Sáng kiến hay ngay từ khi chuẩn bị huấn luyện

HQVN -

Trước yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, những năm qua Lữ đoàn 189 xác định nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng mô hình học cụ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật là nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và bảo đảm kỹ thuật của đơn vị. Đại tá Nguyễn Văn Quán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 cho biết: Cấp ủy, chỉ huy các cấp của Lữ đoàn luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, động viên cán bộ, thủy thủ phát huy trí tuệ, tích cực làm ra các mô hình học cụ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Do vậy, các sản phẩm dự thi của đơn vị luôn mô phỏng sát với VKTBKT, đặc thù hoạt động của bộ đội tàu 

Từ yêu cầu thực tế huấn luyện và nhiệm vụ cứu nạn tàu ngầm của đơn vị Trung tá Lê Văn Thọ, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm cứu nạn tàu ngầm, Lữ đoàn 189 đã cho ra đời “Mô hình quy trình can thiệp khẩn cấp, cứu nạn tàu ngầm”. Bằng các vật liệu tái chế có sẵn tại đơn vị kết hợp với làm tay khéo léo, Trung tá Lê Văn Thọ đã tạo ra một mô hình giúp người học hình dung tổng quan về quá trình can thiệp, cứu nạn tàu ngầm. Trung tá Lê Văn Thọ chia sẻ: Can thiệp khẩn cấp, cứu nạn tàu ngầm là một quá trình diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ của nhiều thành phần. Trước khi vào huấn luyện cụ thể thì bộ đội cần phải nắm tổng thể toàn bộ quá trình, vị trí chiến đấu, cần làm gì vào từng thời điểm. Từ việc hình dung tổng quan, bộ đội sẽ xây dựng cho mình được động cơ, ý chí quyết tâm trong việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình và thực hiện chính xác ý định của người chỉ huy tại từng thời điểm.

 

Thuyết trình “Mô hình quy trình can thiệp khẩn cấp, cứu nạn tàu ngầm” tại hội thi

Cùng với mô hình quy trình can thiệp khẩn cấp, cứu nạn tàu ngầm, nhóm tác giả của Trung tâm cứu nạn tàu ngầm còn có sáng kiến phần mềm mô phỏng hệ thống định vị thủy âm chính xác cao. Hệ thống được thiết kế để cung cấp vị trí chính xác của các vật thể dưới đáy biển giúp cho người chỉ huy điều hành các phương tiện thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn. Tuy nhiên, khi vận hành hệ thống định vị thủy âm chính xác cao với đầy đủ tính năng đòi hỏi tàu phải cơ động ra khu vực biển có độ sâu nhất định. Để bộ đội nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt kiến thức và làm chủ khai thác hệ thống một cách nhanh chóng, người vận hành hạn chế tắt, mở trang thiết bị thật và điều động tàu, nhóm tác giả đã thiết kế phần mềm mô phỏng hệ thống định vị thủy âm chính xác cao.

Áp dụng công nghệ vào sáng kiến, sáng chế tạo ra sản phẩm có tính hiệu quả cao, thiết thực trong bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT trên tàu ngầm luôn được cán bộ, thủy thủ chú trọng, Thượng úy QNCN Hoàng Trung Son, nhân viên ngành 5, Tàu 184 đã thiết kế thiết bị kiểm tra, hiệu chỉnh các cảm biến áp lực trang bị trên tàu ngầm. Sáng kiến ra đời giúp cho nhân viên trên tàu khai thác, bảo quản bảo dưỡng được an toàn và chính xác hơn. Thượng úy QNCN Hoàng Trung Son chia sẻ: Đối với tàu ngầm cảm biến áp lực hết sức quan trọng, bảo đảm an toàn cho tàu trong quá trình hoạt động trên biển. Trong thực tiễn chưa có thiết bị nào đo và điều chỉnh được cảm biến này. Việc kiểm tra tình trạng của các cảm biến áp lực là yêu cầu thường xuyên trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng khi tàu neo đậu tại cảng. Tình trạng VKTBKT tàu ngầm hoàn hảo thì tàu mới hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.

Trên đây là những sản phẩm tiêu biểu trong tổng số gần 40 đề tài được lựa chọn từ vòng sơ khảo hội thi “Mô hình học cụ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật” năm 2023 của Lữ đoàn 189. Các sản phẩm dự thi đều được các tác giả, nhóm tác giả trực tiếp thuyết trình, vận hành sử dụng và trả lời phản biện của các thành viên Ban giám khảo nhằm hoàn thiện hơn để đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Đánh giá về các mô hình học cụ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2023 của Lữ đoàn, Đại tá Nguyễn Văn Quán cho biết: Đa số các đề tài dự thi là những mô hình học cụ trực quan, sinh động, dễ thao tác, có tính ứng dụng cao, giúp bộ đội tham gia huấn luyện nhanh chóng nắm bắt cơ chế vận hành và làm chủ được VKTB cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Những sản phẩm được đánh giá cao tại hội thi sẽ được Lữ đoàn hoàn thiện và tham gia thi ở cấp trên nhưng quan trọng hơn hết các sản phẩm này sẽ đưa vào áp dụng huấn luyện thực tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và bảo đảm kỹ thuật của Lữ đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Đức Thu

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn