Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để làm chủ vững chắc trang bị kỹ thuật hiện đại

HQVN -

Với vai trò là đơn vị tên lửa chủ lực của Quân chủng, Vùng 2 Hải quân, cùng với duy trì khả năng SSCĐ trong mọi tình huống, Lữ đoàn 681 luôn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ.

Sáng kiến có giá trị

Một số TBKT qua sử dụng cần phải thay thế nhưng vật tư ngày càng khan hiếm, trong khi yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi các loại TBKT phải luôn SSCĐ cao.... Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, triển khai nhiều biện pháp để duy trì, nâng cao hệ số kỹ thuật, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681 cho biết: Chúng tôi một mặt xây dựng môi trường làm việc sáng tạo bằng cách tổ chức các câu lạc bộ, diễn đàn, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng. Mặt khác tạo động lực cho tập thể, cá nhân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chỉ huy đơn vị kịp thời khen thưởng đồng thời tập trung đầu tư thiết bị, phần mềm hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu...

Thời gian qua, Lữ đoàn đã có 85 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiệm vụ khoa học công nghệ và mô hình học cụ được ứng dụng hiệu quả. Trong đó có nhiều sáng kiến được tặng Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Quân đội như: Sáng kiến nghiên cứu thay thế màn hình chuyên dụng của thiết bị chuẩn bị trước khi phóng và phóng tên lửa của Thiếu tá Ngô Văn Tình, Đội trưởng Đội Hỏa lực; sáng kiến thiết bị phục vụ huấn luyện và kiểm tra, hiệu chỉnh, sửa chữa các phần tử hệ thống thủy lực của Thiếu tá Phạm Trung Thông, Trợ lý Xe-máy, trạm nguồn...

 

Sửa chữa máy phát điện trên xe bệ phóng ở Lữ đoàn 681. Ảnh: TTV

Thiếu tá Ngô Văn Tình cho biết: Nghiên cứu khoa học là đam mê nhưng niềm vui lớn nhất là khi sản phẩm của mình làm ra giải quyết được vấn đề cấp thiết và mang lại hiệu quả cho đơn vị, giảm thời gian, sức lao động cho anh em... Đây là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục theo đuổi công tác nghiên cứu.

TBKT của Lữ đoàn chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, việc sửa chữa, thay thế đều phụ thuộc vào đối tác. Do đó, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho ra đời các sản phẩm với giá thành rẻ, sản xuất bằng công nghệ nội địa đã giảm bớt phần nào sự phụ thuộc vào vật tư, phụ tùng của đối tác. Những sáng kiến này khi triển khai tại đơn vị mang lại hiệu quả rất lớn trong khai thác, sử dụng TBKT, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và khả năng SSCĐ của đơn vị. 

Từng bước nội địa hóa

TBKT hiện đại ngày càng được nâng cấp về công nghệ trong khi thời gian, nguồn lực dành cho huấn luyện làm chủ khí tài mới thường bị hạn chế; các TBKT thiếu tính tương thích gây khó khăn cho việc đồng bộ... Giải quyết vấn đề trên, tiến tới làm chủ vững chắc TBKT, Lữ đoàn lựa chọn giải pháp quan trọng và xuyên suốt là nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ tay nghề cao.

Hằng tháng, quý, Ngành kỹ thuật của đơn vị đều tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu tập trung vào các hệ thống vũ khí mới, kết hợp lý thuyết với thực hành.

“Chúng tôi áp dụng công nghệ mô phỏng, thực tế ảo để tăng cường hiệu quả huấn luyện thực trên thiết bị. Ngoài ra, các trạm, đội tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nhằm cập nhật thông tin, kiến thức kỹ thuật mới cho cán bộ, nhân viên ngành mình. Giáo viên được lựa chọn từ những cán bộ kỹ thuật có trình độ, năng lực và có khả năng nắm bắt nhanh với công nghệ mới, đặc biệt là những người đã được đào tạo ở nước ngoài”-Trung tá Trần Trung Dũng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn 681 cho biết.

Kíp trắc thủ Đội Hỏa lực trong giờ huấn luyện thực hành triển khai TBKT. Ảnh: TTV

Nói về công tác bảo đảm kỹ thuật ở Lữ đoàn 681, không thể không nhắc đến vai trò của Tổ xung kích, là nơi tập hợp những cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ, kỹ năng, tâm huyết... Trong thời gian 5 năm trở lại đây, chỉ 7 đồng chí trong  Tổ xung kích đã sửa chữa hơn 310 lần các hỏng hóc nhỏ, thông thường; xây dựng hoàn thiện cẩm nang sữa chữa TBKT của đơn vị, chuẩn bị  bài giảng phục vụ huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật cho từng phân đội và từng trắc thủ ở các vị trí chiến đấu; biên dịch hàng nghìn trang tài liệu, biên soạn hàng chục bộ quy trình thao tác sử dụng TBKT, phiếu công nghệ...

Với những biện pháp đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, chỉ trong thời gian ngắn tập trung huấn luyện thực tế, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn đã làm chủ các TBKT trên các xe bệ phóng, xe vận chuyển nạp, xe chỉ huy chiến đấu, xe ra đa, thiết bị kiểm tra tên lửa; làm chủ quy trình tháo lắp sửa chữa lỗi điện trở cách điện đầu đạn của tên lửa chiến đấu. Cùng với tự chủ trong nghiên cứu khoa học ứng dụng cho công tác bảo đảm kỹ thuật, đơn vị còn phối hợp với các viện nghiên cứu chế tạo vật tư đặc chủng để bảo đảm ZIP dự trữ sử dụng lâu dài cho các khí tài phức tạp.

Làm chủ TBKT hiện đại là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Việc phát huy nội lực, coi trọng yếu tố con người, áp dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm kỹ thuật... đã góp phần nâng cao khả năng SSCĐ của Lữ đoàn.

Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn