Phòng chống bệnh giao mùa cho bộ đội
HQVN -
Hiện tại đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thuận lợi cho các bệnh cảm cúm, tả, lị, rubella… phát sinh và lan rộng. Các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho bộ đội.
Chủ động phòng bệnh sau bão lũ
Liên tiếp 2 cơn bão đi vào khu vực miền Trung gây mưa lớn, ngập lụt, sạt lở dẫn tới nhiều nơi bị cô lập. Vùng 3, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân đang tích cực hỗ trợ, giúp dân cả trước, trong và sau bão nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Dương Văn Thiện, Phó Trưởng Phòng Quân y, Cục Hậu cần Hải quân cho biết: Sau bão lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm khó đảm bảo an toàn. Người dân dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, cảm cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân và các bệnh da liễu khác. Trong Quân chủng có nhiều đơn vị đóng quân ở các địa phương bị lũ lụt, ngoài ra còn có các lực lượng đi cứu trợ, giúp dân… Trước tình hình đó, Phòng Quân y đã ra văn bản hướng dẫn một số nội dung phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão và giai đoạn giao mùa cho bộ đội.
Quân y Vùng 1 khám bệnh cho ngư dân quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng. Ảnh: Vũ Hưởng
Các đơn vị Hải quân khu vực Đà Nẵng, Nghệ An… đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm dễ bị mắc trong mùa mưa bão cho bộ đội. Quân y các đơn vị chủ động rà soát, tổ chức lực lượng và dự trữ vật chất quân y theo kế hoạch để kịp thời đảm bảo cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tích cực tuyên truyền cho bộ đội các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm giao mùa và bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa sau mưa bão.
Các đơn vị thuộc Vùng 3 vừa tập trung giúp dân khắc phục hậu quả sau bão vừa phải thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Do đó, việc đảm bảo sức khỏe trong điều kiện thời tiết phức tạp được đơn vị đặc biệt quan tâm. Đại úy Mai Văn Cường, Chủ nhiệm Quân y Vùng 3 cho biết: “Vùng đã triển khai 10 xuồng cứu hộ với một cơ số lương thực, thực phẩm khô, nước uống đóng chai, thuốc quân y, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân các khu vực ngập lụt và bị cô lập trên địa bàn…
Quân y các đơn vị chuẩn bị sẵn Cloramin B, phèn chua để khử khuẩn đất, nước; các viên lọc nước Aqua để lọc nước lũ thành nước sạch có thể uống; dầu gió, cao sao vàng, thuốc nhỏ mắt, thuốc chống rối loạn tiêu hóa và kháng sinh để giúp bộ đội và nhân dân phòng, chống các bệnh dễ xảy ra sau bão lũ như bệnh đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ, bệnh nấm ngứa viêm nhiễm. Trong và sau bão, quân y các đơn vị kết hợp chặt chẽ với lực lượng y tế tại địa phương, tổ chức khám, cứu chữa cho người bị bệnh theo tuyến trong khu vực xảy ra thiên tai và triển khai các biện pháp vệ sinh phòng dịch, khắc phục hậu quả sau lũ lụt”.
Không để dịch bệnh giao mùa bùng phát
Hiện nay, thời tiết phía Nam đã bước vào mùa mưa, phía Bắc bắt đầu xuất hiện những đợt không khí lạnh cùng với thời tiết hanh khô, khiến các loại vi rút gây bệnh sinh sôi mạnh, dễ làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Sởi, rubella, ho gà, thủy đậu, não mô cầu, sốt xuất huyết… Các đơn vị Hải quân đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm sức khỏe cho bộ đội như: Giữ vệ sinh nơi ăn, ở; vệ sinh cá nhân; ăn chín, uống sôi, khử trùng nước uống và nước sinh hoạt… Quân y các đơn vị thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tại địa phương đóng quân; thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân khi đi dã ngoại cho bộ đội và các đơn vị tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão.
Tủ hâm nóng thức ăn tại bếp cơ quan Lữ đoàn 126. Ảnh: CTV
Thượng tá Dương Văn Thiện cho biết thêm: “Bộ phận nuôi quân các đơn vị nâng cao chất lượng chế biến món ăn, đảm bảo đủ chất, dinh dưỡng, ăn đúng giờ; xây dựng thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất, tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất… góp phần nâng cao sức đề kháng cho bộ đội. Một số đơn vị ở khu vực miền Trung và miền Bắc đã được đầu tư máy hâm nóng thức ăn, đảm bảo sau những giờ huấn luyện căng thẳng trên thao trường, bộ đội được phục vụ những bữa ăn nóng sốt”.
Hiện nay, các đơn vị miền Bắc đã được trang bị cơ sở vật chất tốt, đảm bảo nơi ăn, ở cho bộ đội. 100% đơn vị có công trình tắm nước nóng. Nhà ở, nhà làm việc được xây mới, bảo đảm thông thoáng vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông… Cùng với đó, để tăng cường khả năng miễn dịch trong thời điểm giao mùa, bộ đội được yêu cầu tập luyện, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn... Thiếu tá QNCN Trần Giải Phóng, Phụ trách Quân y Lữ đoàn 126 cho biết: “Lực lượng đặc công thường xuyên rèn luyện ngoài trời, trong thời tiết khắc nghiệt. Do đó, trước khi huấn luyện, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, bộ đội phải tuân thủ các quy tắc chung và các bước khởi động làm nóng cơ thể để kéo dài thời gian hoạt động dưới nước, phòng tránh nguy cơ bị chuột rút hoặc đau mỏi cơ sau bơi, sốc nhiệt khi xuống nước. Sự thay đổi nhiệt độ giữa hai mùa dễ gây cảm lạnh vào buổi tối và buổi sáng nên bộ đội phải sử dụng trang phục phù hợp với nhiệt độ môi trường…”.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp do cơ quan chuyên môn chỉ đạo, các đơn vị đã xây dựng nhiều phương án phòng chống bệnh giao mùa cho bộ đội như: Điều chỉnh thời gian huấn luyện; mặc đồ bảo hộ khi làm việc ngoài trời, trong đêm tối; đeo khẩu trang khi ra ngoài đường… Đồng thời, các đơn vị kết hợp với quân dân y địa phương làm công tác vệ sinh phòng dịch, tuyên truyền giúp đỡ nhân dân phòng, chống các bệnh giao mùa và sau bão lũ, đảm bảo sức khỏe cho cả nhân dân và bộ đội.
Xuân Hương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )