Những người tiếp sóng ngày 5-8

HQVN -

Chỉ rời khung cảnh ồn ào, tấp nập của phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long vài bước chân, chúng tôi đã bước vào không khí tĩnh lặng, trầm mặc của khu di tích Trung tâm địa chính Bưu điện Quảng Ninh. Chân núi Bài Thơ. Bóng đá núi, bóng cây che kín Nhà Cơ vụ cũ. Việc đầu tiên chúng tôi làm là thắp nhang tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Lạt-nữ điện thoại viên trẻ của Bưu điện Hòn Gai-người đã hy sinh dũng cảm bên tổng đài liên lạc trong một trận mưa bom của máy bay Mỹ vào năm 1972.

Ông Trương Quang Nghị nguyên là lính của Bộ Tư lệnh Đặc công đã từng tham gia giải phóng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào. Ông chuyển ngành và công tác tại Bưu điện Bãi Cháy ngày 5-1-1964. Như vậy, đúng 7 tháng sau khi chuyển ngành, ông đã trở thành một người thợ dây điện tuyến trên mặt trận nối liền mạch máu thông tin liên lạc của chiến trường, ngày 5-8-1964.

Ông Nghị dẫn cho chúng tôi xem bộ máy vi ba phục vụ tiếp sóng cho bộ đội Hải quân và quân dân Quảng Ninh trong những năm tháng chống máy bay và tàu chiến Mỹ đánh ác liệt nhất. Đây là bộ tổng đài từ thạch 10 số dùng để liên lạc giữa các lực lượng đánh không quân Mỹ ngày 5-8. Ông Nghị nói những thứ này, lớp cán bộ trẻ ngành viễn thông bây giờ chẳng cần biết đến nữa rồi nhưng với ông, chúng luôn gần gũi và thân thuộc.

Ông Nghị bên bộ tổng đài từ thạch 10 số, hiện vật tại nhà cơ vụ. Ảnh: Quang Thanh

Trong cấu trúc của Bưu điện lúc đó, có 2 đường dây thông tin kết nối với Sở chỉ huy của Hải quân. Một đường từ Sở chỉ huy Hải quân kéo lên đồi 237. Một đường dây thông tin kéo từ trận địa trên đồi 237 xuống Tổng đài Bưu điện Bãi Cháy. Kíp trực tăng cường của Tổng đài Bưu điện Bãi Cháy ngày 5-8 gồm có 3 người: Bà Vi Thị Mến là người trực chính, bà Nguyễn Thị Thu Thủy là người trực hỗ trợ bà Mến ngay sau khi máy bay Mỹ ném bom vào Bãi Cháy; còn ông Trương Quang Nghị là người khắc phục các đường dây thông tin bị đứt tại hiện trường sau mỗi đợt máy bay Mỹ đánh bom.

Ông Nghị xúc động khi nhắc lại trận 5-8: Đợt đầu nó đánh ào một cái rồi thôi. Lúc ấy, chỉ có cô Mến, cô Thủy bám trụ trên tổng đài tầng 2, ngay chỗ bến phà Bãi Cháy cũ ấy. Nhưng bom vừa dứt thì cô Mến bảo tôi: “Anh ơi, dây sang chỗ K1 mất rồi. Dây 237 cũng mất rồi”. Sau đó là các cổng thông tin khác đều tê liệt. Tôi khẩn trương lấy đồ nghề ra hiện trường nối đường dây. Ở trên đồi cao, tôi nhìn xuống vịnh còn thấy các bộ đội tàu Hải quân đang chặt dây neo để đưa tàu ra ngoài vịnh đánh địch. Nối xong các đường dây bị đứt, tôi đi xuống dưới đường thì thấy nhân dân Bãi Cháy đang đứng rất đông. Tôi thấy cảnh chiến sĩ mình chết, bà con mình bị chết, xót xa lắm.

Bà Vi Thị Mến sau khi nghỉ hưu đã cùng gia đình chuyển về Hà Nội và chúng tôi được tin bà đã mất. Còn bà Nguyễn Thị Thu Thủy sống cùng chồng con tận trong Đà Nẵng. Với quyết tâm gặp bằng được những người tiếp sóng cùng bộ đội Hải quân trong đánh thắng trận đầu, chúng tôi đã tìm được nhà bà ở số 206/2 đường Trưng Nữ Vương, TP. Đà Nẵng.

Bà Thủy kể: Hôm 5-8, tôi cùng với chị Yên Trưởng phòng đang thu, phát tin. Đến 13 giờ 30 phút thì nghe tiếng máy bay gầm rú. Với trách nhiệm của một nhân viên tổng đài, của một nữ tự vệ nữa nên không cần ai nhắc, tôi vội chạy lên tầng 2 để giúp sức cùng chị Vi Thị Mến.

 

Bà Thủy (người đứng) và bà Mến (người ngồi) thực hiện nhiệm vụ trực tổng đài ngày 5-8-1964. Ảnh: Tư liệu

Khi ấy, ở dưới mặt đất thì pháo cao xạ của ta bắn lên, các tàu Hải quân bắn lên, súng trường của các lực lượng vũ trang bắn lên. Ở trên không thì máy bay Mỹ bắn xuống. Ồn ào đến mức chúng tôi không thể nghe thấy tiếng các đường dây gọi về. Tôi lại chạy đi đóng hết các cửa chính, cửa phụ lại cho đỡ ồn rồi vào giúp cho Vi Thị Mến. Thời kỳ ấy muốn liên lạc được với nhau phải qua tổng đài khu vực; tất cả các số máy chỉ huy, điều hành các lực lượng đánh máy bay Mỹ đều phải qua Tổng đài Bưu điện Bãi Cháy. Nhưng có lúc các đường dây không nghe trực tiếp được, chúng tôi ở giữa phải ghi chép và chuyển tiếp thông từ các vị trí chỉ huy đến các điểm cầu…

Cán bộ, nhân viên Bưu điện Quảng Ninh trước đây, ngành viễn thông ngày nay luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Dù giản dị nhưng lời căn dặn ấy đã bao hàm đầy đủ vai trò, ý nghĩa của thông tin liên lạc trong mọi hoạt động của cách mạng. Từ thời chiến đến thời bình, thông tin liên lạc đã là không thể thiếu với một ngành, một  quân binh chủng hay một quốc gia.

Tiến sĩ Bùi Lại An, nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Viễn thông Quảng Ninh tâm sự: “Tôi rời Hải quân về công tác ở Bưu điện Quảng Ninh từ năm 1991. Khi tìm hiểu truyền thống Bưu điện Quảng Ninh qua các thời kỳ, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi nhận thấy rằng con người Quảng Ninh, cán bộ, nhân viên Bưu điện Quảng Ninh đã dùng mồ hôi và máu của mình để viết lên lịch sử rất hào hùng. Hóa ra, những khó khăn, gian khổ mà những người làm công tác Bưu điện đã trải cũng không kém phần khốc liệt so với những người lính. Họ cũng đã từng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp chung và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì họ đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình để đảm bảo thông tin liên lạc trong thời chiến. Bưu điện Quảng Ninh đã được Đảng, Chính phủ ghi nhận bằng 10 chữ vàng truyền thống: “Trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình”. Thế hệ hôm nay được tiếp nhận truyền thống hào hùng bằng mồ hôi và máu ấy cũng phải có trách nhiệm dùng bàn tay và khối óc của mình tiếp tục xây dựng ngành bưu điện xưa, Bưu chính Viễn thông bây giờ phát triển theo kịp bước phát triển chung của thế giới và thời đại”.

Chị Huỳnh Thị Kim Hồng, con gái bà Nguyễn Thị Thu Thủy cũng là một trong những người thuộc thế hệ mà Tiến sĩ Bùi Lại An vừa nhắc tới: “Tôi ra trường năm 1987, Đại học Tổng hợp Huế, Khoa Văn. Khi về đi làm thì tôi cũng có một số cơ hội nhưng khi ấy ngành bưu điện còn khó khăn, còn tôi lại rất thích cái ngành của mẹ tôi. Tôi về nói với mẹ nếu được thì xin cho con về bưu điện. Tôi làm ở bộ phận phát hành báo chí của Bưu điện Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong gia đình, tôi rất tự hào về công việc của ba mẹ tôi. Mẹ tôi là một nhân viên, sau đó về đây thì là một cán bộ quản lý. Ba tôi là bộ đội. Tôi cũng đã có cơ hội làm công việc khác nhưng tôi vẫn muốn đóng góp công việc cho ngành bưu chính và bây giờ là Bưu điện Việt Nam”.

Khởi đầu từ ngày 5-8-1964 đến hết cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, các cơ sở khai thác và các tuyến đường dây Bưu điện Quảng Ninh đã bị đánh phá 871 lần; 11 cán bộ, nhân viên Bưu điện Quảng ninh đã hy sinh, 18 đồng chí bị thương. Nhưng cũng như cột ăng ten viba luôn sừng sững trên đỉnh núi Bài Thơ, truyền thống kiên cường của ngành Bưu điện Quảng Ninh chưa bao giờ mai một. Trong trang sử truyền thống ấy, có những trang vàng viết về sự kết nối thông tin của ngành đến các lực lượng vũ trang trên địa bàn để làm nên trận thắng ngày 5-8.

Hà Phương Thảo

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn