Những bài học kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong chiến công chống đế quốc Mỹ phong toả sông, biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường

* Trung tướng NGUYỄN VĂN BỔNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân

HQVN -

Cách đây 50 năm, với ý chí tự lực, tự cường và tinh thần sáng tạo, quả cảm, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt cùng quân dân miền Bắc đánh bại 2 cuộc chiến tranh (1967-1968 và 1972-1973) phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ. Đây là chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc-biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trước những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta. Chúng sử dụng không quân, hải quân đánh phá ác liệt các tỉnh, thành đồng thời tổ chức rải hơn 14.700 quả thủy lôi và bom từ trường nhằm phong tỏa các cửa sông, cửa biển, bến cảng ở miền Bắc. Đây là phương thức tác chiến rất thâm độc của Mỹ nhằm cô lập hoàn toàn miền Bắc, ngăn chặn sự giúp đỡ của quốc tế, cắt đứt tận gốc tuyến chi viện chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam.

Đây là một cuộc chiến đấu không cân sức, bởi địch có lực lượng đông, chiếm ưu thế cả trên không, trên biển, các loại thủy lôi, bom từ trường được cải tiến liên tục để chống tháo gỡ, rà phá. Trong khi chúng ta chưa hiểu biết nhiều về thủy lôi, bom từ trường, chưa có trang thiết bị rà phá chuyên dụng, chưa có nhiều kinh nghiệm chống phong tỏa.

Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quán triệt nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng nêu cao ý chí quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, địa phương, tổ chức rà phá, vô hiệu hóa trên 13.300 quả thủy lôi, bom từ trường của địch, làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến phong tỏa của đế quốc Mỹ.

Hội nghị Đảng ủy Quân chủng mở rộng triển khai kế hoạch rà phá thủy lôi trên sông, biển miền Bắc, tháng 10/1972. Ảnh: Tư liệu

Có được thành quả trên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân được tiến hành toàn diện, tập trung, thống nhất, hiệu quả, thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau:

Một là, quán triệt sâu sắc chỉ thị của Quân ủy Trung ương, chủ động họp bàn, ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án và làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đánh thắng địch phong tỏa.

Sau khi Quân ủy Trung ương có chỉ thị về chống phong tỏa là nhiệm vụ cấp thiết (tháng 6/1966), yêu cầu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tích cực, khẩn trương nghiên cứu kế hoạch để chuẩn bị đối phó. Đảng ủy Quân chủng đã họp bàn, ra nghị quyết chuyên đề: “Tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo, khắc phục khó khăn, khẩn trương, kiên trì, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, bí mật bất ngờ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chống phong tỏa”. Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ rà phá thủy lôi, bom từ trường, bảo đảm giao thông là yêu cầu bức thiết, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ nghị quyết của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã xây dựng “Đề án chống phong tỏa ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh” và các kế hoạch chống đánh phá tàu, cảng; kế hoạch diễn tập chống phong tỏa thủy lôi... báo cáo Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt, làm cơ sở chỉ đạo, chỉ huy, điều hành công tác chuẩn bị và thực hành chống địch phong tỏa.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin. Ảnh: Trọng Đăng

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn các đơn vị chống phong tỏa; tăng cường huấn luyện chuyên môn, tập trung nghiên cứu, chế tạo các thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường.

Trước khi địch phong tỏa miền Bắc (2/1967), ngoài một số ít cán bộ được đào tạo về vũ khí dưới nước ở nước ngoài, Quân chủng chưa có các lực lượng chuyên trách rà phá thủy lôi. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và nước bạn để tổ chức lực lượng chống phong tỏa. Tháng 7/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập Đội 8 Công binh để trục vớt, tháo gỡ thủy lôi; lập tổ chuyên trách nghiên cứu kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị bạn sản xuất thiết bị rà phá; thành lập các tiểu đoàn ra đa 6, 7, 8, các trung đoàn 171, 172, làm nhiệm vụ rà phá ở hướng chủ yếu.

Quân chủng cũng liên tục tổ chức tập huấn về quan sát, phát hiện thủy lôi. Đặc biệt, sau khi Đội 8 Công binh tháo gỡ thành công quả thủy lôi đầu tiên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh kịp thời chỉ đạo nghiên cứu chuyên sâu, làm cơ sở để chế tạo các thiết bị rà phá; tiếp đó khi địch liên tục cải tiến thủy lôi, bom từ trường, gây khó khăn cho ta, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo triển khai các nhóm nghiên cứu kỹ thuật, phối hợp với cán bộ khoa học của cơ quan, đơn vị nghiên cứu chế tạo các thiết bị rà phá hiệu quả hơn, như: Thiết bị phóng từ HDL-9; ống phóng từ HT5, HT6; thiết bị âm thanh PĐ67; máy phóng từ 480, 311; cải tiến tàu vận tải đổ bộ V-412 thành tàu phóng từ…

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng của các bộ, ngành, địa phương; chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất, hiệu quả.

Với vai trò nòng cốt, chủ lực, Quân chủng Hải quân đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quan sát, phát hiện, trục vớt, tháo gỡ, nghiên cứu, chế tạo các thiết bị rà phá thủy lôi; tổ chức các đội rà phá chủ lực ở các khu vực trọng điểm; tổ chức dẫn dắt, hộ tống tàu thuyền vòng tránh, ra vào cảng an toàn, không để tuyến vận tải chiến lược chi viện cho miền Nam bị ngưng trệ. Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nhất là giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ đã được phát huy; đồng thời huy động được đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật để đối phó hiệu quả với vũ khí công nghệ cao của địch.

Bốn là, làm tốt công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu; đẩy mạnh thi đua, tuyên truyền, tạo khí thế “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Chống địch phong tỏa là cuộc chiến rất căng thẳng, hiểm nguy, nếu không có lòng quả cảm và sẵn sàng hy sinh thì không thể lao vào bãi thủy lôi của địch để rà phá. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm cho bộ đội, xác định rõ đây là nhân tố tiên quyết, là ưu thế của ta so với địch. Việc giáo dục được tiến hành thường xuyên, liên tục, đi sâu từng đối tượng, bằng nhiều hình thức nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hy sinh gian khổ, dám đối đầu với vũ khí công nghệ cao của địch để tìm ra cách khắc chế hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của trên, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của người chỉ huy, có niềm tin vào trang thiết bị và cách tổ chức chống phong tỏa của ta.

Các hoạt động thi đua, tuyên truyền, cổ động thao trường cũng đã góp phần xây dựng ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn gian khổ, ra sức thi đua hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm là, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, nhất là chi bộ ở các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ chống phong tỏa; kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ kỹ thuật; huy động cán bộ khoa học trong và ngoài quân đội cho nhiệm vụ chống phong tỏa.

Trước yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ chống phong tỏa, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã điều động, sắp xếp, bổ sung cán bộ theo biên chế thời chiến; tập trung kiện toàn đủ cán bộ chủ trì, ưu tiên các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá. Riêng các tàu, bên cạnh sắp xếp đủ thuyền trưởng, nếu cán bộ chính trị thiếu thì tăng cường chính trị viên tiểu đoàn, phân đội xuống để làm công tác đảng, công tác chính trị trong từng đợt hoạt động. Công tác giữ bí mật nhiệm vụ, đoàn kết quân dân và thực hiện tốt chế độ chính sách trong chiến đấu cũng đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Nhiệm vụ chống phong tỏa đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ kỹ thuật hiểu biết chuyên sâu về vũ khí dưới nước. Do vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kỹ thuật, công binh; kịp thời điều động cán bộ kỹ thuật của các xưởng, trạm về cơ quan Quân chủng thành lập bộ phận nghiên cứu kỹ thuật chống phong tỏa; sớm đề nghị trên điều cán bộ từ các viện, Đại học Bách khoa… bổ sung cho công tác nghiên cứu, chế tạo phương tiện rà phá và huấn luyện kỹ thuật cho các lực lượng chống phong tỏa...

Chính ủy Hải quân tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích tốt trong thực hiện Chỉ thị số 124. Ảnh: PV

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Trước hết là thường xuyên quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nghị quyết, chỉ thị của trên; xây dựng cho bộ đội có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nhiệm vụ; dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ giỏi về nghệ thuật tác chiến Hải quân, hiểu biết sâu về kỹ thuật, sức khỏe và ngoại ngữ tốt.

Hai là, dự báo sớm và đúng âm mưu, thủ đoạn của địch; không để bị động, bất ngờ, chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các quyết sách để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức chiến đấu thắng lợi; phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển; tổ chức lực lượng chống phong tỏa có đầy đủ thành phần, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, trong đó Quân chủng Hải quân là nòng cốt, chủ lực.

Ba là, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, cải tiến, nội địa hóa, chế tạo các loại trang bị kỹ thuật phù hợp với nghệ thuật tác chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sẵn sàng đánh thắng địch có tiềm lực về vũ khí công nghệ cao bằng cách đánh và vũ khí trang bị của ta.

Bốn là, chống địch phong tỏa sông, biển diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, hiểm nguy, căng thẳng và quyết liệt, cần phải được chuẩn bị chu đáo từ nhân lực đến công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nhất là phát huy tốt mọi nguồn lực cho nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác chỉ đạo, điều hành phải linh hoạt, chặt chẽ, tập trung, thống nhất, toàn diện, kịp thời.

Chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc là chiến công tiêu biểu của Quân chủng Hải quân và quân dân miền Bắc; khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm đúc rút ra từ chiến công đó còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Trong tương lai, nếu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, đó sẽ là một cuộc chiến tranh công nghệ cao, với tính chất và mức độ khốc liệt, quy mô lớn, không loại trừ khả năng địch sẽ tiến công hỏa lực kết hợp phong tỏa đường biển để bóp nghẹt tiềm lực kinh tế, quân sự của ta. Chính vì vậy chúng ta vậy cần phát huy bài học kinh nghiệm về chống phong tỏa trước đây vào điều kiện mới, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần, nhất là xây dựng ý chí quyết tâm, dám đương đầu với khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, hoàn thiện lý luận nghệ thuật tác chiến chống phong tỏa, phòng tránh, đánh địch tiến công hỏa lực; nghiên cứu, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ quân sự, làm chủ trang bị kỹ thuật hiện đại; xây dựng, phát triển các lực lượng tinh, gọn, mạnh, góp phần xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn