Sống đẹp từ sách và truyền thống quê hương

HQVN -

“Bên cạnh việc giáo dục truyền thống theo các nội dung quy định, chúng tôi còn giáo dục truyền thống địa phương của các chiến sĩ nhằm xây dựng lòng tự hào, ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Đó là chia sẻ của Đại tá Trương Tuấn Chuyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 131 khi nói về công tác giáo dục truyền thống của đơn vị.

Hàng năm, Lữ đoàn Công binh 131 tuyển quân tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định và Thái Bình. Trong những đợt thâm nhập thực tế tại các địa phương cán bộ của Lữ đoàn đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm thông tin về lịch sử, truyền thống cách mạng của các miền quê. Các đồng chí cán bộ chính trị khi xây dựng giáo án thường chủ động biên tập, lồng ghép vào bài giảng chính trị các nội dung lịch sử của các địa phương tạo điểm nhấn, hấp dẫn cho người học.

Giao lưu văn nghệ “Tiếp lửa truyền thống” tại Lữ đoàn 131

Các buổi học tập chính trị không chỉ đơn thuần là việc đọc, chép mà còn có những câu chuyện gắn với lịch sử các miền quê, thậm chí là những câu chuyện về lịch sử do các chiến sĩ kể về quê mình với đồng chí, đồng đội. Đại úy Nguyễn Văn Hiểu, Chính trị viên Đại đội 6 cho biết: Bên cạnh việc giáo dục truyền thống của đất nước, Quân đội, Quân chủng và đơn vị, chúng tôi lồng ghép một số nội dung lịch sử của các miền quê giúp chiến sĩ dễ nhớ, dễ tiếp thu khi học tập. Các nội dung lịch sử gắn với các địa phương cũng góp phần khơi gợi lòng tự hào, xây dựng tình cảm yêu mến đơn vị cũng như xác định tốt động cơ học tập, phấn đấu cho chiến sĩ.

Chúng tôi được tham gia buổi trưng bày, giới thiệu sách về chủ đề “quê hương và người lính”(Sách do Quận đoàn Long Biên, TP. Hà Nội trao tặng đơn vị) tại Thư viện Lữ đoàn vào những ngày trung tuần tháng 11. Chiến sĩ Uông Ngọc Thuận, Đại đội 2, Tiểu đoàn 881 lật giở từng trang, chăm chú xem từng hình ảnh minh họa trên cuốn sách “Danh nhân Xứ Đông” và chờ tới lượt đăng ký để mượn. Nhờ say mê đọc sách, tìm hiểu về các danh nhân, giá trị truyền thống văn hóa của quê hương, Thuận nhớ nhiều chi tiết lịch sử về tỉnh Hải Dương cũng như về một số danh nhân như: Bà Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu… Thuận kể: Trước đây em ít đọc, mà có đọc thì đọc chuyện tranh thôi (cười). Về đơn vị, em đọc thêm một số sách về lịch sử, văn hóa, thấy cũng hay. Em đọc sách trước lúc đi ngủ, rồi những ngày cuối tuần cứ thế cũng thành quen.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 giúp dân nạo vét kênh mương nội đồng

Có nhiều chiến sĩ ở các tiểu đoàn, đại đội đến thư viện để mượn sách, báo vào giờ nghỉ. Hạ sĩ Nguyễn Dương Hoàng, Học viên huấn luyện Tiểu đội trưởng Công binh thuộc Tiểu đoàn 884 chia sẻ: Ngày học ở nhà tôi cũng ít quan tâm đến lịch sử nhưng việc học tập và đọc sách ở đây đã mang lại cho tôi nhiều điều thú vị, bổ ích.

Bên cạnh việc đổi mới công tác giáo dục truyền thống, Lữ đoàn còn quan tâm củng cố hệ thống thiết chế văn hóa nhằm tăng hiệu quả công tác giáo dục. Các buổi sinh hoạt định kỳ; các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, triển lãm; ngày sinh hoạt chính trị văn hóa tinh thần… thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tham gia.

 Trung tá Bùi Đức Thông, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn cho biết: Đơn vị thường xuyên tổ chức giao lưu gặp mặt truyền thống với các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn nhằm giáo dục cho các thế hệ trẻ về niềm tự hào được là thế hệ tiếp bước truyền thống cha anh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ biên soạn các chuyên đề dưới dạng hỏi đáp như: “Lịch sử cội nguồn vùng đất Nam Đồng Bằng sông Hồng”, “Tuổi trẻ Lữ đoàn sống đẹp, sống có ích”…

Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, công tác giáo dục truyền thống ở Lữ đoàn Công binh 131 đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bồi đắp cho thế hệ trẻ truyền thống, niềm tin, lòng yêu quê hương, đất nước và quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.  

Bài, ảnh: Xuân Dũng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn