Quân dân Hải Phòng trong Chiến dịch Phòng không năm 1972

Đồng chí LÊ KHẮC NAM, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Hải Phòng là một trọng điểm mà đế quốc Mỹ xác định tập trung đánh phá.

Bởi đây là cảng biển cửa ngõ của miền Bắc, nơi tiếp nhận các nguồn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; là đầu mối giao thông đường sắt, đường biển, đường sông phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Hải Phòng còn là thành phố công nghiệp, đông dân, có nhiều nhà máy, xí nghiệp; nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và tiềm lực quốc phòng.

Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ mở màn với 3 đợt đánh phá ác liệt bằng máy bay B-52 và các loại máy bay tiêm kích kết hợp tàu tuần dương và khu trục. Hàng trăm tấn bom, hàng nghìn quả đại bác, tên lửa đã tàn phá hơn một nửa diện tích nội thành. Tháng 11-1972, LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức diễn tập phòng không nhân dân; hệ thống thông tin liên lạc, công sự được củng cố; nhiều trận địa nghi binh, trận địa dã chiến cho bộ đội tên lửa, bộ đội cao xạ cơ động, một số trạm radar nhằm “tăng độ dài cánh sóng” được bố trí. Lực lượng dân quân, tự vệ được trang bị thêm nhiều loại súng máy, pháo cao xạ và phương tiện cấp cứu... Các phương án chiến đấu được chuẩn bị. Thường vụ Quân khu ủy Tả Ngạn và Thành ủy Hải Phòng thống nhất sơ tán cấp tốc 21 vạn dân ra khỏi nội thành trong ngày 18-12-1972. Toàn thành phố đã sẵn sàng chiến đấu.

Quân dân Hải Phòng trong Chiến dịch Phòng không năm 1972

Quân và dân TP Hải Phòng chuẩn bị chiến đấu chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ cuối năm 1972. Ảnh tư liệu 

Với bản chất hiếu chiến, vô nhân đạo, tối 18-12-1972, đế quốc Mỹ mở màn chiến dịch tiến công miền Bắc nước ta bằng máy bay B-52. Tại Hải Phòng, hàng chục "pháo đài bay" B-52 cùng nhiều máy bay tối tân nối đuôi nhau bay vào vùng trời thành phố, thả hàng nghìn quả bom vào khu dân cư, nhà máy hòng xóa xổ thành phố cảng. Nhưng chúng đã sai lầm, bởi điều đó càng làm quyết tâm đánh giặc của quân và dân Hải Phòng lên cao.

Với ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, từ đêm 19 đến ngày 21-12-1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với quân và dân Hải Phòng bắn rơi 12 máy bay Mỹ, diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Nghiên cứu, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, Thành ủy Hải Phòng nhận định: Những ngày tới, nhất định Mỹ sẽ dùng B-52 đánh phá Hải Phòng. Để chuẩn bị đối phó với tình huống địch đánh lớn, có tính chất hủy diệt, ngày 21-12, Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố quyết định tạm ngừng sản xuất ở nội thành. Tất cả công nhân, viên chức không có nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu được nghỉ để sơ tán. Nhân dân ở vùng gần sân bay, kho tàng, trận địa tên lửa, pháo cao xạ và một số xã ven Đường số 5 cũng phải sơ tán triệt để. Riêng trong nội thành, đến chiều 22-12 chỉ còn lại gần 2 vạn người làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Với tinh thần quyết tử, còn người là còn trận địa, các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng được ý chí quyết tâm, dám đánh, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Lực lượng phòng không 3 thứ quân ở Hải Phòng, nòng cốt là các trung đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân) cùng các trung đội dân quân xã, tiểu đoàn pháo cao xạ 100mm tự vệ của các nhà máy đồng loạt nhả đạn, phối hợp chiến đấu nhịp nhàng. Vùng trời Hải Phòng rực đỏ bởi đạn phòng không các loại. Trong chiến công chung của quân và dân miền Bắc, quân và dân TP Hải Phòng đã bắn rơi 17 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 4 máy bay B-52, 1 chiếc F-111, diệt và bắt nhiều giặc lái, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại.

Phát huy bài học chiến thắng, quá trình phát triển, Hải Phòng luôn phát huy truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng”, xác định nhiều chủ trương, giải pháp huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc.

Để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, Hải Phòng luôn quan tâm xây dựng LLVT thành phố vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, trở thành lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương; xung kích tham gia thực hiện nhiều công trình trọng điểm, như: Lấn biển Vinh Quang (Tiên Lãng), đắp đê lấn biển Đường số 14 (Kiến Thụy), xây đập Cái Tắt, làm đường xuyên đảo Cát Bà, đào kênh Cái Tráp, nâng cấp sân bay Cát Bi... Đồng thời, LLVT thành phố luôn đi đầu trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Trong những năm qua, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được khởi công và khánh thành, tạo sự đồng bộ, hiện đại và kết nối. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ đạt được những kết quả quan trọng. An sinh xã hội được chăm lo tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả rõ nét. Đây là cơ sở quan trọng để Hải Phòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, hướng tới là một trong những thành phố hiện đại hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2030 và của châu Á vào năm 2045.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn