháp luật, kỷ luật ở các cơ quan, đơn vị.

Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân cho rằng: Ở đâu cấp ủy, chỉ huy tiền phong gương mẫu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định của đơn vị; thực sự sâu sát, coi trọng tập thể, quan tâm đến bộ đội thì ở đó khó có thể xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Sự nêu gương ấy được thể hiện từ những việc làm nhỏ nhất như xưng hô, chào hỏi, lời ăn, tiếng nói, quan hệ ứng xử, giải quyết mối quan hệ cấp trên, cấp dưới cho đến chấp hành các nội quy, quy định của đơn vị; chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông… Sự vào cuộc của cán bộ chỉ huy cũng là tránh tình trạng trên nóng, dưới lạnh, giữa ấm, cán bộ cấp trên khoán trắng cho cán bộ cấp dưới, nhất là cán bộ cấp phân đội.

Cùng với sự gương mẫu của cán bộ, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong chấp hành PLNN, KLQĐ được các cơ quan, đơn vị không có vụ việc vi phạm đưa ra là tăng cường công tác quản lý bộ đội mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.

Thực tế cho thấy, các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật của bộ đội thường xảy ra vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Do đó, để cán bộ, chiến sĩ không có cơ hội biểu hiện, hành động tiêu cực và vi phạm pháp luật, kỷ luật, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực sự gần gũi, sâu sát, nắm chắc diễn biến tư tưởng bộ đội. Tạo môi trường gần gũi giữa đồng chí, đồng đội, giữa cấp trên với cấp dưới, xây dựng bầu không khí dân chủ, đoàn kết, cởi mở trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời quan tâm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội như bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn, quan tâm chăm lo hậu phương gia đình quân nhân, xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao lành mạnh để bộ đội tham gia…

Đại tá Nguyễn Văn Quán, Bí thư Đảng ủy, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 cho biết: Bên cạnh thực hiện nghiêm quy tắc bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động, Lữ đoàn còn đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, mọi quân nhân ở Lữ đoàn đều phải viết cam kết với chỉ huy về chấp hành pháp luật, kỷ luật; một số đơn vị phân công những đồng chí có ý thức chấp hành tốt ở cùng phòng và kèm cặp, giúp đỡ những đồng chí chưa tốt, thường xuyên quan tâm, động viên, khen thưởng các cá nhân có tiến bộ về chấp hành kỷ luật...

Kiểm tra nồng đô cồn khi quân nhân ra ngoài doanh trại tham gia giao thông ở Lữ đoàn Công binh 83. Ảnh: Vũ Sáng

Với một số đơn vị thường xuyên có cán bộ đi công tác dài ngày, các lực lượng đóng quân độc lập xa đất liền cần có sự kiểm tra, giám sát của các cấp để tránh tình trạng vi phạm kỷ luật và mất an toàn trang bị vũ khí.

Thượng tá Phan Văn Cảnh, Lữ trưởng Lữ đoàn 126 khẳng định: Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tư tưởng, tình cảm của bộ đội qua hệ thống thông tin liên lạc, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn định kỳ phân công chỉ huy đến thăm, động viên bộ đội, kiểm tra, nắm việc chấp hành kỷ luật, mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ để dự báo, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, các biểu hiện buông lỏng quản lý bộ đội...

Để hạn chế vi phạm 3 dứt điểm, ngoài sự giám sát chặt chẽ của các cấp, các tổ chức trong đơn vị thì cần phải phối kết hợp với chính quyền địa phương, gia đình để nắm, quản lý, định hướng tư tưởng, nhất là đối với các quân nhân có biểu hiện bất thường về tâm lý, tình cảm, tái phạm lỗi, chậm chuyển biến, tiến bộ… Trên cơ sở đó, có biện pháp theo dõi, động viên, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để vụ việc đơn giản trở thành phức tạp, từ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Rút kinh nghiệm từ các vụ việc xảy ra gần đây, đó là công tác khen thưởng phải kịp thời; xử lý vi phạm phải kiên quyết, dân chủ, công bằng thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ luật, thông qua đó, giáo dục bộ đội tự nhận thức được khuyết điểm để có hướng khắc phục, sửa chữa.

Với nhiều biện pháp quyết liệt, 7 tháng đầu năm nay các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật trong toàn Quân chủng giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Đây là sự khích lệ lớn đối với các cơ quan, đơn vị, nhất là những đơn vị còn “nóng” về vi phạm PLNN, KLQĐ, góp phần tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.

Trọng Thiết, Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn