Những điều cần biết về phản ứng sau tiêm vaccine phòng Covid-19
* Bác sĩ CHU XUÂN ANH, Khoa Bệnh lây đường máu, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Đại dịch do virus SARS-CoV-2 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới. Trong cuộc chiến với đại dịch này thì việc tiêm vaccine được xác định là biện pháp chủ động hữu hiệu nhất giúp nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng đẩy lui dịch bệnh.
Cho đến nay, đã có nhiều vaccine được nghiên cứu, thử nghiệm và chấp thuận sử dụng bởi Tổ chức Y tế thế giới hay các nước châu Âu, Mỹ, Nga, Trung Quốc, trong đó có: Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm...Do tính khẩn cấp cần đưa vào sử dụng ngay để khống chế đại dịch nên thực tế các phản ứng sau tiêm vaccine cũng chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy vậy, dựa trên các nghiên cứu đã công bố có thể tóm tắt một số phản ứng ngoại ý mà người tiêm vaccine Covid-19 cần biết như sau:
Các phản ứng ngoại ý thông thường
Hội chứng giống cúm
Sau khi tiêm vài tiếng có thể xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, gai rét... Các biểu hiện này giống như các triệu chứng cảm cúm thông thường. Người tiêm vaccine cần nghỉ ngơi, chú ý bù đủ dịch (các loại nước uống sinh tố, hoa quả, nước dừa, oresol..), đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, uống thuốc hạ sốt giảm đau (paracetamol hay ibuprofen) theo chỉ định.
Tiêm phòng vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Cánh tay Covid
Đa số sau khi tiêm thường chỉ đau nhẹ nơi tiêm; một số trường hợp sau tiêm khoảng vài giờ xuất hiện đau hơn, sưng, nổi ban đỏ, ngứa xung quanh vùng tiêm, có thể kéo dài vài ngày đến khoảng hơn 1 tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Nếu người tiêm chủng bị “cánh tay Covid” sau mũi thứ nhất thì vẫn nên tiêm mũi thứ hai (trong trường hợp vaccine đó khuyến cáo tiêm mũi thứ hai) và lần tiêm thứ 2 nên tiêm tay bên đối diện. Trường hợp đau nhiều có thể chườm mát vùng tiêm, tuyệt đối không xoa bóp hay massage vùng tiêm vì có thể làm tổn thương viêm và tình trạng đau tăng hơn. Nếu các ban đó ngứa nhiều, hoặc vẫn đau nhiều hãy khám lại để bác sĩ sẽ chỉ đinh thêm thuốc (kháng histamine, giảm đau non-steroid) phù hợp.
Nổi hạch nách
Với các loại vaccine như Pfizer, Moderna hay Sputnik V đã ghi nhận có thể gây nổi hạch nách, đặc biệt là bên tiêm vaccine này. Các biểu hiện này xuất hiện vài ngày sau tiêm và kéo dài. Cần chú phân biệt với các bệnh gây hạch nách khác có thể xuất hiện cùng lúc.
Các phản ứng ngoại ý hiếm gặp
Các phản ứng phản vệ mức độ khác nhau: Cơ thể có phản ứng với các dị nguyên (do bản chất vaccine hoặc các dược chất bảo quản, pha chế vaccine) phản ứng này có thể xảy ra trong hoặc sau khi tiêm vaccine với các mức độ khác nhau:
+ Phản vệ độ I (nhẹ): sau khi tiêm có biểu hiện nổi mẩn ngứa, mày đay, phù mạch.
+ Phản vệ độ II (nặng): nổi mày đay, ngứa, phù mạch xuất hiện nhanh sau tiêm, có thể tức ngực khó thở, tức ngực thở rít, đau quặn bụng bụng, nôn, huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường, ý thức vẫn tỉnh táo.
+ Phản vệ độ III (nguy kịch): là phản ứng hiếm gặp. Theo kết quả nghiên cứu với các vaccine đang sử dụng trên thế giới tỷ lệ này gặp khoảng 2 đến 5 người trên một triệu mũi tiêm. Đại đa số phản vệ độ III (sốc phản vệ) xảy ra trong vòng 30 phút đầu sau tiêm với các biểu hiện khó thở, khàn tiếng, thở rít, khò khè, thở nhanh, tím tái, rối loạn nhịp thở, da xanh nhợt, lạnh, ẩm, tụt huyết áp, rối loạn ý thức hôn mê, rối loạn cơ tròn. Do đó, người được tiêm chủng cần phải ở lại cơ sở y tế theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm đề phòng sốc phản vệ có thể xảy ra để có thể được xử trí kịp thời. Trong quá trình theo dõi tiếp theo ở nhà, nhất là 24 giờ đầu sau tiêm người tiêm nên nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể lực nặng, có bất thường cần đến cơ sở y tế gần nhất khám lại ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn.
Các trường hợp có phản vệ đều phải xử trí và theo dõi ở bệnh viện. Với các vaccine cần tiêm 2 mũi thì nếu có phản ứng phản vệ sau tiêm mũi thứ nhất thì việc tiêm tiếp mũi thứ hai sẽ phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine
Đây là biến cố nặng nhưng rất hiếm gặp đã được ghi nhận sau tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson ở một số quốc gia. Biến chứng này thường gặp từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 28, chủ yếu gặp ở phụ nữ trẻ đặc biệt ở lứa tuổi dưới 30. Các biểu hiện thường gặp là đau đầu dai dẳng, dữ dội và dấu hiệu thần kinh khu trú, co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi nếu tắc mạch não, đau ngực khó thở (gợi ý thuyên tắc mạch phổi hoặc nhồi máu cơ tim), đau bụng (nếu tắc tĩnh mạch cửa), đau phù chi dưới (nếu tắc tĩnh mạch sâu). Trong vòng 28 ngày sau tiêm mũi thứ nhất, nếu người tiêm thấy có biểu hiện nghi ngờ cần quay lại khám để chẩn đoán nguyên nhân.
Các phản ứng cần theo dõi lâu dài
Các tác dụng ngoại ý thường xảy ra trong vòng vài ngày đầu tiên sau khi tiêm vaccine. Sau khi tiêm cơ thể cần vài tuần để hình thành các miễn dịch đủ mạnh để chống lại virus SAR-CoV-2. Do đó, người tiêm vaccine vẫn có thể bị bệnh do nhiễm virus này sau khi tiêm vaccine do chưa đủ thời gian để hình thành các đáp ứng miễn dịch bảo vệ. Hơn nữa, vẫn có tỷ lệ nhất định những người cho dù được tiêm vaccine nhưng không có đủ đề kháng bảo vệ và câu hỏi liệu vaccine có giúp bảo vệ khỏi các biến chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau vẫn cần đánh giá thêm. Do đó, cho dù có được tiêm vaccine thì việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng tránh cộng đồng như 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế là vẫn cần thiết.
Sau khi tiêm vaccine Covid-19 cần theo dõi tại cơ sở y tế 30 phút và tiếp tục theo dõi trong vòng vài ngày sau tiêm tại nhà
Các ảnh hưởng khác đến thai nhi ở phụ nữ có thai, hoặc ở trẻ bú mẹ có tiêm vaccine thì cho đến nay còn ít dữ liệu để đánh giá. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO) vẫn cần cân nhắc lợi ích phòng chống mắc bệnh với các nguy cơ có thể xảy ra với mẹ và thai nhi và trẻ nhũ nhi.
Các thuốc có thể làm giảm hiệu quả tạo miễn dịch của vaccine
Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa lipid… vẫn được phép duy trì các thuốc đều đặn mà không cần phải lo lắng đến việc ảnh hưởng của chúng với hiệu quả của vaccine. Theo các chuyên gia, chỉ một số các thuốc sau có khả năng là giảm hiệu quả hình thành miễn dịch bảo vệ do các thuốc này ức chế hình thành các đáp ứng miễn dịch chống virus SARS-CoV 2.
- Các thuốc corticoid: với bệnh nhân duy trì loại thuốc này thường xuyên như bệnh lupus ban đỏ, viêm cầu thận mạn, viêm khớp dạng thấp… thì sẽ làm giảm hiệu quả tạo đáp ứng miễn dịch của thuốc này đặc biệt với những bệnh nhân đang điều trị với mức liều corticoid cao (từ 2 mg Prednisolon/kg trở lên).
- Bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị phác đồ đa thuốc hoặc ghép tế bào gốc tạo máu nên trì hoãn tiêm chủng vì các phản ứng miễn dịch bị ức chế mạnh nên tiêm vaccine sẽ không hiệu quả. Các thuốc nội tiết trong điều trị ung thư vú và các phương pháp xạ trị điều trị ung thư không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine và những bệnh nhân này vẫn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19.
Một số khuyến cáo
- Cho đến nay chưa có vaccine Covid-19 nào đạt hiệu quả 100%, cũng chưa có vaccine nào được khẳng định chắc chắn có hiệu quả với các biến chủng mới của virus này. Tuy nhiên, các vaccine này cũng đã cho thấy hiệu quả trong việc phòng dịch Covid-19 hoặc giúp làm giảm mức độ nặng của bệnh nếu không may mắc Covid-19.
- Các tác dụng ngoại ý nghiêm trọng là hiếm gặp do đó lợi ích mà vaccine mang lại cho cộng đồng lớn hơn nhiều so với những tác dụng ngoại ý đó. Với các trường hợp cụ thể cần được tư vấn bác sĩ về việc tiêm phòng vaccine Covid-19.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Công điện ứng phó với bão số 9 - ( 18-11-24 06:00 )
- BIZ MBBank: Đối tác tin cậy của doanh nghiệp xuất nhập khẩu - ( 05-09-24 08:00 )
- Siêu bão Man-yi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 - ( 18-11-24 08:00 )
- Từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó với diễn biến bão Man-yi - ( 17-11-24 09:00 )
- Bão Toraji vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8 - ( 12-11-24 02:00 )