Nỗ lực vì bình đẳng giới và phát triển toàn diện

HQVN -

Bình đẳng giới không chỉ là một yêu cầu về quyền lợi mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển toàn diện của cơ quan, đơn vị. Ở Quân chủng Hải quân, phụ nữ không còn bị giới hạn trong vai trò truyền thống ở các ngành hậu cần, y tế, thông tin liên lạc mà đã và đang đảm nhiệm các vị trí nòng cốt trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật và tham gia trực tiếp vào các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý.

Khẳng định vai trò trong những lĩnh vực khó

Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã có những bước tiến quan trọng về bình đẳng giới, đặc biệt là sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ vào các vị trí, nhiệm vụ quan trọng. Tại một số đơn vị, phụ nữ đã khẳng định vị thế và vai trò trong một môi trường mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Nhiều chị em không chỉ làm tốt chuyên môn mà còn là người chủ trì các công trình lớn, quan trọng của đơn vị, Quân chủng. Đặc biệt, sự tham gia của chị em với vai trò là chuyên gia kỹ thuật thực thụ đã phá vỡ những định kiến về giới trong ngành công nghiệp quốc phòng.

 Thượng tá Bùi Thị Hà, Phó trưởng phòng Điện, Viện Kỹ thuật Hải quân giới thiệu đề tài do Phòng thực hiện với đoàn công tác của Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng. Ảnh: CTV

Tại Viện Y học Hải quân, trong 140 hội viên của Hội phụ nữ thì có 6 người giữ chức vụ quản lý và 115 người làm công tác chuyên môn có tham gia nghiên cứu khoa học. Viện Kỹ thuật có 30% hội viên làm chủ đề tài, dự án và nhiều cán bộ đảm nhận những khâu quan trọng của việc nghiên cứu, thiết kế, sửa chữa các trang bị vũ khí. 

Một ví dụ điển hình khác cho sự dấn thân vào các lĩnh vực khó của phụ nữ Hải quân có thể kể đến các cán bộ Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển. Ở đây, các đề tài, dự án quan trọng thực hiện ở vùng biển, đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý không còn là lĩnh vực độc quyền của nam giới. Có mặt trong thành phần đón đoàn công tác trên đảo Trường Sa, Thượng tá Vũ Thị Quỳnh Chi, Chủ tịch Hội phụ nữ của Trung tâm đã khiến nhiều đại biểu ngạc nhiên xen lẫn tò mò. Lý do mà chị có mặt ở đây là do đang thực hiện công trình nghiên cứu khoa học tại huyện đảo Trường Sa. Đây là lần thứ 8 chị đi công tác Trường Sa trong 6 năm qua.

Chị chia sẻ: “Lúc đầu, tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng khi là nữ quân nhân duy nhất trên đảo. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của lãnh đạo, chỉ huy cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của các đồng chí, đồng đội trên đảo, tôi quen dần với nếp sinh hoạt và môi trường khắc nghiệt. Tôi nhận ra rằng việc mình có mặt ở đây không chỉ đóng góp vào công tác nghiên cứu khoa học mà còn khẳng định khả năng của phụ nữ trong quân ngũ, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ, nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Không chỉ tham gia vào nghiên cứu, phụ nữ Hải quân còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động đối ngoại. Trên các con tàu Hải quân Nhân dân Việt Nam đi thăm và làm việc với hải quân các nước Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, nữ quân nhân Hải quân có thể là nhân viên phục vụ đoàn, cán bộ phái đoàn hoặc là phiên dịch viên, diễn viên Đoàn Văn công. Dù ở vai trò nào, họ đều nỗ lực hết mình vượt mọi khó khăn, trở ngại và thể hiện một tinh thần làm việc chuyên nghiệp được bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Vì sự tiến bộ của phụ nữ

Thượng tá Nguyễn Thị Minh, Trợ lý Phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị cho biết: Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp trong Quân chủng đã không ngừng tham mưu, đề xuất triển khai các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới như: Tổ chức các khóa đào tạo, chương trình phát triển cũng như hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao góp phần nâng cao nhận thức cả cho phụ nữ lẫn cán bộ, chiến sĩ nam giới trong đơn vị.

Theo đó, các hội phụ nữ thường xuyên đổi mới phương pháp và hình thức tuyên truyền; tổ chức các buổi tọa đàm, mời các chuyên gia nói chuyện về vai trò của phụ nữ trong gia đình, cơ quan, đơn vị. Hầu hết những hoạt động giao lưu đều có sự tham gia của nam giới.

Nữ giảng viên Học viện Hải quân phiên dịch cho thủ trưởng đoàn công tác trong chuyến đối ngoại của Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn tại Singapore. Ảnh: CTV

Hiện nay, phần lớn lao động nữ trong Quân chủng được sắp xếp, bố trí công việc ổn định, phù hợp với chuyên môn và hoàn cảnh gia đình; trong đó có gần 2 nghìn đảng viên và hơn 150 đồng chí tham gia cấp ủy. Các chính sách về chế độ thai sản, nghỉ ốm đau cũng như phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” đã hỗ trợ hiệu quả nhiều nữ quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Với gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ Quốc phòng và Quân chủng, hội phụ nữ các cấp đã duy trì 200 tổ, nhóm tiết kiệm; 200 lượt hội viên vay phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Dù đạt được nhiều tiến bộ nhưng thực tế tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong Quân chủng còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,83%. Lực lượng nữ quân nhân có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đang ngày càng tăng nhưng việc thăng tiến ở vị trí lãnh đạo vẫn gặp nhiều trở ngại do đặc thù công tác, nhiệm vụ và nhiều lý do khác. Đa số phụ nữ giữ các vị trí quản lý chủ yếu là ở các đơn vị chuyên môn như Viện Kỹ thuật, Viện Y học Hải quân và Học viện Hải quân.

Thời gian tới với sự quan tâm của chỉ huy các cấp cùng sự thể hiện năng lực đóng góp trên các mặt công tác sẽ ngày càng nâng cao vai trò của phụ nữ. Chị em đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, có chuyên môn cao cho thấy bình đẳng giới trong quân đội nói chung, Quân chủng nói riêng không chỉ là mục tiêu về quyền con người mà còn là yếu tố để xây dựng đơn vị VMTD.

Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn