Phố biển vang mãi tên anh

HQ Online -

 “Tôi kiêu hãnh nhắc tên anh/Đồng Quốc Bình/Tôi kiêu hãnh nhắc đời anh/19 tuổi xanh, xả thân vì nước/Tuổi thơ anh khao khát đêm ngày/Làm con sóng dưới thân tàu Tổ quốc/Làm người lính ngày đêm đứng gác/Giữ yên bầu trời mặt biển quê hương”-Những lời thơ viết về liệt sĩ của trận đầu đánh thắng cứ vang vang bên tai tôi mỗi lần có dịp đi qua phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng.

Hôm nay, chúng tôi bồi hồi đến lạ khi rảo bước qua những con phố của phường mang tên người chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ngày 5-8-1964 để hướng về xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy thăm gia đình anh. Dù đã được báo trước nhưng khi đoàn đến nhà, ông Đồng Minh Chính-anh trai liệt sĩ vẫn chưa vơi bớt xúc động.

Năm nay đã ở tuổi 89 nhưng ông Đồng Văn Chính vẫn minh mẫn nên rất nhớ kỷ niệm của 4 chị em ông thủa thiếu thời mà kỷ niệm với người em trai Đồng Quốc Bình là sâu đậm nhất.

 Sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp, ông chuyển ngành làm ở huyện An Lão. Lúc ấy, Đồng Quốc Bình vừa học xong lớp 7, được đi học sư phạm nhưng cứ nhất quyết xung phong nhập ngũ. “Chú Bình khi chưa đi bộ đội chỉ được 47 kg. Sau mấy tháng huấn luyện đã lên 67 kg. Ngày chú ấy huấn luyện ở Thủy Nguyên, cứ cuối tuần, tôi lại đạp xe từ An Lão sang đón về thăm nhà một đêm, rồi sáng sau hai anh em lại chở nhau sang đơn vị!”-ông Chính kể.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của đồng chí Đồng Quốc Bình cho thân nhân gia đình. Ảnh: Văn Vũ

Đêm 4-8-1964, chính quyền Mỹ dựng lên Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, vu cáo Hải quân ta tấn công tàu Mỹ ở vùng biển quốc tế. Với cớ đó, ngay sáng hôm sau, địch dùng 40 máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại bất ngờ tấn công phá hoại các cơ sở kinh tế của ta, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc của quân dân ta bắt đầu.

Sáng 5-8, Đồng Quốc Bình đã tạm biệt đồng đội để về quê nghỉ phép. Đúng lúc anh rời doanh trại thì máy bay địch ập đến. Không chần chừ, Binh nhất Đồng Quốc Bình lập tức quay trở lại đơn vị cùng tờ giấy nghỉ phép có chữ ký của thủ trưởng vẫn thơm mùi mực.

Ra tới quân cảng cũng là lúc Tàu 144 đang rời bến đi chiến đấu, Đồng Quốc Bình đã mượn ngay một chiếc thuyền nan của ngư dân đỗ gần đó bơi theo tàu để sát cánh chiến đấu cùng các đồng đội.

14 giờ 40 phút, địch sử dụng 8 máy bay phản lực chia thành nhiều tốp bay sát mặt biển, đến gần đèn Long Châu mới vọt lên cao rồi lao xuống đánh vào khu vực các tàu của ta đang đậu ở Cửa Lục làm một số tàu và lực lượng pháo cao xạ không kịp nổ súng. Đến đợt chúng bổ nhào lần thứ 2, các đơn vị đã chủ động đánh trả địch. Sau đó, Sở chỉ huy Khu Tuần phòng 1 quyết định cho các tàu cơ động ra Vịnh Hạ Long. Tàu 144 được lệnh cơ động ra trước. Đi được một đoạn, gặp máy bay địch lao xuống công kích, các loại hỏa lực trên tàu bắn lên mạnh mẽ, máy bay địch buộc phải tăng độ cao để thoát khỏi tầm hỏa lực của tàu ta.

Trong quá trình chiến đấu, Tàu 144 có chiến sĩ Đinh Trọng Mua bị hai mảnh đạn văng vào trán, máu chảy ròng ròng xuống mặt. Anh lấy tay vuốt máu tiếp tục cùng đồng đội ngắm bắn; Khẩu đội trưởng Lê Sĩ Hằng bị thương gãy một bên chân đã dùng dây buộc chân lên thành pháo, tiếp tục đứng vững trên vị trí chỉ huy khẩu đội đánh địch; Binh nhất-thợ máy Đồng Quốc Bình bị thương hai lần vẫn nén đau, bình tĩnh tiếp đạn cho đồng đội.

Các đồng đội đã có vần thơ kể lại tấm gương chiến đấu của Đồng Quốc Bình: “Trong ánh lửa sáng loà/Anh đứng thẳng như đã từng qua thử thách/Họng pháo quay nghiêng, chênh chếch ngang trời/Loạt đạn đầu tiên đã vút lên rồi/Chúng chập choạng cánh bay lơ láo/Như con thoi chuyên cần táo bạo/Lưới đạn chăng lên, mâm pháo vẫn đầy”.

Lần thứ 3 bị thương bên sườn, anh dùng một tay giữ để ruột khỏi tuột ra, tay còn lại chuyển tiếp những băng đạn cuối cùng cho đồng đội đánh địch. “Đồng Quốc Bình máu đỏ đôi tay/Vẫn bám pháo như con tàu bám biển/Xé nát đội hình khi chúng đến/Hai chiếc lìa đàn chới với phía khơi xa/Bỗng Bình nghe bụng nhói, chân đau/Máu đỏ loang trên mặt ván, sàn tàu/Máu chảy từ bụng, đầu mặn chát/Cổ khô bỏng, áo quần rách nát/Bình vẫn còn tim, còn mắt để nhìn/Tai còn nghe lời chính trị viên/Mỗi hơi thở của người chiến sĩ/Là hơi thở của đoàn tàu không nghỉ”.

Biết mình không thể qua khỏi trong khi cuộc chiến đấu với quân địch đang hồi quyết liệt, Bình nói với người đồng đội đứng gần nhất: “Hưng ơi, nâng mình dậy/Cho mình nhìn mặt biển thân yêu”. “Và Bình nghe đồng đội hò reo/Bắt một phi công, bắn rơi hai phản lực/Bình dồn cả tâm hồn, hơi sức/Nở nụ cười ôm hôn Chính trị viên…”. Anh đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời tròn 19 và cũng vừa 19 tháng tuổi quân.

Với sự hy sinh cao cả của anh, thành phố Hải Phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đặt tên anh cho một phường của đất Cảng quê hương: Phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Lịch sử đã sang những trang mới. Trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam cùng quân và dân miền Bắc đã đi vào lịch sử dân tộc để mỗi năm đến ngày mồng 2 và 5 - 8, ký ức vô cùng bi tráng lại ùa về trong tiềm thức của thế hệ hôm nay. Phố biển vang mãi tên anh, tự hào về anh Đồng Quốc Bình-người con đất Cảng đã hy sinh cho Tổ quốc thanh bình, cho biển, đảo xanh thắm.

Bảo Ngọc

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn